Hôm qua tan làm về sớm, tôi liền ra tiệm hoa mua 2 giỏ hoa to đẹp mang về tặng mẹ chồng và mẹ đẻ. Nhà 2 mẹ ở gần nhau, cách chỉ khoảng 300m.
Tôi mang đến nhà mẹ chồng trước, bà vui vẻ đón nhận, còn khen tôi có tâm khi nhớ tới bà. Mẹ còn gọi tôi vào nhà, tặng tôi 1 chiếc bánh bông lan do bà làm thay lời cảm ơn.
Nhìn thái độ của mẹ chồng, tôi cũng vui vẻ và hạnh phúc theo. Đây là thứ mà tôi mong muốn nhìn thấy, niềm hạnh phúc của người được nhận quà. Ngồi nói chuyện với mẹ tầm 10 phút thì tôi xin phép đến nhà mẹ đẻ.
Tôi cũng mang giỏ hoa tương tự vào tặng mẹ đẻ. Nhưng trái ngược với sự niềm nở của mẹ chồng, mẹ đẻ của tôi lại chẹp miệng một tiếng rồi bảo tôi: "Ngày lễ con mua hoa làm gì cho đắt đỏ, giỏ hoa này chắc phải vài trăm ngàn, không biết tiết kiệm gì cả, tiền đó để mua được bao nhiêu thứ khác".
Mẹ tôi là người phụ nữ thực dụng, luôn đặt giá trị thực tiễn lên trên mọi thứ. Bà không thích phô trương hay lãng phí; mỗi đồng tiền tiêu phải có ý nghĩa, phải gắn liền với giá trị sử dụng lâu dài.
Tôi hiểu tính cách của mẹ, và biết rằng bà không có ý làm con buồn. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, tôi cảm thấy hụt hẫng. Tôi muốn mẹ hạnh phúc, muốn mẹ cảm nhận được niềm vui từ những điều nhỏ nhất, giản đơn nhất, không phải lúc nào cũng toan tính về mặt vật chất.
Lúc đó tôi vẫn mỉm cười và bảo mẹ cứ thoải mái lên, nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 tôi mới tặng hoa chứ có phải ngày nào cũng được mua đâu. Thế nhưng mẹ không nhận, bà bảo tôi mang trả cửa hàng hoa, lấy được bao nhiêu tiền về thì lấy, chứ bà thấy lãng phí. Hoa chỉ 1-2 ngày là héo, rồi sẽ vứt vào thùng rác, như vậy có phải là tự nhiên ném mấy trăm ngàn đi không? Và mặc tôi giải thích, mẹ vẫn ép tôi phải mang hoa đi trả để lấy lại tiền.
Trước phản ứng thái quá của mẹ, tôi đành ngậm ngùi mang giỏ hoa về. Trên đường về, tôi thấy khá bực bội vì tính cách của mẹ, nhưng sau đó tôi lại thấy thương bà. Cả đời bà chẳng mấy khi được nhận quà, hồi nhỏ nhà nghèo nên giờ tiết kiệm đến keo kiệt. Thế nên chẳng bao giờ bà bỏ tiền ra đi du lịch vì sợ tốn kém. Bà gần như chưa từng buông lỏng bản thân để hưởng thụ cuộc sống, lúc nào cũng tính tính toán toán. Vậy thì là khổ chứ đâu phải sung sướng hạnh phúc!