Tưởng hiệu quả, nhưng lại thành… hậu quả
Vào ngày 31 tháng 8 năm 2018, chuỗi cửa hiệu Domino's Pizza tại Nga đăng tải một chương trình truyền thông rất ấn tượng trên trang Vkontakte (một mạng xã hội tương tự như Facebook, với rất đông người dùng tại Nga).
"Chưa từng có trong lịch sử, chúng tôi chính thức triển khai chương trình ưu đãi trọn đời, cung cấp pizza miễn phí lên đến 100 năm cho tất cả khách hàng sở hữu hình xăm logo của Domino's Pizza."
Chương trình "Pizza trọn đời" của Domino's Pizza tại Nga
Đi kèm bên dưới bài viết là một số điều khoản giúp chương trình này tránh bị lợi dụng:
- Đầu tiên là hình xăm phải nằm ở một "bộ phận lộ thiên" trên cơ thể, người dùng phải chụp ảnh và chia sẻ trên mạng xã hội về hình xăm kể trên.
- Domino Nga sẽ là bên duy nhất xác nhận xem hình xăm có hợp lệ hay không, và lời hứa "pizza trọn đời" sẽ đồng nghĩa với 100 chiếc pizza mỗi năm, kéo dài tối đa 100 năm.
Với lời thách thức và những giới hạn như trên, đội ngũ marketing của Domino Nga hẳn nghĩ rằng chẳng có ai dám thực hiện, hoặc cùng lắm chỉ là vài người "cuồng pizza" sẽ tham gia trên dân số cả nước, và Domino cũng sẵn sàng sử dụng hình ảnh của nhân vật đó để làm các chiến dịch truyền thông, nhanh chóng bù lại chi phí marketing trên.
Thế nhưng, người tính chẳng bằng trời tính, chỉ trong vòng vài ngày, Domino's Pizza đã nhận hơn 300 đơn ứng tuyển từ người dân trên khắp cả nước, hầu hết đã xăm xong logo đỏ và xanh quen thuộc và yêu cầu cung cấp pizza ngay lập tức.
Không chờ đến khi Domino's Pizza công bố kết quả hay hướng dẫn bước tiếp theo, hàng trăm hình ảnh đã tràn ngập trên mạng xã hội tại Nga, từ tay, chân, ngực… với hàng chục thiết kế khác nhau.
Hàng chục hình xăm Domino được người dùng Nga tải lên Vkontakte
Choáng váng trước số lượng người tham dự vượt quá xa kỳ vọng, Domino phát ngay thông điệp kế tiếp trên Vkontakte vào ngày Thứ 3 tiếp theo, tức chỉ 5 ngày sau khi phát động chương trình.
"Các bạn ơi, chúng ta đã nhận được hơn 350 đơn ứng tuyển!!!
Đây là thông báo khẩn gửi đến tất cả những người đang có mặt tại tiệm xăm hình: Bạn vẫn được tham dự, nhưng hình ảnh phải được gửi về trước 12 giờ trưa hôm nay."
Không ít người cảm thấy bất ngờ với quyết định trên, vì chỉ vài hôm trước, Domino cam kết rằng chương trình sẽ kéo dài tới ngày 31 tháng 10, tức ít nhất là 2 tháng.
Domino còn nhấn mạnh thêm: "Thông báo tới những ai có ý định xăm hình trễ hơn hôm nay, chúng tôi thành thật khuyên bạn bỏ ngay ý định đó."
Theo phân tích của Wall Street Journal, "Nền kinh tế không mấy khả quan hiện tại khiến người dân Nga "mắc kẹt" với mức thu nhập chỉ 500 USD mỗi tháng".
Tờ báo này đã phỏng vấn nhiều người tham gia chương trình của Domino, và không ít người thừa nhận rằng họ xăm hình chỉ để nhận được thức ăn miễn phí và pizza còn không phải là món khoái khẩu của họ.
"Bán thân" vì sản phẩm miễn phí
Câu chuyện của Domino’s Pizza nghe có vẻ khó tin, nhưng đó không phải là lần đầu tiên một thương hiệu phải "muối mặt" khi coi thường độ cả gan của khách hàng.
Melt, một chuỗi thức ăn nhanh tại bang Ohio của Mỹ đã phải thêm 900 người vào danh sách "khách hàng thân thiết", khi hứa hẹn giảm giá 25% trọn đời cho người có hình xăm nhà hàng.
Vào năm 1999, nhà hàng Casa Sanchez hứa tặng bữa trưa miễn phí cho đến cuối đời cho khách hàng có hình xăm logo cửa tiệm. Và địa điểm trên phải nhanh chóng thêm vào điều kiện "chỉ cung cấp 50 suất mỗi ngày" khi số lượng người tham gia quá cao.
Đến năm 2010, Casa Sanchez chính thức hủy bỏ chương trình trên vì lý do tài chính.
Gần đây hơn, vào năm 2016, CNBC đưa tin về một chương trình marketing của quán Cafe 51 tại Úc, địa điểm này sẽ cung cấp hamburger trọn đời cho khách xăm hình tỷ lệ 1:1 một combo đang bán rất chạy, bao gồm 4 lớp thịt và 4 miếng gà chiên.
Hình ảnh combo hamburger trong chương trình
Tưởng như hình xăm "quá lố" trên sẽ khiến khách hàng chùn chân, nhưng không, đã có hơn 3.500 đơn đăng ký được gửi về Cafe 51 trong một thời gian ngắn.
Nhưng may mắn là cửa hàng này xác định rõ là chủ cửa hàng mới là bên đưa ra quyết định cuối cùng, và sau đó chỉ 10 người được chọn ra từ danh sách trên.
Thế mới biết, đừng bao giờ coi thường khả năng "chịu chơi" của khách hàng.