Bên trong cửa hàng bán đồ thể thao của mình, Jung Mi-kyeong (52 tuổi) lặng lẽ đứng bên quầy thu ngân uống cà phê.
Tuần vừa qua lẽ ra là khoảng thời gian bận rộn nhất trong năm của cửa hàng, bởi mọi người sẽ tới mua dụng cụ leo núi và cắm trại cho những chuyến du xuân đầu năm. Vậy mà giờ đây, âm thanh duy nhất phát ra từ cửa hàng này là tiếng nhạc mà cô bật.
Suốt 25 năm bán quần áo thể thao ở thành phố Paju (Hàn Quốc), chưa bao giờ Jung Mi-kyeong lại đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh doanh lớn đến vậy.
“Những ngày này, tôi về nhà từ 5h chiều bởi làm gì có khách đâu”, cô ngậm ngùi nói.
Với hơn 9.300 ca nhiễm bệnh cùng 130 ca tử vong vì Covid-19, chính phủ Hàn Quốc đã ban hành những biện pháp nghiêm ngặt như đóng cửa các trung tâm công cộng, trường học và tự cách ly tại nhà nhằm giảm thiểu tốc độ lây nhiễm. Tuy nhiên, những chính sách này đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hộ kinh doanh.
Đối với hai vợ chồng Jung - những người mà tổng thu nhập hàng tháng chỉ có 3 triệu won (~57 triệu đồng), đây là thời điểm thực sự khó khăn. Họ không có nguồn thu nhập ổn định nào khác ngoài việc kinh doanh.
“Bây giờ, tôi cảm thấy mình may mắn khi vẫn làm ra 10.000 won/ngày (~200.000 đồng)”, người phụ nữ này cho biết.
Trong khi đó, hầu hết các nhân viên văn phòng đang làm việc cho các tập đoàn lớn tại Hàn Quốc lại được phép làm việc tại nhà để tránh dịch và có lương đều đặn hàng tháng.
Kể cả trước khi dịch Covid-19 bùng phát và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh, Jung Mi-kyeong cũng chỉ kiếm được không quá 900.000 won/tháng (~17 triệu đồng). Do đó, họ buộc phải nhận tiền trợ cấp của chính phủ để trang trải cuộc sống hàng ngày.
Trong khu chợ truyền thống mà Jung kinh doanh, nhiều cửa hàng khác cũng gặp khó khăn về mặt tài chính khi quán bar và một số cửa hàng mỹ phẩm bị yêu cầu đóng cửa.
Nếu không nhờ gói kích cầu trị giá 11,7 ngàn tỷ won (~230 ngàn tỷ đồng) của chính phủ Hàn Quốc, bao gồm những khoản vay lãi suất thấp khẩn cấp dành cho các công ty và hộ kinh doanh vừa và nhỏ, tình hình sẽ còn nghiêm trọng hơn.
Jung cho biết, cô duy trì được việc kinh doanh là nhờ nhận được mức chiết khấu cho thuê 50.000 won (~1 triệu đồng) hàng tháng từ chủ nhà.
“Nhiều lúc tôi chỉ muốn ngừng bán, nhưng rồi vẫn tiếp tục mở cửa hàng mỗi sáng với hy vọng sẽ có khách ghé mua”, cô tâm sự.
Theo Yi Sang-gu - Chủ tịch Hiệp hội Phúc lợi Nhà nước, người từng phụ trách về chính sách xã hội tại Nhà xanh, tầng lớp lao động tại Hàn Quốc đang phải đối mặt với một số vấn đề khó khăn trong cuộc chiến chống lại Covid-19 mà người giàu không gặp.
“Những gia đình giàu có thường không gặp trở ngại gì khi phải ở nhà một thời gian dài. Tuy nhiên, những người đang phải sống trong những căn hộ chỉ có 3,3m2 trong hàng tháng trời có thể phải đối mặt với những khó khăn về cả thể chất lẫn tinh thần”, ông nói.
Khu chợ truyền thống tại thành phố Paju. (Ảnh: David Lee)
Do các trường học tại Hàn Quốc sẽ đóng cửa tới tận 6/4, các bậc phụ huynh thuộc tầng lớp lao động có con trong độ tuổi đến trường sẽ gặp phải vấn đề nan giải: vừa đảm bảo thu nhập ổn định, vừa chăm sóc con cái.
Ha Young-suh (44 tuổi) hiện là mẹ đơn thân tại thành phố Pohang. Để nuôi đứa con gái 8 tuổi của mình, cô kiếm sống bằng nghề bán túi xách trong trung tâm thương mại. Cô cho biết mình phải làm việc đến tận 9h tối, dù có khi cả ngày chỉ bán được 1 chiếc túi.
Không giống như những gia đình có đủ điều kiện thuê bảo mẫu hay gia sư, Ha thậm chí còn không có đủ tiền để trả tiền thuê nhà và mua thức ăn. May mắn thay, một trung tâm phúc lợi trẻ em địa phương do chính phủ tài trợ đã nhận trông con gái cô vào ban ngày, dạy đứa bé học Toán, tiếng Anh và âm nhạc.
“Đối với tôi, trung tâm trẻ em này giống như một người mẹ. Họ đón con gái tôi từ 9h sáng và nhận trông đến 9h tối chỉ để giúp tôi”, cô Ha nói. “Đây là nơi duy nhất tôi có thể nhờ cậy trong thời điểm này”.
Ở Seoul, các trung tâm vô gia cư và các điểm phát đồ ăn uống cũng phải đóng cửa khi một loạt quy định được chính phủ thắt chặt. Do đó, số người đến tham gia tình nguyện cũng giảm đáng kể.
“Chúng tôi vẫn đang cố gắng mở cửa, vì hàng trăm người vô gia cư sẽ không biết đi đâu nếu chúng tôi ngừng hoạt động đột ngột”, Woo Yeon-shik - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ người vô gia cư Dream City - cho biết.
“Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có tới 700 người đến nhận đồ ăn tại các điểm, so với số lượng 400 người như trước đây”, ông bổ sung.
Dòng người xếp hàng dài để nhận đồ tại các điểm phát thức ăn. (Ảnh: David Lee)
Kim Ha-sik (60 tuổi) thường ghé qua Trung tâm Dream City mỗi ngày từ khu trọ của mình. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, ông làm việc tại một công trường xây dựng với mức lương 150.000 won/ngày (~2 triệu đồng). Tuy nhiên, giờ ở đó không còn công việc gì cho những người như ông nữa.
“Tôi đã tiết kiệm đủ để trả tiền nhà trong 2 tháng, nhưng tôi không biết mình sẽ đi đâu về đâu khi số tiền đó hết”, ông vừa nói vừa giơ túi zip bọc 3 cọc tiền 50.000 won.
Đối với những người cao tuổi, nhất là những người sống một mình, việc đóng cửa các trung tâm phúc lợi sẽ ảnh hưởng lớn để kế sinh nhai của họ.
Dù Trung tâm Phúc lợi dành cho người cao tuổi Paju đã đóng cửa vô thời hạn, Ko Myung-hee (53 tuổi) và các đồng nghiệp của mình tại đây vẫn quyết định lái xe tới nhà của những người cao tuổi đang sống một mình trong thành phố. Theo thống kế, Hàn Quốc có khoảng 740.000 người già đang sống một mình, trong số đó đó có 14.000 người đến từ Paju.
“Dù trung tâm ngăn cản, chúng tôi vẫn tự bỏ tiền túi ra mua thực phẩm để làm đồ ăn phụ cho những người già này”, Ko chia sẻ. Mỗi tháng, cô kiếm được 20.000 won (400.000 đồng) cho công việc tình nguyện bán thời gian tại trung tâm.
Người phụ nữ này cho biết, hầu hết người già đều sợ ra khỏi nhà để đi chợ hay tới bệnh viện khám, do lo ngại sẽ nhiễm Covid-19. Trước các cửa hàng thuốc, một hàng dài người đang chờ để mua ít khẩu trang được nhà nước bán giới hạn.
“Tôi đã tặng toàn bộ số khẩu trang có ở nhà cho người cao tuổi vì hiện tại họ không được hỗ trợ đầy đủ từ chính phủ”, Ko nói. “Con cháu họ quá bận bịu với cuộc sống của mình và họ bị cả xã hội cô lập chỉ vì tuổi tác”.