'Tàng lọng' che ngai vàng các vị vua triều Nguyễn ra sao sau khi trùng tu?

Nguyễn Vương - VTC News |

Bửu tán đặt trong điện Thái Hoà (Đại Nội Huế) là cái tàng lọng quý báu, che trên ngai vua, tạo nên sự uy nghi và trang trọng của không gian vua ngự.


Bửu tán (tàng lọng quý báu) dùng để che trên ngai vàng của vua nhà Nguyễn đặt tại vị trí trung tâm của điện Thái Hoà trong Đại Nội Huế (nơi đăng quang của 13 vị vua nhà Nguyễn). (Ảnh: Nguyễn Phong)

Dưới thời vua Gia Long bửu tán được làm bằng vải gấm. Năm 1923 để chuẩn bị cho lễ “Tứ tuần đại khánh” của mình, vua Khải Định cho làm bửu tán bằng gỗ thếp vàng như ngày nay.

Mỗi mặt của bửu tán chạm lộng hình hai con rồng chầu mặt vào nhau miệng ngậm chữ “Thọ”, bốn góc chạm hình đầu rồng nhô cao, xung quanh và các góc tạo hình các tua rủ uyển chuyển mềm mại. Người chế tác bức bửu tán này là nghệ nhân Nguyễn Văn Khả.

Trải qua hàng trăm năm lịch sử, phần gỗ sơn son thếp vàng của bửu tán và phần bục ngai vàng của vua nhà Nguyễn có dấu hiệu xuống cấp, bong tróc phần thếp vàng. Do đó, song song với việc trùng tu điện Thái Hoà thì bửu tán và bục ngai vàng cũng được trùng tu và thếp lại vàng.

Ghi nhận của PV Báo Điện tử VTC News, đến nay việc trùng tu bửu tán trong điện Thái Hoà đã hoàn tất.

Riêng bục ngai vàng đang được các công nhân thực hiện thếp vàng.

Trước khi thếp vàng, những người thợ phải làm sạch từng hoạ tiết xung quanh bục ngai vàng. Việc này nhìn có vẻ đơn giản nhưng phải làm thật khéo léo để không ảnh hưởng hoặc thay đổi hoạ tiết vốn có trên cổ vật.

Những người thợ đang tập trung làm việc cả ngày lẫn đêm để có thể kịp hoàn thành bục ngai vàng trong điện Thái Hoà trong 1-2 ngày tới.

Ngoài ra, theo ghi nhận của PV VTC News, việc trùng tu các hạng mục bên trong điện Thái Hoà đến nay cũng cơ bản hoàn tất.

Hiện những nghệ nhân vẫn đang nỗ lực làm việc để chau chuốt lại các hạng mục cuối cùng trước khi hoàn thành công việc trùng tu điện Thái Hoà trong vài ngày tới đây. (Ảnh: Nguyễn Phong)


Với lịch sử hình thành hơn 200 năm, điện Thái Hòa là ngôi điện quan trọng nhất trong khu vực Hoàng thành Huế xưa. Đây Là nơi diễn ra các đại lễ và các cuộc họp đại triều với sự tham gia của Vua, hoàng thân quốc thích và các đại thần.

Sau hơn 200 năm tồn tại, điện Thái Hoà xuống cấp nghiêm trọng. Trước tình hình đó, năm 2020, Chính phủ phê duyệt kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để trùng tu, sửa chữa khẩn cấp di tích này. Tuy nhiên, đến cuối tháng 11/2021 việc trùng tu điện Thái Hoà mới được khởi công với kinh phí khoảng 128 tỷ đồng.

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cô đô Huế, ngày 23/11 tới đây, song song với việc tổ chức lễ đón nhận bằng của UNESCO công nhân di sản tư liệu "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" thì đơn vị cũng sẽ công bố hoàn thành dự án "Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hoà".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại