Tăng cường xét nghiệm có phải là cách để ngăn chặn lây lan đại dịch COVID-19?

Minh Đức |

Các chuyên gia y tế Mỹ cho rằng, với các tiêu chuẩn xét nghiệm hiện tại, Mỹ có thể đã bỏ sót nhiều bệnh nhân mắc COVID-19.

Tại An Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, 5 thành viên trong một gia đình được xác nhận dương tính với virus corona sau khi tiếp đón một vị khách từ Vũ Hàn hồi đầu tháng Một. Tuy nhiên, chính người khách đó – một cô gái 20 tuổi, cho tới giờ lại vẫn chưa có dấu hiệu bị ốm.

Theo tờ New York Times, các nghiên cứu đã chỉ ra, một số người mang trong mình virus corona có thể lan truyền nó ngay cả khi họ không có triệu chứng gì.

Những người nhiễm virus nhưng không có triệu chứng là một hiện tượng khá phổ biến. Tuy nhiên, virus corona mới – hay còn có tên là COVID-19 là một mầm bệnh mới, và những trường hợp như trên sẽ khiến các nỗ lực khoa học tìm hiểu về nó càng phức tạp hơn.

"Không có nghi ngờ gì về việc một ai đó không có triệu chứng bị nhiễm virus có thể lây sang cho người khác", Bác sỹ Anthony Fauci, giám đốc Viện các bệnh dị ứng và lây nhiễm quốc gia Mỹ cho hay. "Câu hỏi là, hiện tượng đó phổ biến đến mức nào? Có phải nó đang trở thành một động cơ quan trọng cho bùng phát dịch hay chỉ là một trường hợp bất thường?"

Ông cảnh báo, nếu những người mang mầm bệnh không có triệu chứng đóng vai trò chủ chốt trong dịch bệnh, "việc xét nghiệm sẽ phải chịu nhiều áp lực và gánh nặng hơn".

Tăng cường xét nghiệm có phải là cách để ngăn chặn lây lan đại dịch COVID-19? - Ảnh 1.

Một bác sỹ tại bệnh viện Chữ Thập đỏ, Vũ Hán (ảnh: SCMP)

Hiện tại, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) chỉ cho phép xét nghiệm những người có triệu chứng đã tới Trung Quốc trong thời gian gần đây hoặc những người từng có liên hệ với các bệnh nhân dương tính với COVID-19.

"Chúng ta có thể đã bỏ qua một lượng lớn các trường hợp không nằm trong các tiêu chuẩn trên", Tiến sỹ Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách cho các bệnh lây nhiễm tại Đại học Minnesota nói. "Việc không có chứng cứ không phải là bằng chứng cho việc không có".

Những người nhiễm virus mà không có triệu chứng có thể là nguồn lây bệnh quan trọng. Những người này khó bị phát hiện và luôn di chuyển. Họ không có lý do để tránh xa đám đông hoặc thực hiện các hành động thân mật. Họ không biết mình bị ốm cũng như không ai nghĩ họ bị ốm.

Hồi tháng 2, Đức đã di tản 126 người từ khu vực Vũ Hán. 10 hành khách bị tách riêng do có dấu hiệu bị ốm hay bị cho là đã nhiễm COVID-19; tuy nhiên, cả 126 người đều phải tiến hành xét nghiệm.

Đáng chú ý 10 hành khách bị cô lập lại có kết quả âm tính nhưng 2 người khác không có dấu hiệu ốm lại được xác nhận dương tính và ngay lập tức được nhập viện. Trong thời gian ở bệnh viện, một người hơi bị viêm họng nhẹ nhưng không bị ốm.

Tăng cường xét nghiệm có phải là cách để ngăn chặn lây lan đại dịch COVID-19? - Ảnh 2.

Cảnh sát Italy kiểm tra người dân đi vào vùng Turano Lodigiano (ảnh: Reuters)

Mỹ hiện có 59 trường hợp xác nhận bị nhiễm COVID-19 nhưng số lượng ca xét nghiệm đã thực hiện lại bị đánh giá là chưa "xứng tầm". Theo New York Times, CDC mới có 445 xét nghiệm, không kể những người được di tản về từ nước ngoài.

Giới chức Mỹ cảnh báo, các bệnh viện, trường học và doanh nghiệp phải chuẩn bị cho khả năng dịch bệnh bùng phát. Các chiến lược kiềm chế có thể được mở rộng bao gồm cả các bước như đóng cửa trường học, yêu cầu làm việc từ nhà và hạn chế tụ tập đông người.

Cho tới thời điểm hiện tại, phần lớn các nhiễm bệnh và tử vong đều ở Trung Quốc. Thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc cũng được cho là nơi phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. Trong khi số ca lây nhiễm và tử vong đang giảm trông thấy ở Trung Quốc thì tại một số quốc gia như Hàn Quốc và Italy, tốc độ lây lan lại bắt đầu tăng mạnh. Ít nhất 81.109 người đã bị lây nhiễm và 2.718 người chết bởi virus corona mới trên toàn thế giới. Tuy nhiên, một số quốc gia có khả năng chưa xác định được người nhiễm bởi vì họ không có nhiều xét nghiệm nhiều hoặc nguồn lực để xét nghiệm còn yếu kém.

Tại Italy, các cơ quan y tế tại một số vùng đang thực hiện cách tiếp cận khá khác biệt so với Mỹ. Sau khi có 10 người tử vong do COVID-19, giới chức y tế Italy bắt đầu tiến hành xét nghiệm rộng khắp ở nhiều khu vực. Hóa ra có hàng trăm người bị nhiễm, bao gồm cả những người không có triệu chứng.

Lệnh phong tỏa đã được áp dụng ở ít nhất 10 thành phố và hàng chục nghìn người dân được yêu cầu hạn chế đi lại.

Tăng cường xét nghiệm có phải là cách để ngăn chặn lây lan đại dịch COVID-19? - Ảnh 3.

Công nhân khử trùng xe buýt công cộng tại thủ đô Tehran, Iran (ảnh: Reuters)

Các nghiên cứu trước đây về lây truyền không có triệu chứng – bao gồm cả một báo cáo về trường hợp một người phụ nữ Trung Quốc từng tới thăm Đức trong vài ngày hồi tháng Một, đã vấp phải chỉ trích. Người phụ nữ Trung Quốc đã khiến một vài đồng nghiệp bị lây nhiễm nhưng không biết là mình bị ốm cho tới khi quay trở lại quê nhà.

Một nghiên cứu sau đó chỉ ra, người phụ nữ trên cũng có một số triệu chứng nhẹ - như mệt mỏi và không phải là triệu chứng thường thấy ở người mắc virus corona. Các chuyên gia nhận định, nếu người không có triệu chứng hoặc có ít triệu chứng có thể làm lây nhiễm COVID-19 một cách thường xuyên, thì cần phải mở rộng việc xét nghiệm.

"Điều đó cho thấy chúng ta cần có thêm nhiều xét nghiệm", Tiến sỹ Judith Wasserheit, đồng giám đốc Trung tâm Chuẩn bị đại dịch và an ninh y tế toàn cầu của Đại học Washington kêu gọi. "Chúng tôi vẫn đang tìm hiểu thêm về cơ chế sinh học của virus corona mới và cách nó gây bệnh".

Còn bác sỹ Sandra Ciesek của Đại học Bệnh viện Frankfurt giải thích, vấn đề là "thông thường, anh không kiểm tra những người khỏe mạnh không có triệu chứng bởi vì chi phí quá đắt đỏ".

"Như vậy, chúng ta có thể có nhiều người đã bị lây nhiễm trên toàn thế giới hơn là dự kiến", bà Ciesek nói.

Tăng cường xét nghiệm có phải là cách để ngăn chặn lây lan đại dịch COVID-19? - Ảnh 6.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại