Bà Đặng Thị Hoàng Yến - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và công nghiệp Tân Tạo - Ảnh: ITA
Thời gian qua, Công ty cổ phần đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (gọi tắt là Tân Tạo) dính hàng loạt lùm xùm liên quan đến việc tạm ứng gần 2.000 tỉ đồng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến đầu tư ở Mỹ nhưng sau đó đính chính chỉ chi 633 tỉ đồng. Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã yêu cầu giải trình gấp nhưng Tân Tạo chậm trễ.
Bà Trần Anh Đào - phó tổng giám đốc HoSE - sau đó đã ký quyết định đưa cổ phiếu ITA của Công ty CP đầu tư và công nghiệp Tân Tạo vào diện cảnh báo từ ngày 6-9.
Lý do HoSE đưa ra là Tân Tạo đã vi phạm quy định công bố thông tin từ bốn lần trở lên trong vòng một năm, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định. Sau đó Tân Tạo còn bị Tập đoàn kiểm toán Ernst & Young (EY) "bất ngờ" từ chối hợp đồng.
Mới đây, Tổng cục Thuế đã có văn bản yêu cầu Cục Thuế TP.HCM tập trung rà soát số liệu kê khai thuế của Tân Tạo, phối hợp với ngân hàng xác minh số tiền mà Tân Tạo đã tạm ứng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến, đồng thời chuyển hồ sơ cho công an nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm.
Mục đích được Tổng cục Thuế ghi rõ trong văn bản là "nhằm kịp thời xử lý trường hợp gian lận trong kê khai nộp thuế".
Văn bản được Tổng cục Thuế gửi trực tiếp cho một nơi nhận duy nhất là Cục Thuế TP.HCM với các chỉ đạo như nêu ở trên. Tuy nhiên ngày hôm nay, 12-9, đã xuất hiện "Đơn kêu cứu khẩn cấp" trong đó có đầy đủ chữ ký của ban lãnh đạo Tân Tạo.
Nội dung lá đơn kêu cứu nêu: ban lãnh đạo công ty nhận được nhiều kiến nghị của cổ đông và cổ đông yêu cầu ban lãnh đạo công ty phải gửi đơn kêu cứu khẩn cấp về "âm mưu và hành động phá hoại, bức tử, thâu tóm Tân Tạo, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, quyền lợi của các nhà đầu tư, các cổ đông và đặc biệt ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán".
Trong đơn, Tân Tạo cũng cho rằng vì thông tin thanh kiểm tra này mà dấy lên tin đồn ITA "bị đánh" nên cổ đông bán tháo, dẫn đến cổ phiếu sập sàn. Việc này sẽ dẫn đến việc một số "thế lực" có thể trục lợi mua ITA với giá rẻ.
Ngoài ra, từ tháng 5-2022 đến nay, Tân Tạo và các công ty thành viên của tập đoàn bị các ngân hàng từ chối cho vay. "Phải chăng đang có chiến lược bao vây, bóp nghẹt hoạt động sản xuất kinh doanh của Tân Tạo dẫn đến thâu tóm công ty?" - công ty này nêu trong đơn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 12-9, ông Đặng Quang Hạnh - tổng giám đốc Công ty Tân Tạo - xác nhận ban tổng giám đốc và công đoàn đã đại diện cổ đông lên tiếng, ký đơn cầu cứu khẩn cấp trên.
Liên quan đến việc HoSE đã nhiều lần yêu cầu Tân Tạo giải trình về khoản tiền "hạch toán sai", từ 1.936 tỉ đồng xuống còn 633 tỉ đồng để tạm ứng cho chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến tham gia dự án tại Mỹ, ông Hạnh cho biết phía Tân Tạo đã "giải trình hết".
"Mỗi lần gửi công văn chỉ cách nhau mấy ngày, việc giải trình là phải xem xét chi tiết, coi lại tất cả các con số mới, đâu phải chỉ có thời gian 3 ngày rồi sau 3 ngày lại phát hành tiếp một cái nữa, cái đó là bất thường.
Bên này đã gửi rồi, còn Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM có công bố hay không là quyền của họ. Còn mình phải làm tròn trách nhiệm của mình", ông Hạnh khẳng định.
Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi vì sao một khoản tiền lớn lên đến 1.300 tỉ đồng lại có thể bị "hạch toán sai". Ông Hạnh phản hồi: "Chưa có cái gì mà con người không có lúc sơ sót".
Lấy dẫn chứng ngay cả trí thông minh nhân tạo (AI) cũng có sự cố, ông Hạnh khẳng định "không bao giờ có gì là tuyệt đối, nhưng khi vào thời điểm nhạy cảm, người ta mới nghĩ ra một vấn đề khác, đó là suy diễn của con người".
Ông lấy ví dụ thời điểm này cổ đông phản ánh họ nghi ngờ có thế lực đứng đằng sau "đánh" nhằm thôn tính tập đoàn này và những suy diễn này của cổ đông "có ý mình cảm thấy là đúng".
Trong khi đó đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết sau khi nhận văn bản yêu cầu Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP.HCM đang rà soát số liệu của Tân Tạo.
Trước đó, căn cứ dữ liệu hệ thống quản lý thuế tập trung TMS, từ năm 2014 đến nay, Công ty Tân Tạo chưa được thanh tra, kiểm tra thuế.