Tân hôn mới 3 tháng, chồng bất ngờ bại liệt, vợ 15 năm chăm sóc: "Người ta bảo trả anh về cho gia đình, mà sao nỡ"

Thiên Yết |

Mối duyên nghiệt ngã của chị Trang và anh Trung đã kéo dài 15 năm. 15 năm anh ú ớ ngây ngô như đứa trẻ chưa biết nói, chị vẫn kề cận chăm chút đợi ngày phép màu xảy ra.

15 năm chung sống, chỉ 3 tháng được làm vợ

Khoảng 4 - 5 năm nay, người dân ở một khu tập thể cũ tại Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội đã quen với sự hiện diện của vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Trang và anh Nguyễn Đăng Trung (cùng 43 tuổi). Họ đã sống bên nhau 15 năm, trong hình hài một cuộc hôn nhân khác thường.

15 năm, chị Trang chỉ có 3 tháng được hưởng niềm vui son rỗi của cặp đôi mới cưới. Thời gian còn lại, chị là y tá, là bảo mẫu, là người chăm sóc… anh Trung - người đã bại liệt sau một tai nạn giao thông bất ngờ.

Họ phải lòng nhau khi chị Trang là thu ngân của một tiệm ảnh tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ), còn anh Trung từ Yên Bái xuống đây học nghề. Yêu được vài tháng thì họ cưới nhau, với bao dự định tươi đẹp cho tương lai.

Tân hôn mới 3 tháng, chồng bất ngờ bại liệt, vợ 15 năm chăm sóc: "Người ta bảo trả anh về cho gia đình, mà sao nỡ"- Ảnh 1.

Ảnh cưới của chị Trang - anh Trung được chụp vài tháng trước biến cố lớn

Nhưng tất cả sụp đổ sau một buổi chiều tan làm, chị Trang dặn chồng đến tiệm ảnh đón mình. Đáp lại, chỉ là tiếng động kinh hoàng từ vụ tông xe ngay trước cửa tiệm. Người dân xung quanh đổ ra ngoài xem tai nạn. Mãi đến khi mọi người hô hoán, chị Trang mới chạy ra, suýt ngất khi thấy chồng mình nằm giữa vũng máu, thoi thóp thở.

Anh Trung được đưa vào điều trị tại bệnh viện địa phương với chẩn đoán chấn thương sọ não, hệ thống dây thần kinh bị chèn ép dẫn tới liệt toàn thân. Anh nằm thở máy vài tháng, rồi cũng tỉnh lại, nhưng mất hết ngôn ngữ, gần như bất động. 

Từ một thanh niên khỏe mạnh, vui vẻ, anh Trung ngơ ngác như người mất hồn, chỉ có thể “giao tiếp” bằng vài từ ú ớ. Chị Trang đưa anh về Yên Bái sống 1 năm, nhưng không có gì tiến triển. Người gây tai nạn cho anh gợi ý đưa anh đi Hà Nội, cố gắng điều trị xem có thể cứu vãn được gì không.

Sau một vài đợt châm cứu, anh Trung có thể cử động được tay trái, bập bẹ nói vài từ đơn giản. Nhưng mặc cho sự chăm sóc tận tình của vợ và kiên trì điều trị, anh không tiến triển thêm. Những tiến bộ trước kia, theo thời gian cũng không còn giữ được.

Tân hôn mới 3 tháng, chồng bất ngờ bại liệt, vợ 15 năm chăm sóc: "Người ta bảo trả anh về cho gia đình, mà sao nỡ"- Ảnh 2.

15 năm qua, cuộc sống của chị Trang đã thay đổi theo cách mà chị chưa bao giờ tưởng tượng

Lúc này, chị Trang thôi nhận hỗ trợ từ người đã gây tai nạn cho anh năm xưa. “Không thể bắt người ta có trách nhiệm với mình mãi. Người ta lo cho toàn bộ viện phí, cũng nhiệt tình cùng mình đổi các loại biện pháp rồi mà không thể khá lên. Mình chấp nhận số phận, mang chồng về chăm chứ không thể ăn vạ người ta cả đời”.

Chị tìm nhà trọ giá rẻ, kiếm việc ở Hà Nội để kiếm tiền nuôi chồng. Người phụ nữ bé nhỏ, chưa nặng được 40kg vừa làm đủ nghề tay chân vất vả, vừa chăm lo từng chuyện nhỏ nhặt của chồng. Nhiều năm học cách chăm sóc chồng, chị thoăn thoắt lật, bê vác, làm vật lý trị liệu cho anh để lưu thông máu, tránh hoại tử

Anh không nói, không cử động toàn thân được nhưng anh vẫn “biết”, tôi gọi, nói chuyện với anh thì anh vẫn phản ứng lại. Thế nên dù anh chỉ ú ớ, tôi vẫn nói chuyện với anh mỗi khi ở nhà, dỗ anh ở nhà ngoan, khỏe để tôi đi làm. Có những khi hàng xóm cũng ghé qua, mở giúp tivi cho anh xem cho khuây khỏa”, chị Trang kể.

“Nhiều người bảo tôi trả anh về cho gia đình tự chăm, nhưng ai mà nỡ”

Lịch trình mỗi ngày của người vợ, ấy là sáng dậy sớm vệ sinh cá nhân, massage cho chồng, đi mua đồ ăn sáng rồi đút cho chồng ăn xong xuôi. Nếu còn thừa, chị sẽ ăn nốt, hoặc nhịn đói đi làm. Đến trưa, chị tất tả về nhà cơm nước cho anh, rồi lại chạy lên cơ quan cho kịp giờ làm chiều.

Suốt 15 năm qua, với chị, đi chơi, đi du lịch là thứ xa xỉ mà chị không bao giờ có. Chị cố đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống, nhưng lịch trình kín đặc lặp lại mỗi ngày, chị không thể nghĩ đến việc gặp gỡ đồng nghiệp, đi ăn đi chơi vì “anh ốm đau nằm đó đã thiệt thòi rồi, nên không bao giờ tôi đi đâu cả”.

Ngần ấy thời gian bền bỉ chăm sóc người chồng bại liệt, không ít lần chị nghe người khác xui bỏ anh. Hồi còn trẻ, người ta phân tích chị hãy còn thanh xuân, lấy chồng mới mấy tháng, chưa có con, tình cảm chưa quá sâu sắc, cứ trả anh về với gia đình mà yêu đương, làm lại cuộc đời. Còn giờ, người ta thương chị khổ quá, bảo ngần ấy năm là trọn vẹn nghĩa tình, có bỏ đi cũng không trách được.

Tân hôn mới 3 tháng, chồng bất ngờ bại liệt, vợ 15 năm chăm sóc: "Người ta bảo trả anh về cho gia đình, mà sao nỡ"- Ảnh 3.

Chị trở thành hộ lý, bảo mẫu, người chăm sóc cho chồng suốt 15 năm qua

Tôi nào phải gỗ đá. Cũng có những ngày anh ốm, mình ốm. Tôi sốt mê man trên giường, mệt không dậy nổi. Nằm cạnh anh mà nước mắt chảy ướt gối, tôi khóc nức nở.

Nhưng rồi lại nghĩ, mình sống một mình sao cũng được, còn anh đâu thể thiếu mình giây phút nào. 3 tháng hay 15 năm thì tôi cũng là vợ anh. Khi khỏe mạnh có nhau thì lúc đau yếu cũng vậy. Cái số phận của mình nó thế thì phải chịu”, nhìn mênh mang, chị bảo.

Những năm xưa, chị vin vào giấc mộng mơ hồ, trong mơ có người ghé tai bảo: “Cố chăm nó đi, rồi nó sẽ khỏe lại đấy” để làm động lực. Giờ thì, chị chỉ mong anh khỏe, ổn định và không phải đi viện, thế là chị mừng.

Trong những ngày tâm trạng chùng xuống, nhìn thấy gia đình người khác có chồng khỏe khoắn, con cái đầy đủ, xinh xắn, chị tủi thân vô cùng. Nhưng rồi chị lại tự an ủi, cũng may là mình chưa kịp có con. Nếu chị có con, ai sẽ chăm sóc, ai sẽ bế bồng đứa bé? Làm sao chị lo được cho cả hai? Cứ nghĩ thế, chị lại thấy nhẹ lòng hơn.

Tân hôn mới 3 tháng, chồng bất ngờ bại liệt, vợ 15 năm chăm sóc: "Người ta bảo trả anh về cho gia đình, mà sao nỡ"- Ảnh 4.

Trong giông bão, người phụ nữ chỉ biết bám vào cái nghĩa, cái tình mà trụ vững

Gia đình tôi rất khó khăn, bố mẹ làm nghề tự do, hiện cũng đã già yếu. Ông bà có thương con cũng chẳng giúp được gì, gọi điện hỏi thăm con thôi. Mẹ chồng thì cũng ốm đau bệnh tật, cũng không giúp được gì nhiều.

Thỉnh thoảng bà có gọi điện hỏi thăm, gửi thêm tiền để phụ chăm sóc chồng. Hai năm nay, nghĩ bà già rồi mà mình chưa báo hiếu được nên tôi không lấy tiền của bà nữa.

Chúng tôi sống bằng tiền lương 6 triệu/tháng của tôi. Thú thực là không đủ đâu. Nhưng xung quanh tôi có nhiều người tốt, thỉnh thoảng mọi người cũng đỡ cho chút ít. Tương lai có thế nào thì cũng từ từ tính, còn sống ngày nào thì chăm cho anh ngày ấy thôi…”, chị trầm ngâm.

 Nguồn tham khảo: VTC Now

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại