Tâm thư của nhân vật thứ ba trong câu chuyện bẻ hoa anh đào

Mai Anh Đào |

Chị đổ lỗi cho người phản ứng với chị khi chứng kiến hành vi cầm cành đào đã rời khỏi cây là "kẻ xấu". Em không đồng tình với chị.

Kính thưa các anh chị!

Em tên họ đầy đủ là Mai Anh Đào, quê ở Đà Lạt. Khi đặt cho em cái tên này, cha mẹ em vừa đi du lịch ở Nhật về, họ thấy hoa anh đào lộng lẫy quá nên nảy sinh ước mơ sẽ có con gái xinh đẹp như thế.

Cha mẹ em thật là yêu con vô bờ bến. Chỉ là, người không ngờ được rằng, khi về Việt Nam cái tên Mai Anh Đào quá dễ gây hiểu nhầm. Người ta cứ nghĩ rằng cái tên ấy là một sự cho phép ngầm, ngày mai anh đào được thì hôm nay anh cũng đào được. Không đủ thời gian đào thì anh bẻ.

Qua cơn đau thương này, em hứa sẽ xin phép cha mẹ rồi đến phòng hộ tịch đổi tên. Không nay đào mai đào gì nữa, an toàn trên hết, tuyệt đối không ai được đào.

Là nạn nhân trực tiếp trong vụ này, em nghĩ mình có trách nhiệm nói rõ đôi điều.

Tâm thư của nhân vật thứ ba trong câu chuyện bẻ hoa anh đào - Ảnh 1.

Chị phó giám đốc sở Tư pháp nói hôm ấy kẻ xấu lợi dụng làm mất hình ảnh uy tín cá nhân của chị, rồi lúc ấy chị nóng quá không kịp suy nghĩ gì cả để xử lý tình huống. Em xin nhận xét rằng không phải hôm ấy mà cho đến tận bây giờ chị vẫn còn chưa kịp nguội lại để xử lý tình huống mới phát sinh này.

Chị đổ lỗi cho người phản ứng với chị khi chứng kiến hành vi cầm cành đào đã rời khỏi cây là "kẻ xấu". Em không đồng tình với chị.

Thưa chị, kẻ xấu là những người thực hiện những hành vi xấu, hoặc giả vờ thực hiện những hành vi tốt nhưng với mục đích lâu dài là sẽ gây ra những hậu quả hèn hạ xấu xa. Kẻ xấu sẽ không bao giờ làm những việc tốt lành, như bảo vệ những nhành hoa tụi em, thưa chị.

Chị lại nói: Họ cố tình gây mất uy tín hình ảnh cá nhân của chị.

Chị có hơi bị nhầm. Lúc phản đối hành vi bẻ hoa của nhóm người trong đó có chị, các anh thanh niên kia chẳng hề biết chị là ai. Trong mắt họ, đây chỉ là một nhóm du khách đang có hành vi không tốt với vườn hoa, gây hậu quả xấu và cần phải phản đối.

Cho đến khi chị đi về phía chiếc xe có mang biển số Bình Thuận và hình ảnh ấy được tung lên mạng thì cư dân mạng mới tìm ra người phụ nữ ấy chính là chị, một phó giám đốc sở tư pháp. Vì trước đó người phản đối không hề biết chị là ai cho nên việc chị quy kết họ có ý đồ bôi xấu chị là rất đổ thừa, đánh tráo, thưa chị.

Sau khi tìm ra chị, chính vị trí xã hội và chuyên môn kể trên của chị mới khiến cho dư luận ồ lên kinh ngạc, vì một phó giám đốc ngành tư pháp thì chức trách hàng ngày của chị chính là thực hiện, tuyên truyền pháp luật. Nhiệm vụ của chị chính là thượng tôn pháp luật. Và đấy chính là điều thứ ba em muốn trình bày tiếp với chị.

Ấy là việc chị bảo trong khu vực ấy không có bảng cấm nên việc bẻ hoa là không vi phạm. Dạ không chị ạ, Mục V Thông tư 20/2005/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 20/12/2005 quy định các hành vi xâm hại cây xanh đô thị sau đây sẽ bị cấm:

- Tự ý chặt hạ, đánh chuyển di dời, ngắt hoa, bẻ cành, chặt rễ, cắt ngọn, khoanh vỏ, đốt lửa đặt bếp, đổ rác, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây.

- Tự ý xây bục bệ bao quanh gốc cây, giăng dây, giăng đèn trang trí, đóng đinh, treo biển quảng cáo trái phép.

Theo quy định vừa trích dẫn ở trên, tất cả các loại cây xanh đô thị đều được xác định chủ sở hữu, do tổ chức, cá nhân quản lý hoặc được giao quản lý. Việc người dân tự ý hái quả, chặt cành, xâm hại cây xanh đô thị là hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng (khoản 1 Điều 49 Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013).

Cây xanh đô thị là những cây nào? Vẫn theo thông tư trên, chúng gồm: cây xanh sử dụng công cộng là tất cả các loại cây xanh được trồng trên đường phố và ở khu vực sở hữu công cộng (công viên, vườn thú, vườn hoa, vườn dạo, thảm cỏ tại dải phân làn, các đài tưởng niệm, quảng trường);

Do vậy, nếu anh tài xế nhiệt tình bẻ hoa cho chị chụp hình đi chăng nữa, chị cần nghiêm mặt lại, nói không, anh tài xế ạ, chúng ta là người của sở tư pháp, chúng ta hiểu rõ luật, hơn thế nữa lại phải làm gương cho nhân dân.

Chúng ta hãy chụp ảnh với hoa và ra về chỉ để lại dấu chân, tuyệt đối không bẻ hoa bẻ lá gì cả. Tôi hiểu anh muốn tỏ ra chiều lòng phụ nữ, đặc biệt khi phụ nữ đang là cấp trên, nhưng anh chỉ cần chụp cho tôi những tấm ảnh bên hoa đào thật sắc nét, rồi like, share, khen đẹp, thế là tôi ưng cái bụng lắm rồi.

Được thế thì cả ba chúng ta cùng vui chị nhỉ!

Thực ra, câu chuyện này là nhỏ. Làm người ai chẳng có lúc sai, lúc nhầm. Anh soái ca quận 1 nhỡ tay dỡ nhầm bốt gác của ngân hàng nhà nước, được báo là sai, anh ngay lập tức sửa lại khiến nhân dân rất vui lòng.

Chị là phụ nữ, quá yêu cành hoa đẹp đến không nỡ rời, cũng là một cái lỗi chẳng quá to, nhưng giả sử chị biết lỗi nhận sai ngay thì dư luận cũng sẽ công bằng với chị.

Đằng này, chị lấp liếm, quanh co, né tránh, đổ lỗi, thậm chí bằng chứng sờ sờ về cái bảng cấm hái hoa bẻ cành được trưng lên trên báo rồi mà chị vẫn bảo không hề có cái bảng ấy, thì quả là với hành vi này chị đã nêu một tấm gương xấu không chỉ cho xã hội mà còn cho lớp đàn em.

Người học luật ngay từ khi bước chân vào trường đã được dạy câu kinh thánh của nghề: "Giữ cái đầu lạnh và trái tim nóng".

Cái đầu lạnh để tỉnh táo, khách quan, công bằng với những lỗi lầm của người khác mà nghề nghiệp giao cho chúng ta việc phân xử. Trái tim nóng để thấu hiểu, cảm thông, bao dung, rộng lượng với sự thật là con người không thể nào hoàn hảo. Lạnh, còn là để tự nghiêm khắc với chính mình.

Là một lãnh đạo cao cấp trong ngành khi tuổi còn trẻ, lại được đánh giá là rất năng nổ, trách nhiệm và thẳng thắn trong công việc, mong chị sẽ bình tâm và giữ được cái đầu lạnh để lắng nghe những góp ý thẳng thắn của người khác và nhìn nhận sự việc này thật khách quan. Được thế, em tin là ngày mai hoa anh đào lại hé cười với chị.

Kính!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại