Là sinh viên năm 3 đang theo học tại học viện tài chính, tôi tham gia vào thị trường chứng khoán khi dịch covid-19 bùng phát đợt đầu tại Việt Nam. Nhờ sự chỉ dạy từ một người bạn thân, tôi đã có cơ hội tiếp xúc với một lĩnh vực mà nghe cái tên thôi ai cũng thấy hứng thú, nhưng thực sự hiểu được về nó cũng không quá nhiều.
Người ta hay gọi chứng khoán với động từ "chơi", tôi không nghĩ thế, chứng khoán là một lĩnh vực đầu tư, là một trận đấu cân não giữa người với người, và nó là cây cầu kinh tế mà Việt Nam mới bắt đầu tiếp cận khoảng hơn 20 năm.
Theo quan điểm cá nhân, bước vào trận đấu nào thì cũng cần hiểu luật của trận đấu đấy, không nắm được luật, vậy là thua ngay từ vạch xuất phát, dù cái kết có như thế nào đi chăng nữa. Chẳng tự nhiên mà trước cuộc thi maratong trọng tài hay hỏi: Are you ready?, vậy bạn đã sẵn sàng trước khi xuất phát chưa?
Thời điểm tôi bắt đầu có ý định tham gia chứng khoán vào khoảng tháng 3/2020, khi mà VN-Index chỉ còn xấp xỉ 600- 700 điểm. Khi đó, tôi có ý định "bắt đáy" nhưng đã bỏ qua và chính thức tham gia vào thời điểm tháng 5/2020, sau khi học thêm các kiến thức cơ bản về chứng khoán từ người bạn, cũng là người thầy.
Các môn học trên trường lại trùng hợp giảng dạy đúng về tài chính đầu tư, tôi tập tành phân tích một vài mã cổ phiếu, đồng thời có cái nhìn khách quan hơn về thị trường nói chung, và từng doanh nghiệp nói riêng.
Bắt đầu với số tiền khoảng 1 triệu 200 nghìn đồng, với phương châm "không để hết trứng vào cùng một giỏ", tôi chia ra mua 20 cổ phiếu VPB ở giá 20,5; 30 cổ phiếu VRE ở mức giá 24,3 và cứ giữ nó cho đến tháng 11/2020, tôi bán ra và thu về tiền lãi của mình. Dù số lãi không nhiều, nhưng đã mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm quý báu.
Sau thời gian ngắn đầu tư, tôi cảm thấy chứng khoán quả thực có sức hút khó cưỡng. Cứ thế, tôi bán chiếc máy ảnh của mình để dồn tiền mua thêm những mã cổ phiếu khác nữa.
Từ khi tham gia đầu tư, tôi được nghe thêm nhiều câu chuyện bạn bè đầu tư chứng khoán và thua lỗ, hay những người khác nói họ dồn số tiền rất lớn vào thị trường, và cho rằng chứng khoán là một trò may rủi tương tự xổ số, cứ đổ tiền vào liều thì ăn nhiều,…
Tuy nhiên, tôi cho rằng chứng khoán không đơn giản vậy. Khi đầu tư, chúng ta đừng chỉ đơn giản thấy những cái tên công ty quen thuộc, mà nghĩ rằng cứ đổ tiền vào là lãi, cũng đừng ví mình như những chứng sĩ bắt đáy, vì biết đâu lại bắt phải con dao sắc lẹm làm chảy máu cả bàn tay.
Chưa kể câu chuyện về những nhà đầu cơ chứng khoán, không hiểu về giá trị của mã cổ phiếu mình đang theo, càng không hiểu về phân tích kỹ thuật trên bảng giá,…
Họ nghĩ rằng mọi chuyện đơn giản chỉ là việc mua vào lúc rẻ, và bán ra lúc đắt, nhưng khổ thay giá biến động trên sàn đâu có dễ như vậy, lúc sẽ giảm, lúc sẽ tăng. Để rồi những nhà đầu cơ chưa có kiến thức chỉ có nhận về tay trắng, rồi than trời rằng "chứng khoán là chỉ có mất tiền". Nhưng thực tế là, tại ai đây những nhà đầu cơ ơi?
Cái gì cũng cái hai mặt của nó, chứng khoán cũng là một thị trường giao dịch, mà nói cho dễ hình dung, ấy là một cái "chợ" trao đổi, cân não và phải thật khôn ngoan. Mà để ở lâu với thị trường, bớt đi những lần mất tiền oan, hãy không ngừng học hỏi.
Với cá nhân, từ khi biết tới chứng khoán, tôi cũng trở nên đam mê hơn với ngành học và cảm thấy thực sự nghiêm túc muốn phát triển sự nghiệp theo lĩnh vực tài chính- chứng khoán- kế toán.
Cho đến thời điểm được tiếp cận với chứng khoán, tôi nhận ra từ một con người chẳng biết quá nhiều về kiến thức xã hội, chẳng bao giờ mở báo ra đọc mỗi sáng bỗng trở thành một người chăm đọc báo mỗi ngày, chăm xem tin tức thị trường, sẽ ngồi hàng giờ để nhìn vào bảng điện chứng khoán, mở báo cáo tài chính ngồi tính toán hàng giờ.
Thực tế là chứng khoán khiến tôi ngày một trưởng thành hơn, biết cách điều phối cảm xúc của mình, xác định khẩu vị rủi ro mà mình có thể chấp nhận, có thêm kỹ năng thu thập và xử lý thông tin diễn biến thị trường,…tất cả là những kỹ năng thực sự tuyệt vời và cần thiết đối với một sinh viên.
Suy cho cùng, chứng khoán là một sàn đấu lớn nơi mà có quá nhiều chứng sĩ và sẽ chẳng có sự may rủi nào ở đây cả, bước chân vào sẽ phải hiểu về nó vận hành như thế nào.
Biết người biết ta trăm trận trăm thắng, nhưng hơn thế, muốn giành thắng lợi ở mảnh đất nào cũng phải hiểu cho rõ mảnh đất đó, nếu không thì dù có vũ khí tối tân, hay lực lượng lớn mạnh, cũng không tránh khỏi việc bại trận thê thảm.
Khi đầu tư chứng khoán, nhiều nhà đầu tư, đặc biệt các bạn sinh viên thoạt đầu nghĩ sẽ kiếm lời dễ, nhưng hãy thận trọng trên từng bước đường.
Chúng ta còn trẻ và tất nhiên chúng ta non nớt, vẫn còn phải học hỏi nhiều, nhưng hãy hiểu rằng mỗi một trải nghiệm sẽ mang lại cho ta nhiều bài học, và hãy cố gắng nhận lấy những bài học mà ít phải trả phí tổn thất nhất có thể. Đừng biến chứng khoán thành thứ sẽ lấy mất đi nhiều điều, mà hãy để nó làm đúng nhiệm vụ của nó, dạy chúng ta những kỹ năng đáng giá.
Cuối cùng, đầu tư chứng khoán, chứ đừng đầu cơ!