Ngay khi được đặt hàng một bài viết về công việc stylist, tôi có chút băn khoăn. Trong đầu tôi chỉ bật ra ba câu hỏi:
Liệu tôi có bị quy kết là “vạch áo cho người xem lưng”?
Tâm tư của tôi có đủ khách quan để không bị đánh giá là sử dụng bài viết như một phương thức nhằm quảng bá cá nhân là chính?
Bài viết này có đủ sức nặng để truyền cảm hứng tới các bạn trẻ đang mang trong mình khát khao về một cái nghề?
Sau khi đã làm phép thắng lợi tinh thần, tôi đồng ý khai sinh nên những tâm tư này, cố gắng không tô vẽ mà cũng chẳng bôi bẩn một công việc mà vốn từ nghề tay trái – nay lại trở thành cần câu cơm chủ lực trong thu nhập suốt 3 năm ròng vừa qua. Thú thật trong suốt thời ểnh ương tuổi trẻ, chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ có ngày quần quật với áo váy phấn sáp.
Suy cho cùng đó là một cái duyên.
Mô tả về nghề này khá thừa, vì dù mới mẻ tinh tươm đến đâu thì tôi đoán rằng chỉ cần Google đôi phút là chúng ta đã có thông tin khá đầy đủ kèm những góc nhìn đa dạng xung quanh công việc stylist.
Điều thú vị nhất ở đây là cái duyên dẫn dắt mỗi cá thể đến với nghề stylist, tuyệt nhiên không ai giống ai, mỗi người một kiểu cách.
Dù đã bùng nổ hơn một thập kỷ qua tại thị trường Việt Nam, stylist chưa phải một nghề nghiệp được cấp chứng chỉ đàng hoàng và càng không tồn tại mấy trường lớp để truyền dạy, trao đổi kiến thức về nghề này. Phần lớn các stylist trong phạm vi mối quan hệ cá nhân của tôi đều tiếp cận nghề stylist thông qua các đường ngách, lối nhỏ, chẳng mấy ai vỗ ngực tự tin rằng xuất phát điểm của bản thân đến từ đại lộ thênh thang rực rỡ.
Ở Việt Nam, nghề stylist không có trường lớp để truyền dạy, cũng không phải một nghề nghiệp được cấp chứng chỉ đàng hoàng. Phần lớn các stylist đều tiếp cận nghề thông qua các đường ngách, lối nhỏ.
Chẳng hạn như Hoàng Ku – người anh “lão làng” trong lĩnh vực này vốn quen chuyện áo váy gấm vóc từ việc tạo dựng vài cửa hàng nho nhỏ kinh doanh thời trang nhập từ Quảng Châu. Trong khi đó Mạch Huy – stylist của vài Hoa hậu nhẵn mặt lại làm quen với công việc stylist từ vị trí một chuyên viên thiết kế đồ họa với vài năm kinh nghiệm tại một tạp chí danh tiếng.
Còn có nhiều khởi điểm hết sức đa dạng như người mẫu, hot boy/hot girl, sinh viên khoa thiết kế thời trang hay thậm chí cả đại lý… kem trộn. Riêng tôi thì vốn theo đuổi chuyên ngành Ngôn ngữ học, có kinh nghiệm trên 5 năm với vai trò Biên tập viên thời trang trước khi chuyển mình sang nghề mới.
Đọc đến đây thì ai nấy đều tự hỏi: chúng tôi, những con người rải rác khắp mọi mảng miếng xa xôi đều tụ hội tại một cái nghề như thế nào?
Yếu tố tiên quyết của nghề stylist là hiểu rõ thị hiếu công chúng cũng như sở hữu gu thẩm mỹ chinh phục được giới trẻ. Để chứng tỏ được điều này, mỗi người trong chúng tôi thường tự biến các trang mạng xã hội như Facebook và Instagram trở thành bộ Portfolio (hồ sơ năng lực) với các bộ hình tự lên ý tưởng, phong cách thời trang hàng ngày được chăm chút tỉ mỉ cùng khả năng cập nhật các tin tức/xu hướng đang “trending” trên thế giới.
Luật bất thành văn trong nghề này là stylist không tự lọ mọ “bắt khách” – thay vào đó, các khách hàng thường chủ động tìm đến stylist để trao đổi và làm việc. Bởi vậy nên các trang cá nhân của giới stylist thường phải hết sức thời thượng và tích cực. Đó là cách đầu tiên để mỗi người tự tạo cơ hội cho mình.
Yếu tố thiết yếu thứ hai để tạo dựng danh tiếng trong nghề stylist chính là kỹ năng mềm, bao gồm: kết nối mạng lưới thời trang, thuyết phục/chăm sóc khách hàng, đồng thời cũng là nhân tố xử lý hầu hết các phát sinh trong ekip. Cũng như bao ngành nghề khác, sự khéo léo lắm khi có sức nặng còn hơn cả khả năng chuyên môn. Bởi vậy khá nhiều stylist chọn phát triển con đường sự nghiệp theo tôn chỉ “mồm miệng đỡ tay chân” thay vì bồi đắp tri thức bản thân.
Điều cuối cùng để nhào nặn ra một stylist đích thực chính là “vibe” tồn tại trong mỗi cá thể. Có thể hiểu “vibe” ở đây chính là nguồn năng lượng nội tại chi phối cảm xúc, sức sáng tạo và cả mắt thẩm mỹ của một chuyên gia tạo dựng phong cách. Chung quy là cái “chất” riêng mỗi người.
Mỗi stylist sở hữu một “vibe” khác nhau, kiến tạo nên những tác phẩm hình ảnh khác nhau mang đậm dấu ấn cá nhân không-thể-lẫn-lộn. 100% stylist có thể sở hữu thẩm mỹ thời trang nhưng chỉ khoảng 50% trong đó có “vibe” của riêng mình. Chính vì thế nên dễ thường xảy ra thực trạng học lỏm, thậm chí mỹ miều hơn là “cover” thành phẩm của nhau không chút ngại ngùng dưới cái mác “lấy cảm hứng”.
Hầu hết các stylist vỗ ngực bản thân đang ăn cơm từ Tổ nghề sân khấu chỉ đáp ứng tàm tạm từ một đến hai yếu tố như trên.
Bởi thế nên mới xảy ra tình cảnh số lượng stylist hiện tại đang đông như lợn con, mỗi người tự khai phá một mũi nhọn cho bản thân: Có người chuyên về phong cách cá nhân, có người nhanh nhạy trong khoản nắm bắt các hợp đồng quảng cáo, và cũng có người đơn thuần phục vụ những sân khấu nghệ thuật lớn nhỏ trên khắp Việt Nam.
Có người khẳng định rằng stylist là một công việc kham khổ, phải đối mặt với nhiều áp lực chứ không “nằm duỗi mà ăn” như công chúng thường nghĩ.
Cũng có người hoa mỹ vẽ vời stylist là cái nghề của đam mê, của thức thời, của những niềm hứng khởi vô tận mỗi ngày mới.
Tôi thì đơn giản: đây đơn thuần là một nghề dịch vụ, các vị stylist có uy danh đến đâu cũng vẫn phải vật lộn với tiêu chí “khách hàng là thượng đế”. Và cũng bởi là một nghề dịch vụ nên không phải lúc nào nó cũng cần thiết. Chắc chắn không ít đồng nghiệp tôi sẽ lên tiếng phản bác quan điểm này.
“Không cần thiết”. Vì sao?
Chẳng hạn trong mùa dịch covid-19 vừa qua, các khách hàng quen thân – tức giới nghệ sĩ tại Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung – đều không tránh khỏi tình trạng “bế quan tỏa cảng”. Cố nhiên nhiên tình trạng đó ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của họ và những động thái cắt giảm chi tiêu là thiết yếu. Stylist là nhân tố đầu bảng trong danh sách cắt giảm này. Các nghệ sĩ tự liên hệ với nhà thiết kế để chọn lựa trang phục, tự mặc đồ theo ý muốn bản thân mà không chút nghi ngại. Cơ bản khi đó quỹ thời gian của họ xông xênh hơn hẳn.
Stylist được sinh ra nhằm giảm giúp hình ảnh của khách hàng chỉn chu hơn. Dù vậy với đặc trưng của nghề dịch vụ, nghề stylist phục vụ vào sự quyết định có cần hay không cần cũng như sự thay đổi trong sở thích của khách hàng.
Stylist là thế. Công việc của chúng tôi vốn được khai sinh nhằm giảm bớt áp lực về mặt hình ảnh của các quý khách hàng. Và không thể phủ nhận rằng nếu có bàn tay của stylist thì định hướng phong cách của giới nghệ sĩ sẽ chuẩn chỉnh hơn. Nhưng cũng có nhiều nghệ sĩ hiểu rõ bản thân muốn gì và cũng chẳng thiếu kết nối với các “tay to mặt lớn”.
Có thể nhắc ngay đến một vài cái tên như Hồ Ngọc Hà, Thanh Hằng, Châu Bùi, Khánh Linh The Face, Quỳnh Anh Shyn… đây đều là những nhân vật hoàn toàn có khả năng chủ động về mặt thời trang. Cái họ thiếu thốn là thời gian và stylist sẽ là người san sẻ cùng họ trách nhiệm về hình ảnh trong khi họ đang bù đầu bù cổ với một lịch làm việc chẳng chừa chỗ để thở.
Thế công việc này có đòi hỏi đam mê? Tôi sẽ nói rất tròn vành rõ chữ: TẤT NHIÊN.
Không riêng stylist, việc gì muốn làm cho tới cũng đòi hỏi đam mê. Có điều cái đam mê ở đây là gì?
Theo kinh nghiệm cá nhân với “thành tích” thay 8 trợ lý 1 năm, tôi thường hờ hững với lời ứng tuyển mở đầu đại loại như “đam mê thời trang”. Nghe hết sức văn mẫu. Cái tôi mày mò ở một trợ lý thực ra giản đơn hơn nhiều: niềm đam mê được làm việc và dám sống dám chết với công việc.
Nếu bạn yêu thời trang đơn thuần thì chỉ cần nằm nhà lướt Instagram và Pinterest, lần giở các trang Vogue hay W, xem vài series như Pose hay Next In Fashion trên Netflix, ngày ngày cập nhật #ootd là đủ. Còn nếu bạn yêu công việc, chúng ta sẽ chẳng ngán lọ mọ từ 5 giờ sáng (đôi khi còn sớm hơn) để “on set”, chầu chực khách hàng đến tận 12 giờ đêm để “fitting” cho sự kiện gấp gáp vào ngày mai, lặn lội ngang dọc từ Nhà Bè đến Thủ Đức để tìm cho ra một vài item cần thiết mà thương hiệu yêu cầu đặc biệt. Thực tế thì nghề stylist không bị giới hạn bởi thời gian hay địa điểm.
Chừng nào còn có khả năng, chừng đó chúng tôi còn nỗ lực hết sức. Đó là mấu chốt của mọi ngành dịch vụ.
Một tuyên bố “chí mạng”!
Tuyên bố này đi ngược với khá nhiều lời khuyên hướng nghiệp – “hãy coi khách hàng là bạn”. Dù rằng điều này theo tôi không đúng cũng chẳng sai nhưng cần tư duy rõ “Bạn” trong trường hợp này là “Bạn” thế nào: bạn chí cốt, bạn tâm giao, bạn xã giao hay một người bạn kiêm thần tượng?
Từ kinh nghiệm xương máu của bản thân và các đồng nghiệp thì tính liên kết giữa stylist và khách hàng trong ít nhất một đến hai năm đầu chỉ nên dừng ở mức xã giao. Điều này giúp đặt tính minh bạch trong công việc lên trên hết.
Thứ nhất, 90% các dự án kết hợp giữa stylist và các khách hàng cá nhân (đặc biệt là giới nghệ sĩ) đều là “hợp đồng niềm tin” – tức thỏa thuận được trao đổi qua miệng hay tin nhắn, kể cả tiền thù lao cũng như thời hạn thanh toán. Sở dĩ có cái luật bất thành văn này là bởi lịch làm việc đôi bên có tính dao động cao, chưa kể bản chất công việc cũng bị định kiến là nặng về cảm tính.
Bên cạnh đó, phần lớn stylist hiện này đang xoay sở dưới tư cách “freelancer” thay vì có công ty đỡ đầu để hợp thức hóa các khoản giấy tờ, thuế má… Dẫn đến một số trường hợp liên quan đến pháp lý sẽ rất khó khăn để phân xử. Không riêng stylist, thực trạng này còn bao trùm lên một số ngành nghề liên quan như nhiếp ảnh gia hay chuyên viên trang điểm, làm tóc…
Đôi bên qua lại bằng niềm tin và cũng xa nhau bởi niềm tin. Một ngày đẹp trời nọ, khách hàng và stylist đôi co theo kiểu “Tưởng là…”, “Hóa ra là…”, “Sao không nói trước…”. Chẳng may đôi bên lỡ coi nhau thân thiết, cuộc vui nào của nhau cũng có mặt, bỗng dưng nảy sinh bất đồng to nhỏ chưa rõ ra sao nhưng lại dễ dẫn đến tự ái đôi bên. Bùm. Thế là đi tong mối quan hệ. Block nhau. Bóc phốt nhau. Những sự vụ thế này vô biên bể sở.
90% các dự án kết hợp giữa stylist và các khách hàng cá nhân đều là “hợp đồng niềm tin”. Thế nên giới stylist cũng cần chuẩn bị tinh thần cho những thay đổi bất ngờ một cách bình tĩnh và khéo léo nhất.
Thế nên tôi ngẫm, quý nhau đến đâu thì khách hàng vẫn là khách hàng, mình trân quý họ nhưng vẫn phải đóng khung một chữ “nể” trong tâm thức đôi bên. Cái chữ “nể” này cũng chính là đường thoát thân phòng trường hợp tệ hại nhất.
Thứ hai, phải nhấn mạnh lại là dẫu sao stylist một nghề DỊCH VỤ.
Và cũng vì tính dịch vụ nên khách hàng luôn muốn họ được rộng mở trong các lựa chọn. Chuyện ăn mặc với người thường hay nghệ sĩ cũng tựa như đi ăn buffet. Nay hứng chí order món này, mai lại nghiền món khác. Nay thì mê phong cách cô này, mai lại có hứng làm việc với cậu kia.
Và cũng rất dễ hiểu khi các khách hàng muốn tìm đường thuận lợi cho mình. Ví dụ như khi họ còn chân ướt chân ráo thì nhờ mình kết nối với nhà thiết kế này, thương hiệu nọ để chuẩn bị trang phục. Sau này quen mặt nhau hết thì tự họ liên hệ thẳng với các bên để đặt đồ hay mượn đồ, cánh stylist bị gạt phăng một bên không thương tiếc.
Cái cảm giác mình đã từng liền kề nhưng đột ngột bị “ra rìa” không còn được khách hàng lựa chọn cũng khá tương đồng với cảm giác bị… phản bội. Tệ hơn nữa là khi khách hàng thân quen chẳng thèm nói một lời, cứ lờ lớ lơ cho xong. Và những người tập tễnh vào nghề stylist ắt sẽ sốc đôi chút.
Vấn đề mang nặng cảm xúc này thường được các stylist dày dạn kinh nghiệm xử lý khéo léo hơn: Hiểu rõ rằng mình được trả công để làm thuê cho dù công việc ngắn dài ra sao, và khách hàng luôn phải chủ động với những gì họ nhận định là tốt nhất với bản thân họ, sự nghiệp của họ.
“No hard feeling” (Tạm dịch: “Đừng buồn nhé”). Chúng tôi thường tự nhủ bản thân như thế. Thuận mua vừa bán.
Nói đi cũng phải nói lại, trong showbiz Việt không hiếm mối quan hệ vững bền giữa stylist và khách hàng. Tôi dám cam đoan rằng những mối này kiên định vì đôi bên có bét nhất hai năm dành niềm tin cho nhau, thậm chí có đôi còn dai dẳng cả thập kỷ có lẻ.
Chẳng hạn như cuối năm ngoái, tôi từng thấy Hoàng Ku đăng lời cảm ơn chân thành nhất đến những khách hàng đã luôn đồng hành bên anh cho dù vật đổi sao rời, thế thời ra sao. Những vị khách hàng như thế như lá mùa thu, ít ỏi, nhưng cũng là cái duyên để đời đối với người stylist.
Cạnh tranh là lẽ đương nhiên; thường xoay quanh chi phí, chất lượng công việc cũng như danh tiếng của stylist.
Chi phí luôn là vấn đề khởi điểm. Càng rẻ càng tốt, ai chả muốn thế? Đến bà hàng xóm ra chợ mua rau cũng muốn lựa bó nào vừa tươi ngon lại vừa mặc cả được vài đồng chứ? Thành ra có chuyện phá giá.
Mức giá giữa các stylist có sự chênh lệch lớn. Non tay mới vào nghề thì khoảng vài trăm ngàn một lần "lên đồ". Đã dày dặn kinh nghiệm thì mức giá có thể phát triển lên gấp đôi hay thậm chí gấp… 5, 6 lần một bộ tùy theo thâm niên và năng lực. Với số lượng đông đảo cùng quá trình trẻ hóa ngành nghề, mức giá chung của dịch vụ này đang có chiều hướng đi xuống. Điều này hoàn toàn bình thường.
Bất bình thường ở đây là cách các stylist định giá cho bản thân nhằm đối chọi với tính đa dạng trong nghề. Một số chấp nhận thù lao rẻ như cho, thậm chí “free” hoàn toàn nhằm tô điểm portfolio đẹp hơn, oách hơn, hòng lấy số lượng bù chất lượng. Số khác thì hay dò hỏi bên này bên kia xem báo giá ra sao, nhỡ có đối tác hỏi đến thì tiện tay tung combo phá giá + “giật job” luôn một thể.
Tôi từng rơi vào trường hợp khi báo giá cho một bên thì được hồi âm như sau: “Em có thể giảm không vì bên B báo cho chị chỉ tầm xxx (x tiểu học) thôi”. Đây chắc chắn là một trong những câu hỏi oái oăm bậc nhất mà không chỉ riêng stylist mà bất kỳ ngành nghề nào cũng khó xử khi gặp phải. Đối đáp sao cho vừa?
Thôi thì đành biện chứng rằng tuổi đời của tôi đã sang hàng băm, tuổi nghề cũng được gần 5 năm nên khó có thể ưu đãi mức giá ngang ngửa các cô cậu trẻ hơn cả tuổi nghề lẫn tuổi đời được. Như thế chẳng hóa tôi phá giá, không tôn trọng bản thân lẫn cái nghề của mình. Tôi cũng định bụng thà mất khách chứ đừng nên mất niềm kiêu hãnh với một cái nghề.
Một số ngón đòn khác đòi hỏi tâm cơ cao hơn, chẳng hạn vẽ vời bản thân một lịch làm việc “ảo” – liên tay liên mồm khẳng định rằng rất bận rộn, kín lịch nhưng kỳ thực có khách hàng còn ngã ngửa không biết mình “book” anh/cô này trong cơn mộng du nào. Dân tình đang rôm rả ngón này là “chốt đơn”.
Nghe tôi kể lể, chớ vội nghĩ rằng stylist là một nghề chộp giật hay bạc bẽo. Trăm thứ nghề vạn thứ việc đều là thế, giỏi giang khéo léo thì bám trụ lâu dài mà lười biếng đểnh đoảng thì bị đào thải mấy hồi.
Nhưng nếu bạn muốn theo đuổi một công việc mà mỗi ngày mở mắt thức dậy lại được vò đầu bứt tai với cả tá thử thách mới, không ngày nào giống ngày nào, thì stylist là một nghề như thế.
Chẳng đơn thuần bó buộc với váy áo hay phòng thay đồ, một stylist giỏi còn là người chịu khó cập nhật và tìm hiểu về văn hóa đại chúng (pop culture) hay thậm chí văn học, hội họa, kiến trúc… Mỗi mảng miếng đều có thể mang lại nguồn cảm hứng mới mẻ. Bởi chỉ khi tri thức song hành cùng bản năng, stylist mới có thể kiến tạo nên những dấu ấn thời trang bất biến với thời gian.
Và cuối cùng, để có thể quăng mình vào guồng quay tít mù của ngành thời trang không chút nghĩ ngợi thì bạn nên nằm lòng lời nhiếc móc của nhân vật Nigel dành cho Andy trong “The Devil Wears Prada”: “Because this place, where so many people would die to work, you only deign to work” (Tạm dịch: Trong khi hàng triệu người ngoài kia đang ao ước được làm việc tại nơi đây, cô lại là người hạ cố đến làm). Sau câu mắng này, Andy Sachs đã thay đổi hoàn toàn thái độ với công việc tại tòa soạn Runway.
Hình ảnh là thành quả tối ưu nhất. Công chúng không cần biết quá trình cực nhọc ra sao, họ chỉ công nhận khả năng của bạn khi sửng sốt trước tính thẩm mỹ của thành phẩm. Vì thế nên đã làm gì xin hãy làm đến cùng, thành công chỉ đơn giản có thế.