Cuộc điện thoại cuối cùng từ con trai
Từ sáng sớm 24/10, rất đông người dân ở xã Nghĩa Yên (Nghĩa Đàn, Nghệ An) đã đến gia đình ông Phan Xuân Linh (71 tuổi) để chia sẻ niềm vui khi biết tin cậu con trai Phan Xuân Phương (27 tuổi) bị cướp biển Somalia bắt cóc 4 năm trước đã được thả, chuẩn bị về nhà.
Trong căn nhà nhỏ vốn lặng lẽ chìm vào nỗi buồn suốt 4 năm qua, gia đình ông Linh giờ rộn rã tiếng cười. Có lẽ chưa bao giờ ông Linh lại vui sướng đến như vậy. Giây phút nghe tin con được giải thoát, ông Linh ngỡ mình như được sống lại lần 2.
Hợp đồng lao động của anh Phương.
Ông Linh kể, Phương là con thứ 3 trong 4 người con của vợ chồng ông. Cuộc sống gia đình khó khăn nên 2 anh chị đầu của Phương sau khi lập gia đình đã đi xuất khẩu lao động ở Malaysia để mong thoát nghèo.
Đầu năm 2011, Phương xin bố mẹ được đi xuất khẩu lao động để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Sau khi vay ngân hàng được 25 triệu đồng, gia đình ông Phương đến đóng cho Trung tâm xuất khẩu lao động Vinamotor (thuộc Tổng công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam, Hà Nội).
Sau khi làm các thủ tục, Phương được đi sang Đài Loan làm thuyền viên trên tàu câu cá ngừ với mức lương khởi điểm 300 USD/tháng.
Vì suốt ngày lênh đênh trên biển nên từ khi đi làm, anh Phương chỉ gọi được về nhà vẻn vẹn đúng 2 cuộc điện thoại hỏi thăm bố mẹ.
Tháng 5/2012, khi đang đi câu cá trên biển, tàu của anh Phương bị nhóm hải tặc Somalia bắt cóc, thuyền trưởng tàu bị bắn chết.
Suốt 4 năm qua, vợ chồng ông Linh nhiều lần đi cầu cứu các cơ quan chức năng để mong giải thoát được cho con trai mình khỏi tay cướp biển.
Anh Phương và 25 thuyền viên khác bị bắt trói trên tàu để chờ gia đình nộp tiền chuộc thân.
"Tôi không quên được cái đêm đó. Lúc đó là khoảng nửa đêm, đang ngủ thì thấy thằng Phương gọi. Vừa nhấc máy nghe thì thằng Phương đã kêu cứu. Nó nói nó và 25 người khác bị bắt, muốn chuộc thì phải đưa cho chúng 60.000 USD, nếu không sẽ bị giết.
Chưa kịp nói gì với nó thì điện thoại đã tắt. Cả đêm đó và những đêm tiếp theo, tôi không tài nào ngủ được. Thương con lắm!", ông Linh nhớ như in cuộc gọi cầu cứu với giọng yếu ớt của con trai mình khi bị bắt.
Sau cuộc gọi đó, đến tháng 8 và tháng 12/2012, ông Linh tiếp tục nhận được thêm 2 cuộc điện thoại của con trai cũng với nội dung tương tự.
Nghe giọng con qua những cuộc điện thoại cầu cứu, ông Linh cũng hiểu được phần nào nỗi đau đớn, khổ nhục con trai mình phải chịu trong những ngày bị bắt cóc.
Còn bà Lê Thị Hòa (59 tuổi, mẹ anh Phương) từ ngày nghe tin con bị cướp biển bắt đã ngã qụy rồi đổ bệnh. Lo lắng vì nhà nghèo không có tiền chuộc con, bà Hoà lại bị tai biến nằm liệt giường hơn 2 năm qua.
"4 năm qua, bà nhà tôi nằm trên giường chứ không đi đâu được. Thương con mà đổ bệnh thế đó. Hôm trước nghe tin con còn sống được trả về, bà nó nằm khóc cả đêm. Giờ chỉ mong ngày con về thôi là sướng lắm rồi các chú ạ", ông Linh tâm sự.
Ông Linh tâm sự với PV.
Ngóng chồng, cha trở về sau 1500 ngày bị bắt làm nô lệ
Ngoài anh Phương bị cướp biển bắt, trên con tàu ngày đó còn 2 người khác quê ở Hà Tĩnh là anh Nguyễn Văn Hạ (35 tuổi, trú xã Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và anh Nguyễn Văn Xuân (35 tuổi, trú phường Kỳ Trinh, TX. Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
4 năm trôi qua, gia đình anh Xuân và anh Hạ cũng mòn mỏi ngóng trông từng ngày. Giờ đây nghe tin 2 anh được trở về, ai cũng vui mừng khôn xiết.
Ôm 3 đứa con thơ vào lòng, chị Nguyễn Thị Quỳnh (33 tuổi, vợ anh Xuân) nhớ lại: "Ngày đó, 2 vợ chồng cưới nhau khổ lắm. Bố mẹ chia cho sào ruộng làm nhưng khổ quá nên phải đi phụ hồ.
Các con thì lớn cần tiền để học nhưng gia đình khó khăn quá nên anh Xuân liều mình đi vay tiền rồi nạp để đi xuất khẩu sang Đài Loan mong cuộc sống khá giả hơn. Nào ngờ anh ấy đi lại bị cướp bắt cóc".
Chị Quỳnh ôm con voà lòng tâm sự những ngày tháng mòn mỏi chờ chồng trở về. (Ảnh: V. Tình).
Nghe tin báo chồng bị cướp biển bắt cóc, đòi 60 nghìn USD tiền chuộc, nhiều lần chị Quỳnh khăn gói bắt xe ra Hà Nội để làm đơn cầu cứu chồng nhưng rồi cũng chỉ biết chờ đợi trong vô vọng.
Hơn 4 năm mòn mỏi chờ đợi, có lúc chị Quỳnh đã nghĩ sẽ chẳng bao giờ được gặp lại chồng nữa. Phần vì không thể liên lạc, phần vì nhà nghèo chẳng có điều kiện để cứu chồng, chị lại tuyệt vọng.
Nào ngờ 3 hôm trước, chị Quỳnh vui sướng khi nhận được tin chồng còn sống và được cướp biển trả về.
"Vui sướng quá anh ơi. Vậy là chồng tôi cũng được trở về rồi. 4 năm rồi không biết giờ sức khoẻ anh ra sao. Mẹ con tôi mong ngóng anh về nhà lắm", chị Quỳnh chia sẻ.
Ảnh chụp các thuyển viên trên tàu HANAM#3 bị cướp biển Somalia bắt cóc. Trong đó số 1 là anh Nguyễn Xuân Hạ. Số 2 là anh Phan Xuân Phương và số 6 là anh Nguyễn Văn Xuân.
Trong căn nhà nhỏ ở cuối xóm, bà Nguyễn Thị Thủy (60 tuổi) mẹ của thuyền viên Nguyễn Văn Hạ cũng đang nóng lòng chờ giây phút con trai được trở về nhà an toàn.
Bà Thuỷ cho hay, dù ngóng tin con nhưng vì già cả nên bà cũng không theo dõi được tin tức của con trai mình.
Tối 21/10 vừa qua, bà Thuỷ nhận được điện thoại của con dâu báo anh Hạ đã được cướp biển thả ra. Chỉ nghe đến đó thôi, mắt bà Thuỷ đã nhoè đi vì thương con.