Tấm HCĐ "có phép màu” giúp hơn 1 tỷ người vỡ òa

Lê Sơn |

Tấm HCĐ này vừa là một “phép màu” nhưng cũng là điều trớ trêu đối với nền thể thao Ấn Độ.

Ngày 18/8 (giờ Rio), nữ đô vật Sakshi Malik của Ấn Độ đã đánh bại đối thủ Aisuluu Tynybekova người Kyrgyzstan, đem về tấm HCĐ hạng 58kg. Lập tức, một tờ báo tại thủ đô New Delhi đã gọi đó là "tấm huy chương quý giá giúp hơn 1 tỷ người mỉm cười".

Khi Sakshi Malik giật được danh hiệu, người ta mới bàng hoàng nhận ra rằng, đây mới chỉ là tấm huy chương đầu tiên mà đất nước hơn 1 tỷ dân giành được khi Olympic Rio đã sắp hạ màn.

Thì ra, một đất nước vốn rất giàu về tiềm lực, đặc biệt là nguồn nhân lực lại chỉ xếp ngoài top… 70 tại Rio với số lượng huy chương cực kỳ... hẻo.

Trước tấm huy chương này, cả đất nước Ấn Độ đều chờ đợi những "con cưng" của mình được nở nụ cười tại Rio, một sự chờ đợi trong u ám, tuyệt vọng.

Tấm HCĐ có phép màu” giúp hơn 1 tỷ người vỡ òa - Ảnh 1.

Tấm HCĐ của đô vật Sakshi Malik mới chỉ là huy chương đầu tiên mà đoàn Ấn Độ giành được tại Olympic Rio 2016.

Sau gần 2 tuần kể từ khi ngày hội Olympic khởi tranh, các VĐV Ấn Độ dường như chỉ đến Rio để "làm nền" cho những đối thủ ở các quốc gia khác tỏa sáng. Cũng vì thế, hơn 1 tỷ người dân nước này có lý để vui sướng khi Sakshi Malik "phá dớp" và tự định đoạt số phận của mình.

Sau khi giật được tấm HCĐ, bản thân Sakshi Malik cũng xúc động đến nghèo ngào với những phát biểu: "Tôi nghĩ cuộc đời tôi sẽ thay đổi sẽ tấm huy chương này. Tôi muốn giành tấm huy chương này cho tất cả những người dân ở đất nước tôi. Tôi thực sự hạnh phúc khi có thể đem món quà này dành tặng tất cả mọi người".

Bà Sudesh – mẹ của Sakshi thì nói rằng: "Có nhiều người từng nói với vợ chồng tôi rằng, Sakshi là con gái và chúng tôi không nên để cho con bé theo đuổi trở thành một đô vật. Nhưng tôi đã ủng hộ con bé và giờ đây, giấc mơ và sự quyết tâm của con gái tôi cũng đã được đền đáp".

Trước đó, vợ chồng bà Sudesh đã cho Sakshi gắn bó với niềm đam mê của mình kể từ năm 12 tuổi, bất chấp những định kiến vẫn còn rất nặng nề ở ngôi làng nghèo Mokhra gần huyện Rohtak (bang Haryana).

Cũng sau chiến tích giành HCĐ của Sakshi, một "đàn chị" từng là VĐV môn cricket - Virender Sehwag đã ca ngợi rằng:

"Tấm huy chương của Sakshi Malik là một lời nhắc nhở cho chúng ta trước việc cản trở các bạn gái theo đuổi niềm đam mê của mình. Hôm nay, Sakshi Malik đã trở thành niềm tự hào của tất cả người dân trên đất nước Ấn Độ này".

Tấm HCĐ có phép màu” giúp hơn 1 tỷ người vỡ òa - Ảnh 2.

Phải chăng, Thể thao Ấn Độ đang ngày càng tụt hậu so với thế giới?

Hạnh phúc là thế, tự hào là thế, nhưng tấm huy chương "mở màn" của Sakshi ở ngày hội Olympic lại chính là minh chứng phơi bày sự nghèo nàn và tụt hậu của nền thể thao Ấn Độ.

Theo thống kê, dân số Ấn Độ hiện đang ở mức 1,2 tỷ người. Đây cũng là một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, năm 2015, nền kinh tế nước này có GDP đạt 2.182 tỷ đô la Mỹ, với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình đạt 5,8% mỗi năm trong hai thập niên qua.

Ấn Độ có lực lượng lao động vào loại hùng hậu hàng đầu thế giới với 486,6 triệu người theo số liệu năm 2011…

Bất chấp những chỉ số "hào nhoáng" đó, ở ngày hội Olympic Rio, họ mới chỉ giành vẻn vẹn đúng 1 tấm HCĐ, một sự thật quá đỗi phũ phàng!

Tại Olympic London 2012, Ấn Độ xếp hạng 55 chung cuộc trên bảng tổng sắp với chỉ 2 tấm HCB và 4 HCĐ.

Trước đó 4 năm, đoàn Ấn Độ kết thúc Olympic Bắc Kinh 2008 với thành tích khá hơn với 1 HCV, 2 HCĐ, xếp hạng 50.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại