Trả lời VTC News sáng 23/12, ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho biết, UBND TP Hà Nội ngừng việc hạ giải, phá bỏ căn biệt thự số 128C Đại La – trạm phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập ngày 7/9/1945.
UBND TP Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam và một số bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan sẽ tổ chức một hoặc một số cuộc làm việc để bàn và tìm phương án tốt nhất, hợp lý nhất cho ngôi nhà.
“Đài Tiếng nói Việt Nam xin cảm ơn các cơ quan, đơn vị, các nhà văn hoá, khoa học, các cơ quan báo chí và dư luận xã hội rất có trách nhiệm với một di sản văn hoá, lịch sử đặt biệt của đất nước”, ông Nguyễn Thế Kỷ nói.
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết thêm, tin vui trên có được sau cuộc điện đàm của ông với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vào sáng qua (22/12). Sau cuộc điện đàm, hai bên thống nhất những nội dung nêu trên.
Ngày 18/12, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ ký công văn gửi UBND TP Hà Nội kiến nghị TP xem xét bảo tồn ngôi biệt thự số 128C Đại La sau khi một số cơ quan báo chí phản ánh việc căn biệt thự này sẽ bị tháo dỡ để thực hiện dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở.
Công văn này cũng được gửi tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để báo cáo.
Phòng khách của gia đinh người dân sống trong căn biệt thự 128C Đại La.
Biệt thự số 128C Đại La (Hà Nội) từng là Sở Vô tuyến điện của chính quyền thực dân Pháp, thực chất là trạm phát sóng vô tuyến điện được xây dựng vào tháng 10/1912. Đây là nơi phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập lần đầu tiên ra cả nước và thế giới vào trưa 7/9/1945, sau khi kế hoạch phát sóng ngày 2/9/1945 không thành công.
Trạm vô tuyên điện báo này chính là biểu tượng tiếp cận văn minh sớm nhất ở vùng châu Á bằng hệ thống vô tuyến điện không dây, nơi tiếp cận với kỹ thuật truyền tin hiện đại ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20.
Không chỉ ghi dấu văn minh của Việt Nam đầu thế kỷ 20, trạm vô tuyến điện báo này còn gắn với những dấu mốc lịch sử đặc biệt của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thời kỳ non trẻ.