Anh Lương Văn Thức - người dân thôn Dạ 2, xã Cam Đường, thành phố Lào Cai
Nếu như trước mùa mưa lũ, tấm biển chữ đỏ gây chú ý ấy ít nhiều cũng khiến người xem phải cẩn trọng khi đi qua dù nội dung khó hiểu. Nhưng điều đáng nói, chúng chỉ mới được dựng lên sau khi liên tiếp xảy ra 2 trường hợp qua ngầm bị nước cuốn tử vong cách đây vài ngày.
Những người dân và công nhân sinh sống, làm việc tại khu vực này cho hay, sau khi có 2 người thiệt mạng, hệ thống chiếu sáng tại 2 đầu ngầm tràn cũng mới được bổ sung. Như trước kia, đêm khuya đi qua ngầm rất khó quan sát, 2 bên không có lan can đã nguy hiểm, gặp hôm lũ dâng còn nguy hiểm hơn, phương tiện nào di chuyển nhanh hậu quả khó lường.
Tấm biển đặt ở đầu ngầm tràn 1
Theo anh Lương Văn Thức, người dân thôn Dạ 2, trục đường này kết nối giữa các khu mỏ và dân cư ngoại thành với trung tâm nên nhu cầu đi lại khá đông. Từ trước đến nay phải có 7 – 8 người mất mạng ở nơi ngầm tràn này và đều là những người từ nơi khác nên không ý thức được nguy hiểm; việc kiến nghị xây cầu cũng nhiều lần đưa ra, nhưng sau bao năm vẫn chưa được giải quyết.
Tấm biển đặt ở đầu ngầm tràn 2
Con suối này khi có lũ đã lấy đi 2 mạng người vào ngày 11 và 12/8 vừa qua
Trao đổi với ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng tỉnh Lào Cai, do đặc thù địa hình vùng cao và điều kiện kinh tế - ngân sách nên hệ thống ngầm tràn qua suối ở Lào Cai khá dày đặc.
Thời gian qua một số ngầm tràn lớn, thường xuyên ngập sâu vào mùa mưa đã được đầu tư xây cầu bảo đảm an toàn như Piềng Láo (Bát Xát), Xuân Giao (Bảo Thắng), Võ Lao (Văn Bàn)… Tuy nhiên, chính những ngầm tràn bình thường, khi có lũ chỉ ngập vài chục cm lại thành ra nguy hiểm vì người dân dễ chủ quan. Do đó vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng.
"Vai trò của chính quyền địa phương đầu tiên là phải duy tu, bảo dưỡng, khơi thông để làm sao nước thoát chảy nhanh nhất bên dưới lòng ngầm. Trừ phi mưa lũ xuất hiện mới tràn qua. Đồng thời, phải có cọc tiêu báo hiệu mực nước dâng, trường hợp nước lớn phải có người cảnh giới không cho người, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn" - ông Huy nói.
Quy định là thế, nhưng việc để “mất bò mới lo làm chuồng”, rồi làm cho xong, cho có rõ ràng phản ánh tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống thiên tai ở thành phố Lào Cai trong sự việc này./.