Talleyrand - nhà ngoại giao định hình châu Âu

PGS Lê Thanh Bình |

Có một quý ông nổi danh người Pháp từng nhận xét rất hình ảnh về cà phê như sau: “Đen như quỷ sứ thoa bồ hóng, nóng như lửa nung địa ngục; thục hiền, tinh khiết như thiên thần, ân cần ngọt ngào như tình yêu”.

Nhà ngoại giao Pháp Charles-Maurice, Prince de Talleyrand.

Nhà ngoại giao Pháp Charles-Maurice, Prince de Talleyrand.

Bạn bè trong nghề ngoại giao thường nhắc đến ông như một nhà đàm phán khó tính, khôn khéo và khi đồng hành cùng ông, hiếm ai có thể không mỉm cười.

Từ linh mục đến nhà ngoại giao tầm cỡ

Talleyrand-Périgord - được tấn phong công tước xứ Bénévent năm 1806. Ông sinh trưởng trong một gia đình quý tộc và buổi đầu định theo sự nghiệp linh mục trong nhà thờ, nơi tạo bệ phóng thành công cho ông sau này.

Năm 1775, ông trở thành tu viện trưởng của Saint-Denis, tại thành phố Reims - nơi chú của ông là tổng giám mục. Từ bước đệm này, ông tiến tới một vị trí có ảnh hưởng và đại diện cho giới tăng lữ người Pháp trong chính phủ, nhờ đó có được kinh nghiệm làm chính trị. Ít lâu sau, ông được bổ nhiệm làm giám mục của thành phố Autun.

Khi những ý tưởng cách mạng bắt đầu lan truyền, phá vỡ cấu trúc xã hội thịnh hành ở Pháp, Talleyrand đã khéo léo chuyển từ lập trường ủng hộ nhà thờ sang lập cách mạng hơn khi thay mặt các giáo sĩ tại cuộc họp quốc hội năm 1789 của các giới quý tộc, giáo sĩ và phần công chúng còn lại.

Các đề xuất cấp tiến của Talleyrand cuối cùng dẫn đến việc Giáo hoàng ra lệnh rút phép thông công trừng phạt ông.

Vốn không mấy thích thú và tin tưởng vào sứ mệnh giáo sĩ, ông rời khỏi chức vụ giám mục và được đảm nhận nhiều cương vị ngoại giao khác nhau cho nước Pháp, nhưng khi cuộc cách mạng nóng lên, ông quyết định rời Pháp đến Mỹ vào năm 1794.

Tại Mỹ, ông đã gặt hái sự nghiệp tài chính thành công trong hai năm tiếp theo. Khi tình hình chính trị ở Pháp ổn định, Talleyrand trở lại các chức vụ cao cấp khác nhau, mà đỉnh cao là chức Bộ trưởng Ngoại giao của Napoléon. Trong thời gian này, ông trở nên vô cùng giàu có nhờ nhận hối lộ, tham nhũng bất chính.

Là một người đàn ông hào hoa, ông qua lại với nhiều phụ nữ và bị nhiều đàm tiếu. Để giữ thể diện cho triều đình, đích thân Napoleon đã yêu cầu Talleyrand kết hôn với người bạn gái chung sống lâu năm của mình - Catherine Grand vào năm 1801.

Đúng lúc sự thù địch giữa Pháp và Anh lại tiếp tục tiếp diễn vào năm 1803, Talleyrand tỏ rõ năng lực tài giỏi trong việc bám sát sự xoay chuyển liên tục của các liên minh ở châu Âu đang chuyển dịch chống lại Pháp.

Khi Napoléon từ bỏ lý tưởng cách mạng của mình và tự xưng là hoàng đế vào năm 1804, Talleyrand trở thành Grand Chamberlain (Đại Thị thần) của Napoleon, một vị trí mang lại nhiều cơ hội làm giàu.

Tuy nhiên, do mất kiên nhẫn với các chính sách bành trướng của Napoléon mà ông cho rằng đã đi quá xa, năm 1807 Talleyrand từ chức. Sau đó, ông vẫn được tham dự cuộc đàm phán của Hoàng đế tại Erfurt, Phổ (Đức), vào năm 1808, một sự kiện nổi tiếng với Nữ hoàng yêu nước Louise của Phổ cầu xin cho quốc gia bại trận của bà. Tại cuộc gặp này, Talleyrand đã làm quen với Sa hoàng Alexander I, người mà ông đã từng phối hợp âm mưu chống lại Napoléon.

Năm 1813, Napoleon phải triệt thoái và rút lui ô nhục khỏi Nga và sau đó hoàng đế bị mất quyền lực, trong khi Alexander I đàm phán riêng với Talleyrnd ở Paris và ông đã thuyết phục được Sa hoàng về sự cần thiết khôi phục quyền lực của hoàng gia Bourbon của Louis XVIII. Để tưởng thưởng, Talleyrand một lần nữa được bổ nhiệm làm ngoại trưởng - lần này là bởi vua Louis XVIII.

Talleyrand là một nhà thương thuyết trò chuyện thông minh, hóm hỉnh, sắc sảo. Bề ngoài ông toát lên vẻ quý tộc lâu đời, đôi mắt xanh ánh lên vẻ giễu cợt lẫn với mơn trớn người khác nhưng ít khi nhìn thẳng; cặp lông mày dài mượt mách bảo rằng ông là người tài hoa.

Cằm ông tròn trịa chắc chắc, miệng rộng sang trọng... Tuy nhiên, những người có trải nghiệm cuộc sống có thể cảm nhận về ông như một người có nhiều tham vọng, xu thời, xảo trá, sẵn sàng rời bỏ lý tưởng vì lợi ích riêng.

Ông đã cố gắng tồn tại và gây ảnh hưởng đáng kể đến các xu hướng trái ngược nhau trong Cách mạng Pháp (1789 - 99), thời đại Napoléon (1799 - 1815), cũng như các triều đại kế tiếp của các thành viên Bourbon (1815 - 1830) và Orléans (1830 - 48) - các chi nhánh của hoàng gia Pháp.

Ông là Talleyrand với tên đầy đủ là Charles-Maurice de Talleyrand-Périgord (sinh 2/2/1754 tại Paris, Pháp - mất 17/5/1838), chính trị gia và nhà ngoại giao huyền thoại của Pháp - một nhân vật gây nhiều tranh cãi ở cả trong và ngoài nước.

Góp phần vẽ lại bản đồ châu Âu

Talleyrand được biết đến nhiều nhất có lẽ khi điều hành các hoạt động ngoại giao của Pháp tại Đại hội Vienna (1814 - 1815), nơi bản đồ chính trị của châu Âu được vẽ lại một cách đáng kể sau sự sụp đổ của Hoàng đế Pháp Napoléon.

Ngay cả thời hiện đại, các sử gia vẫn không thể thống nhất ý kiến về việc liệu Talleyrand là một kẻ cơ hội xảo quyệt, một người bảo vệ lợi ích thực sự của Pháp hay một người theo chủ nghĩa quốc tế của châu Âu, muốn duy trì hòa bình trên lục địa già.

Thư viện Quốc hội lưu giữ các tác phẩm của Talleyrand như hồi ký và thư từ của ông, hoặc nhiều cuốn sách của các tác giả uy tín về lịch sử châu Âu thế kỷ XVIII-XIX đều là những tư liệu minh chứng rằng ông là một nhân vật quan trọng.

Ngay cả Bộ sưu tập tranh in hoạt hình nước Anh, lưu giữ nhiều phim hoạt hình chống Pháp, bao gồm những phim mô tả Napoléon và cộng sự thân cận Talleyran với tên thân mật "Talley".

Xin nhắc lại rằng, Talleyrand là một trong những nhà đàm phán chính tại hội nghị ngoại giao cấp cao của Đại hội Vienna (1814 - 1815), nơi đưa ra một kế hoạch hòa bình lâu dài, hậu Napoléon cho châu Âu.

Không chỉ có mặt những người tham gia ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử châu Âu, mà Đại hội còn được biết đến với những âm mưu chính trị và ngoại giao tình ái hấp dẫn đã diễn ra. Thật vậy, Talleyrand đã thỏa thuận với vợ của cháu trai mình, Dorothée, Nữ bá tước Edmond de Périgord, Nữ công tước de Dino hỗ trợ cho kế hoạch của ông ta.

Nhờ quan hệ, em gái của Nữ công tước de Dino – vốn là bạn tốt của Hoàng tử Klemens von Metternich (1773 - 1859) đã cung cấp một đường dẫn không chính thức giữa các nhà đàm phán Talleyrand và Metternich (một nhà ngoại giao người Áo, một đại biểu xảo quyệt khác quan tâm đến việc duy trì sự cân bằng quyền lực ở châu Âu). Đó cũng là thời điểm Talleyrand cuối cùng phải ly thân với vợ của mình.

Sau Đại hội, Talleyrand không còn được ưu ái, ông sống lặng lẽ trong nhiều năm, ngồi viết hồi ký. Dù sao, khi cơ hội đến, Talleyrand, khi đó ở tuổi 70, đã giúp phế truất nhà Bourbons để ủng hộ ứng cử viên dòng họ Orléanist là quận công Louis-Philippe, người lên ngôi vua vào năm 1830.

Talleyrand, được bổ nhiệm làm đại sứ Pháp tại Vương quốc Anh, rồi nghỉ hưu năm 1834. Talleyrand qua đời năm 1838, Giáo hoàng cho phép ông được hòa giải với nhà thờ mà ông đã rời bỏ nhiều thập kỷ trước. Ông được linh mục rửa tội và làm tang lễ ở nhà thờ tại Paris.

Nổi tiếng và bị chửi rủa vì các kỹ năng, chiến thuật sinh tồn chính trị thiếu tính chính đáng, Talleyrand vẫn phục vụ ở cấp cao nhất của Chính phủ Pháp trong gần nửa thế kỷ dưới thời vua Louis XVI, Cách mạng Pháp, Napoleon Bonaparte, và triều đại của vua Louis XVIII, và vua Louis-Philippe.

Được nhiều người ngưỡng mộ và không ít kẻ thiếu tin tưởng, phê phán ông kịch liệt, Talleyrand đã gây khó khăn cho các nhà sử học khi đánh giá về cuộc đời ông.

Trong khi một số người coi ông là một trong những nhà ngoại giao tài giỏi và chuyên nghiệp nhất trong lịch sử Pháp, thì những người khác lại coi ông là kẻ phản bội, tư lợi, người đã phản bội lý tưởng của Napoleon và Cách mạng Pháp với tinh thần tự do, bình đẳng và bác ái. Ngày nay, thuật ngữ liên quan đến Talleyrand được dùng để chỉ việc thực hành ngoại giao một cách khéo léo.

Ông rất coi trọng vai trò quyết định của người lãnh đạo. Ông từng nói: Tôi sợ một đội quân gồm một trăm con cừu được dẫn dắt bởi một con sư tử hơn là một đội quân của một trăm con sư tử được dẫn dắt bởi một con cừu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại