Chiến binh Taliban trên một xe quân sự đỗ gần sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul. Ảnh: Getty.
Bất chấp cam đoan của Taliban rằng sẽ không có đòn trả thù nào nhằm vào các đối thủ của họ, hàng nghìn người vẫn tiếp tục tập trung ở sân bay ở thủ đô Kabul với hy vọng có thể rời khỏi đất nước. Ở lối vào sân bay, các tay súng Taliban tập trung đứng gác và va chạm với người dân muốn chạy khỏi đất nước đã nổ ra. Hỗn loạn thậm chí còn khiến Taliban phải bắn chỉ thiên để vãn hồi trật tự. Một quan chức NATO có mặt tại hiện trường cho biết, đã có ít nhất 17 người bị thương.
Các chiến binh Taliban cũng đã phải dùng đến súng đạn để giải tán các cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ Afghanistan ở khu vực Đông Bắc thành phố Jalalabad và Đông Nam thành phố Khost. Các nguồn tin địa phương cho biết, 2 hoặc 3 người đã thiệt mạng ở Jalalabad. Ở những thành phố khác, sự tĩnh lặng trong căng thẳng vẫn đang chiếm ưu thế.
Cựu Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani – người chạy khỏi đất nước hôm Chủ Nhật (15/8) đã xuất hiện tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và đưa ra tuyên bố công khai đầu tiên cho rằng, nếu ông ở lại Kabul, “người dân Afghanistan sẽ chứng kiến tổng thống bị treo cổ".
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định cam kết đưa mọi công dân Mỹ rời khỏi Afghanistan, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc quân đội phải ở lại quá thời hạn rút quân ngày 31/8 mà ông đã đặt ra. "Nếu còn công dân Mỹ, chúng tôi sẽ ở lại để giải quyết tất cả", ông Biden nói với ABC News.
Mặc dù Taliban giành được quyền kiểm soát gần như toàn bộ đất nước, một số nhân vật nổi tiếng ở Afghanistan cùng đội quân trung thành của họ vẫn tiếp tục kháng cự, kiên quyết không công nhận Taliban là lực lượng cai trị hợp pháp. Một trong số họ, ông Amrullah Saleh, phó tổng thống trong chính phủ bị lật đổ đã tuyên bố rằng, với việc Tổng thống Ghani chạy khỏi đất nước, ông đã trở thành quyền tổng thống.
Ông Saleh hiện đang có mặt tại thung lũng Panjshir ở Đông Bắc Afghanistan, một thành trì kháng chiến chống Liên Xô trong những năm 1980 và chống Taliban một thập kỷ sau đó. Saleh liên minh với một thủ lĩnh khu vực, ông Ahmad Massoud, người có cha là ông Ahmad Shah Massoud - một chỉ huy hàng đầu chống Taliban thời kỳ trước. Ông Ahmad Shah Massoud bị ám sát hai ngày trước vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.
“Các bạn có thể thấy tôi đang ở Panjshir với những người bạn của chúng tôi. Đấng tối cao muốn, tôi sẽ ở lại đây với những người dân của chúng tôi”, ông Massoud nói trong một video đăng lên Facebook hôm 18/8.
Còn đó những nghi ngại
Taliban đang cố gắng gửi đi thông điệp tới người dân Afghanistan và thế giới rằng việc họ trở lại nắm quyền lần này sẽ không phải là sự phục hồi của chế độ tàn bạo giai đoạn 1996-2001. Mặc dù vậy, một tài liệu mật lưu hành nội bộ trong các quan chức Liên Hợp Quốc mà New York Times nắm bắt được cho thấy, Taliban dường như đang đẩy mạnh việc bắt bớ những người từng làm việc trong chính quyền cũ, đặc biệt là những nhân viên an ninh và những người ủng hộ họ.
Taliban cũng đề nghị các cơ quan viện trợ của Liên Hợp Quốc và các nhóm nhân đạo khác ở lại Afghanistan, và phần lớn trong số đó cho biết họ có ý định ở lại. Hàng triệu người Afghanistan phải dựa vào viện trợ nước ngoài để có lương thực.
Các nhà lãnh đạo Taliban cũng hứa hẹn bảo vệ tự do báo chí và quyền của phụ nữ, nhưng ở mức độ nào thì họ vẫn chưa làm rõ.
Bà Caroline Van Buren, đại diện Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) tại Afghanistan nhận định, rất khó để có thể có được một bức tranh rõ ràng về cách Taliban đối xử với phụ nữ trên khắp đất nước. Ở một số nơi, Taliban ngăn cản phụ nữ đi làm hoặc rời khỏi nhà mà không có đàn ông đi kèm, nhưng ở những nơi khác, không có ghi nhận về những hạn chế kiểu như vậy.
Shabnam Dawran, một nữ MC của kênh truyền hình RTA thuộc sở hữu nhà nước hôm 18/8 cho biết, cô đã bị các chiến binh Taliban không cho vào cơ quan sau khi lực lượng này giành quyền kiểm soát thủ đô.
“Tôi không được phép vào cơ quan dù có thẻ căn cước hợp lệ. Hầu hết các đồng nghiệp nam của tôi có thể dùng thẻ căn cước để ra vào nhưng họ [Taliban-ND] cảnh báo tôi không thể vào trong và không được phép làm việc vì chế độ đã thay đổi. Đây là thách thức lớn trước mắt chúng tôi. Nếu cộng đồng quốc tế đang lắng nghe tiếng nói của tôi, họ nên giúp đỡ chúng tôi bởi vì cuộc sống của chúng tôi đang bị đe dọa nghiêm trọng”, Dawran nói.
Hôm qua, các đại diện cấp cao của Taliban và chính phủ cũ do Mỹ hậu thuẫn đã gặp nhau để thảo luận về các thỏa thuận, nhưng những dự đoán rằng họ sẽ công bố một chính quyền lâm thời dường như là quá sớm.
Lầu Năm Góc cho biết, sự hiện diện của quân đội Mỹ đã tăng lên gần 5.000 người tại sân bay ở Kabul vào cuối ngày 18/8, nhằm đảm bảo an ninh và điều phối việc sơ tán người Mỹ cũng như những người Afghanistan từng làm việc cho lực lượng do Mỹ dẫn đầu.
“Chúng tôi dự định sơ tán những người đã ủng hộ chúng tôi trong nhiều năm và chúng tôi sẽ không bỏ lại họ”, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ nói. Tuy vậy, cả ông Milley và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đều không dám đảm bảo việc đi lại an toàn trên đường để đến sân bay, ngay cả đối với người Mỹ, nói rằng tất cả quân đội Mỹ ở Afghanistan chỉ bảo vệ sân bay.
Toàn bộ những diễn biến trong vài ngày qua đã và đang tạo nên một kết thúc hỗn loạn cho nỗ lực suốt 20 năm qua của Mỹ và đồng minh nhằm đánh bại Taliban và biến Afghanistan thành một quốc gia dân chủ, ổn định.
Mặc dù chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt vì không lường trước được sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ Afghanistan để di tản sớm hơn, nhưng ông Biden vẫn bảo vệ quan điểm của mình trong cuộc trả lời phỏng vấn ABC. Theo ông Biden, ý nghĩ cho rằng bằng một cách nào đó có thể rút đi mà không xảy ra bất kỳ hỗn loạn nào là không thể thực hiện được./.