Taliban thắng như chẻ tre và cơn ác mộng của phụ nữ Afghanistan

Bình Giang |

Một buổi sáng sớm, khi Zahra đang cùng mẹ và 3 anh em trên đường đến nhà người chị gái để ăn tối thì thấy nhiều người bỏ chạy và tiếng súng nổ trên phố.

Zahra đau khổ khi nghĩ về việc sẽ phải sống dưới quyền quản lý của Taliban. (Ảnh: AP)

Zahra đau khổ khi nghĩ về việc sẽ phải sống dưới quyền quản lý của Taliban. (Ảnh: AP)

Taliban đến đây rồi!” mọi người hô lên.

Chỉ vài phút sau, mọi thứ đều thay đổi đối với cô gái 26 tuổi ở Herat, thành phố lớn thứ ba của Afghanistan.

Zahra lớn lên ở khu vực gần như không có hiện diện của Taliban, nơi phụ nữ có quyền mơ ước kiếm được việc làm và các bé gái được đến trường. Trong 5 năm qua, Zahra làm việc cho các tổ chức phi chính phủ địa phương để nâng cao nhận thức của phụ nữ và thúc đẩy quyền bình đẳng giới.

Những ước mơ của cô tan vỡ từ hôm 12/8, khi Taliban tràn vào thành phố này, cắm cờ trắng in khẩu hiệu Hồi giáo của họ trên quảng trường trung tâm, trong khi người dân vội lên xe máy và ô-tô chạy về nhà.

Giống như những người dân khác, Zahra cùng bố mẹ và các chị em giờ chỉ trốn ở nhà, sợ không dám ra ngoài và lo lắng về tương lai.

“Tôi rất sốc. Làm sao để tôi và những phụ nữ đã học tập và cố gắng không ngừng trong sự nghiệp giờ cứ phải trốn trong nhà?” Zahra nói với AP.

“Sau chiến dịch tấn công chớp nhoáng trong mấy ngày qua, Taliban giờ đã kiểm soát hơn 2/3 đất nước, khi chỉ còn 2 tuần nữa là đến thời điểm Mỹ rút hết quân lính. Lực lượng này giờ đã áp sát thủ đô Kabul.

 Taliban thắng như chẻ tre và cơn ác mộng của phụ nữ Afghanistan  - Ảnh 2.

Một gia đình bỏ nhà đến ở tạm trong công viên ở Kabul. (Ảnh:AP)

Lực lượng này đã điều hành Afghanistan trong 5 năm cho đến cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu vào năm 2001. Trong 5 năm đó, các bé gái bị cấm đi học và phụ nữ bị cấm làm việc, thậm chí không được ra khỏi nhà nếu không có người thân là nam giới đi cùng. Taliban cũng tiến hành những vụ hành quyết công khai, chặt tay người ăn trộm và ném đá phụ nữ bị buộc tội ngoại tình.Cơ quan tị nạn của Liên Hợp quốc cho biết gần 250.000 người Afghanistan đã bỏ nhà đi kể từ tháng 5, vì sợ Taliban sẽ thực hiện những quy định khắt khe và diễn giải Hồi giáo một cách tàn nhẫn, rồi mọi quyền của phụ nữ sẽ bị xoá sổ. 80% trong số những người chạy trốn là phụ nữ và trẻ em.

Chưa có những báo cáo về việc thực hiện các biện pháp cực đoan đó ở những khu vực bị Taliban tái chiếm gần đây. Nhưng các tay súng của lực lượng này được nói là đã chiếm một số ngôi nhà và đốt ít nhất 1 trường học.

Một công viên ở Kabul đã biến thành nơi ở tạm của những gia đình bỏ nhà chạy trốn. Những người ở đây kể rằng nhiều cô gái ở tỉnh Takhar khi đi xe kéo đã bị người của Taliban chặn lại để hỏi vì sao họ “đi dép hở hang”.

Một giáo viên ở tỉnh này kể rằng không ai được phép ra chợ nếu không có đàn ông trong nhà đi cùng. Khoảng 3.000 gia đình từ các tỉnh phía bắc bị Taliban chiếm giờ chạy đến ở tạm trong công viên, thậm chí vỉa hè ở Kabul.

Zahra thôi đến văn phòng cách đây 1 tháng để làm ở nhà, khi Taliban tiến về Herat. Nhưng từ hôm 12/8, Taliban đã ngắt hết các đường dây điện thoại và internet của thành phố, khiến cô không thể làm việc được nữa.

Mắt cô ngấn nước khi nói về nguy cơ cô sẽ không thể quay lại làm việc nữa, em gái 12 tuổi của cô không còn cơ hội đến trường, anh trai cô không thể chơi đá bóng, và cô cũng không được tự do đánh guitar.

Zahra nêu ra một số thành tựu mà phụ nữ Afghanistan có được trong 20 năm qua, sau khi Taliban bị lật đổ. Đó là việc các bé gái được đi học, phụ nữ được vào quốc hội, chính phủ và doanh nghiệp.

Marianne O’Grady, giám đốc tổ chức CARE International chi nhánh ở Kabul, cho biết phụ nữ Afghanistan đạt được những bước tiến rất đáng kể trong 2 thập kỷ qua, nhất là ở các vùng thành thị. Bà cho rằng mọi thứ sẽ khó quay lại như cũ, ngay cả khi Taliban lên nắm quyền.

“Bạn không thể để hàng triệu người thất học. Nếu phụ nữ phải quay về sau bức tường và không thể ra ngoài, ít nhất họ có thể khuyến khích anh em, hàng xóm và con cái của họ theo cách không thể xảy ra cách đây 25 năm”, bà O’Grady nói.

Dẫu vậy, cảm giác sợ hãi giờ đang bao trùm khắp nơi, nhất là với phụ nữ, khi Taliban chiếm thêm địa bàn mỗi ngày.

“Tôi cảm thấy chúng tôi như những con chim đã dành hết thời gian của mình để làm tổ, nhưng rồi đột nhiên phải chứng kiến những người khác phá tổ của mình mà không làm gì được”, Zarmina Kakar, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ ở Kabul, nói với AP.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại