Taliban đòi lại những gì đã mất từ Mỹ và đồng minh?

Huệ Bình |

Taliban được 10 cường quốc trong khu vực ủng hộ về lời kêu gọi Liên Hiệp Quốc tổ chức hội nghị các nhà tài trợ để giúp Afghanistan tránh sụp đổ kinh tế và thảm hoạ nhân đạo.

Đại diện Taliban Abdul Salam Hanafi tại hội nghị quốc tế về Afghanistan do Nga tổ chức tại Moscow ngày 20-10. Ảnh: AP

Đại diện Taliban Abdul Salam Hanafi tại hội nghị quốc tế về Afghanistan do Nga tổ chức tại Moscow ngày 20-10. Ảnh: AP

Trong các cuộc thảo luận ở Moscow hôm 20-10, Nga, Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ, Iran và 5 nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ cùng với Taliban kêu gọi Liên Hiệp Quốc triệu tập hội nghị nêu trên càng sớm càng tốt đế giúp tái thiết Afghanistan.

Các nước này nói hội nghị nên được tổ chức và "gánh nặng chính phải đặt lên vai các nước từng đưa quân sang Afghanistan trong 20 năm qua".

Việc này ám chỉ Mỹ và các đồng minh trong cuộc chiếm đóng Afghanistan sau vụ tấn công khủng bố tại Mỹ ngày 11-9-2001 và việc rút quân nhanh chóng của họ mở đường cho lực lượng Hồi giáo Taliban trở lại nắm quyền kiểm soát Afghanistan hồi tháng 8.

Taliban đòi lại những gì đã mất từ Mỹ và đồng minh? - Ảnh 1.

Các thành viên của phong trào Taliban Afghanistan tham dự các cuộc họp tại Nga hôm 20-10. Ảnh: AP

Reuters đưa tin Washington không tham dự hội các cuộc thảo luận ở Moscow hôm 20-10 với lý do kỹ thuật. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ cho biết sẽ tham dự những vòng đàm phán tương lai.

Nga dẫn đầu các lời kêu gọi viện trợ quốc tế cho Afghanistan, cho rằng bất cứ sự lan rộng nào của cuộc xung đột từ Afghanistan đều đe dọa ổn định khu vực.

Trong hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cảnh báo Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và những tổ chức khủng bố khác đang cố lợi dụng tình hình ở Afghanistan để trỗi dậy.

Quyền Ngoại trưởng Afghanistan Amir Khan Muttaqi tuyên bố: "Afghanistan sẽ không bao giờ cho phép lãnh thổ của mình bị dùng làm căn cứ cho bất cứ ai để đe dọa an ninh của nước khác".

Trong khi nhiều chính phủ trên thế giới, bao gồm cả Nga, từ chối công nhận chính thức chính quyền Taliban thì tuyên bố này nêu lên "thực tế mới" về việc họ lên nắm quyền.

Sáng kiến của Nga tổ chức hội nghị nằm trong khuôn khổ nỗ lực gia tăng ảnh hưởng của Moscow trong khu vực sau khi Mỹ rút đi. Lo ngại chính của Nga là nguy cơ mất ổn định tại Trung Á và khả năng phát sinh làn sóng di dân cùng các hoạt động của các phần tử chủ chiến Hồi giáo từ Afghanistan.

Mối lo ngại gia tăng sau một loạt vụ tấn công của ISIS-K, hay còn gọi là Nhà nước Hồi giáo Khorasan hoặc IS-K, là một nhánh của tổ chức IS ở Afghanistan, nhắm vào các đền thờ Hồi giáo và các mục tiêu khác khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Ngoài việc tuyên bố sẽ không có nhóm chiến binh nào có thể hoạt động từ Afghanistan, Taliban cũng cho biết họ sẽ bảo vệ quyền của phụ nữ và người thiểu số. Thế nhưng, nhiều phụ nữ và trẻ em gái bị cấm đi làm hoặc đi học, nội các lâm thời của Afghanistan chỉ bao gồm nam giới.

Sự trỗi dậy của Taliban khiếm quốc tế lo ngại về việc nước này quay trở lại hình thức cai trị theo chủ nghĩa Hồi giáo cứng rắn của Taliban những năm 1990.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại