Taliban công bố chính phủ mới, dàn xếp xong quyền lực

Huệ Bình |

Taliban vừa công bố chính phủ mà theo họ sẽ điều hành ở Afghanistan, trong đó có một số nhân vật đang bị Mỹ truy nã với các khoản treo thưởng lên tới 5 triệu USD.

Người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid tại cuộc họp báo ở Kabul. Ảnh: Reuters

Người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid tại cuộc họp báo ở Kabul. Ảnh: Reuters

Đại diện Taliban ngày 7-9 thông báo Mullah Mohammad Hasan Akhund sẽ là người đứng đầu chính phủ mới với tư cách quyền thủ tướng Afghanistan. Theo trang Bloomberg, ông Akhund là người đứng đầu ít được biết đến trong Hội đồng lãnh đạo của Taliban.

Trong cuộc họp báo, người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid cho biết người đồng sáng lập Taliban là Abdul Ghani Baradar sẽ đảm nhiệm vị trí quyền lực thứ 2 trong chính phủ. Như vậy, ông Baradar sẽ là phó thủ tướng.

Taliban công bố chính phủ mới, dàn xếp xong quyền lực - Ảnh 1.

Ông Abdul Ghani Baradar sẽ là phó thủ tướng. Ảnh: Reuters

Sirajuddin Haqqani, thủ lĩnh mạng lưới Haqqani và cũng là phó thủ lĩnh Taliban, giữ vị trí Bộ trưởng Nội vụ. Sirajuddin Haqqani bị Mỹ coi là kẻ khủng bố quốc tế và Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) treo thưởng lên tới 5 triệu USD cho bất kỳ ai cung cấp thông tin giúp bắt giữ nhân vật này.

Haqqani bị truy nã liên quan đến vụ tấn công một khách sạn ở Kabul năm 2008 khiến 6 người thiệt mạng, trong đó có một công dân Mỹ.

Mỹ cũng chỉ định mạng lưới Haqqani là một tổ chức khủng bố.

Do đó, việc bổ nhiệm Sirajuddin Haqqani có thể cản trở khả năng Mỹ hợp tác với Taliban. Đặc biệt là giữa tình thế Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc giục Taliban cắt đứt mọi quan hệ với các nhóm khủng bố.

Trong khi đó, Amir Khan Muttaqi, đại diện Taliban đàm phán với Mỹ ở Doha - Qatar, và là thành viên nội các của chế độ Taliban trong lần nắm quyền đầu tiên hơn 20 năm trước, được bổ nhiệm làm bộ trưởng ngoại giao.

Mullah Yaqoob, con trai của Mullah Mohammed Omar - thủ lĩnh thành chiến và người sáng lập Taliban - được bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng Quốc phòng.

Mỹ và các đồng minh đang theo dõi xem liệu Taliban có thành lập một chính phủ toàn diện để có thể ổn định đất nước và ngăn chặn một cuộc nội chiến hay không.

Thêm vào đó, những vấn đề đang được lưu tâm bao gồm quyền tự do đi lại cho những người muốn rời khỏi Afghanistan và quyền cho phụ nữ, những người đã phải đối mặt với sự đàn áp cực độ khi Taliban nắm quyền lần trước (1995-2001).

Đối với chính phủ Taliban mới, có rất nhiều thứ đang bị đe dọa. Chẳng hạn như có các dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng kinh tế, giá các mặt hàng thiết yếu tăng nhiều ở Kabul trong khi các ngân hàng thiếu tiền mặt.

Mỹ đã đóng băng khoảng 9 tỉ USD tài sản thuộc về Ngân hàng Trung ương Afghanistan (DAB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế không cho DAB sử dụng tài sản dự trữ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại