Taliban chuẩn bị công bố thành phần chính phủ, quốc tế nêu điều kiện công nhận

Vũ Anh Tuấn |

Sớm nhất trong hôm nay (4/9), Taliban sẽ công bố thành phần chính phủ lâm thời tại Afghanistan. Trước sự kiện này, cộng đồng quốc tế dành sự quan tâm tới việc lực lượng này sẽ thực hiện ra sao những cam kết về cơ chế lãnh đạo mới "bao dung hơn", đặc biệt là các quyền đối với phụ nữ.

Theo các nguồn tin, đứng đầu chính phủ mới của Afghanistan sẽ là lãnh đạo Mullah Abdul Ghani Baradar của lực lượng Taliban. Ảnh: Reuters

Theo các nguồn tin, đứng đầu chính phủ mới của Afghanistan sẽ là lãnh đạo Mullah Abdul Ghani Baradar của lực lượng Taliban. Ảnh: Reuters

Trong tuyên bố của mình, Liên minh châu Âu (EU) cho biết, sẵn sàng làm việc với chính phủ mới tại Kabul, nhưng mức độ hợp tác sẽ phụ thuộc vào "thiện chí của Taliban trong việc đáp ứng một số điều kiện".

Phát biểu tại cuộc họp báo, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell cho biết: “Chúng tôi sẽ đánh giá hành vi và sẽ can dự dựa theo cam kết của chính phủ Afghanistan đối với việc chính phủ mới tại nước này không để khủng bố sử dụng địa bàn để tấn công các nước khác. Thứ hai là chính phủ mới tại Afghanistan phải tôn trọng nhân quyền, đặc biệt là quyền của phụ nữ, nhà nước pháp quyền và quyền tự do truyền thông. Và cuối cùng là việc Taliban cần thực hiện cam kết đối với việc để công dân nước ngoài và người Afghanistan có nguy cơ rời khỏi nước này, phù hợp với nghị quyết của Liên Hợp Quốc".

Sau Liên minh châu Âu, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đặt điều kiện cho mối quan hệ với Taliban khi tuyên bố lực lượng cầm quyền mới tại Afghanistan phải cho thấy sự xứng đáng được nhận viện trợ và sự công nhận. Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Taliban không nên trông đợi vào sự công nhận nhanh chóng và cộng đồng quốc tế sẽ đánh giá họ bằng hành động chứ không phải lời nói.

Người đứng đầu NATO cũng một lần nữa nhận mạnh, bất kỳ sự công nhận ngoại giao nào cũng đều phải được thảo luận giữa các đồng minh và với cộng đồng quốc tế nhằm đảm bảo một tương lai tốt nhất cho người dân và đất nước Afghanistan.

“Còn quá sớm để đánh giá chính phủ mới tại Afghanistan. Tuy nhiên, NATO sẽ buộc Taliban phải chịu trách nhiệm vì những gì họ đã hứa nhằm đảm bảo Afghanistan không trở thành nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ khủng bố, cũng như đảm bảo các quyền của con người được tôn trọng, đặc biệt là quyền của phụ nữ và quyền tự do đi lại. Chúng tôi sẽ sử dụng đòn bẩy, đòn bẩy chính trị, ngoại giao và tài chính của mình đối với các nhà cầm quyền mới ở Afghanistan”, ông Jens Stoltenberg cho hay.

Về phần mình, các nước phương Tây đều tỏ ra không vội vàng trong việc công nhận chính phủ mới do Taliban đứng đầu tại Afghanistan. Ngoại trưởng các nước Anh, Pháp, Đức và Italy đã phát đi các tín hiệu hỗ trợ nếu Taliban đáp ứng được một số yêu cầu nhân quyền, chẳng hạn đảm bảo an toàn cho những người muốn rời khỏi Afghanistan sau ngày 31/8.

Phát biểu tại cuộc họp những người đồng cấp EU ở Slovenia để thảo luận vấn đề Afghanistan, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói: "Chúng tôi muốn thấy một chính phủ toàn diện ở Kabul, tôn trọng các quyền cơ bản của con người và phụ nữ, cũng như Afghanistan không được trở thành nơi sản sinh của chủ nghĩa khủng bố quốc tế”.

Những tuyên bố này được đưa ra khi cùng ngày, lực lượng Taliban cho biết sẽ công bố chính quyền mới, sớm nhất là trong ngày 4/9. Một số nhân vật được cho là sẽ giữ vai trò chủ chốt trong chính quyền mới của Afghanistan đã tới Kabul. Theo các nguồn tin, đứng đầu chính phủ mới sẽ là lãnh đạo Mullah Abdul Ghani Baradar của lực lượng Taliban. Dự kiến, chính phủ sẽ bao gồm 25 bộ và một hội đồng tham vấn gồm 12 học giả Hồi giáo. Các nguồn tin cho biết, ưu tiên trước mắt hiện nay của chính phủ mới sẽ là cứu vãn nền kinh tế sau nhiều thập kỷ bị tàn phá bởi chiến tranh, giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và những nguy cơ từ các nhóm cực đoan đe dọa đến an ninh và ổn định của đất nước./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại