4 tháng thất nghiệp khi xe buýt ngừng hoạt động, không thể về quê vì giãn cách xã hội, nhiều tài xế, tiếp viên phải lấy bến đỗ làm nhà, nằm ngủ dưới nền xe để mong chờ ngày hoạt động trở lại.
Những chiếc xe buýt "nằm im" sau 4 tháng ngừng hoạt động
"Thời gian rảnh của mình quá nhiều, nói thật là chú chán ngủ rồi..."
Những ngày cuối tháng 10/2021, sau hơn 3 tuần lệnh nới lỏng giãn cách được áp dụng tại TP.HCM, bến xe buýt Làng đại học Quốc gia TP.HCM vẫn "nằm im", chưa thể hoạt động. Không khí vắng lặng, đìu hiu bao trùm, các tài xế, tiếp viên mỗi người một góc, buồn bã.
Bữa cơm đạm bạc của chú Cường sau thời gian dài thất nghiệp
Ăn vội tô cơm trưa, chú Mai Thái Cường (52 tuổi, quê ở Hà Nội) ngậm ngùi cho biết hơn 4 tháng qua, chú phải sống trong cảnh lay lắt, ăn uống cầm cự cho qua ngày khi tiền bạc đã hết, việc chạy xe buýt thì bỏ ngỏ.
"Cho tới ngày hôm nay là hơn 4 tháng rồi, đợt dịch này nó đến bất chợt, đi lại cần nhiều thủ tục giấy tờ nên chú không kịp về, kẹt lại ở đây. 4 tháng qua chú không có việc gì con ạ, chú chỉ ngồi đợi thôi", chú Cường nuốt nước mắt.
Hơn 50 năm có mặt trên đời, chú Cường chưa bao giờ lâm vào hoàn cảnh trớ trêu như vậy
Vào TP.HCM hơn 2 năm, chú Cường làm tiếp viên xe buýt, mặc dù thu nhập ít ỏi nhưng vẫn đủ để người đàn ông ở tuổi ngũ tuần tiện tặn, gửi về quê để phụ vợ lo cho 2 đứa con nhỏ. Đùng một cái, dịch bất ngờ ập đến và kéo dài từ ngày này qua tháng nọ, mọi dự định tan vỡ.
"Chú không dám gọi điện về nhà để báo cho vợ con biết, mọi người ở quê chỉ nghĩ là chú gặp khó khăn thôi chứ thực tế cuộc sống những ngày qua, nó quá khổ. Mình phải tự xoay xở tất cả", chú Cường tâm sự.
Trong không gian chật hẹp của chiếc xe buýt, một góc chú Cường để bếp ga nhỏ để nấu ăn, góc còn lại là những can nước mưa hứng được dùng trong việc tắm giặt. Mọi vật dụng đều thô sơ. Không điện, thiếu nước nhưng nhiều ruồi muỗi hay tiếng vo ve của côn trùng.
Cuộc sống tạm bợ trên xe buýt của chú Cường và những tiếp viên, tài xế khác
"Ở đây không có điện, nước thì trời mưa chú đi ra ngoài mấy cái xe có máng để hứng. Vì nước cũng hạn chế nên chú ít đi xin, mình phải tự tiết kiệm thôi", nói đến đây, chú Cường ngấn nước mắt.
"Bây giờ thế kỷ 21 rồi mà sống như thế này thì nó cũng hơi kỳ, nhưng đây là hoàn cảnh bắt buộc mình thích nghi. Nói về bất tiện thì chú cũng không tìm được từ nào để diễn tả hết sự bất tiện ở đây, nhưng không sao chú thích nghi được".
Vì không có điện nên bên trong xe buýt rất hầm và bức bí. Ban ngày, chú Cường cùng vài đồng nghiệp ra công viên gần bến xe để ngồi đỡ, trời mưa mới vào trong xe, chiếc điện thoại cũ mèm là đồ điện duy nhất mà chú Cường có để liên lạc với người nhà hay dùng ánh sáng từ đèn flash như một "hi vọng" giữa màn đêm sâu thẳm.
Người đàn ông nuốt nước mắt kể về những ngày đã qua...
Xe buýt nằm im, tài xế, tiếp viên không tiền ăn ngủ trên xe 4 tháng ròng
"Chú sống theo ánh sáng ban ngày thôi, ngủ thì chắc chắn sẽ không ngủ được, nóng bức lắm. Thời gian rảnh của mình quá nhiều, nói thật là chú chán ngủ rồi. Lúc trước mình chạy xe để đi về tìm giấc ngủ, vì công việc cực nên rất thèm ngủ, có khi 1 ngày chỉ ngủ 4-5 tiếng đồng hồ, còn giờ thì chú chỉ chờ và chờ… được đi làm lại", chú Cường xúc động nói.
Sự cưu mang của những người xa lạ…
Để bám trụ suốt mùa dịch Covid-19, chú Cường và những tài xế, tiếp viên khác ngoài việc tiết kiệm tối đa mọi thứ có thể như trả lại phòng trọ, lấy xe buýt làm nhà…. còn có sự giúp đỡ của những người xa lạ.
Một số tài xế, tiếp viên kiểm tra lại máy móc của xe buýt sau thời gian dài ngừng hoạt động
Ai cũng hi vọng xe buýt sớm hoạt động trở lại
Những ngày giãn cách, bó rau, gói mì từ thiện là cứu cánh, thắp lên hi vọng cho tất cả mọi người.
"Với nhiều người 1 triệu/phòng/tháng nó không nhiều nhưng đối với chú thì ở thời điểm này nó rất là lớn nên bớt được đồng nào quý đồng nấy, chú trả trọ dọn vào ăn ngủ ở xe buýt luôn. Mấy tháng chú chỉ có mì gói và trứng, cố cầm cự qua ngày.
Dịch bệnh mà, có ai nghĩ đợt này kéo dài đến như vậy, chú vẫn đang chờ và tiếp tục chờ để quay trở lại công việc", chú Cường chia sẻ.
Chú Phương xúc động bởi lòng tốt của những người xa lạ, cưu mang anh em tài xế, tiếp viên lúc khó khăn
Giống như chú Cường, tiếp viên Lê Văn Phương (54 tuổi) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi thất nghiệp kéo dài, cố gắng bám víu để chờ một hi vọng mới.
"Mấy tháng giãn cách chú sống trên xe, ở đây rất khó khăn nhưng cũng nhờ được MTQ hỗ trợ rau củ một thời gian nên mọi người vẫn cố gắng cầm cự. Mình phải hi vọng thôi chứ có sự lựa chọn nào đâu", chú Phương thở dài.
4 năm gắn bó với nghề tiếp viên, tuy thu nhập không nhiều nhưng chú Phương cảm thấy hài lòng vì có đồng ra đồng vào để gửi về nuôi đứa con học lớp 10. Mặc dù hiện tại gặp không ít khó khăn nhưng chú Phương vẫn cho biết "nếu có nhận hỗ trợ sẽ nhường cho người khổ hơn mình".
Thời tiết nắng nóng khiến mọi người thêm phần vất vả
Cảnh sinh hoạt giữa "bến xe" của những người kẹt lại trong dịch Covid-19
"Chú nghĩ người ta ăn gì được thì mình ăn cái đó được, bà con khổ rất nhiều. Chú lên mạng thấy nhiều người không có cọng rau để ăn, nhìn thấy vậy chú rớt nước mắt. Nói thật, chú cũng khổ lắm, nhưng mức độ khổ thì chưa giống như người trên mạng, nếu có gói hỗ trợ thì chú xin nhường cho người khác", chú Phương tâm sự.
Trong khi đó, chú Nguyễn Thành Trung (47 tuổi), tài xế xe buýt ngậm ngùi khi nhìn vào chiếc xe nằm im ngoài bến. Giống như nhiều đồng nghiệp khác, chú Trung lo lắng sự hư hỏng máy móc, bình điện sẽ xảy ra sau nhiều tháng "nằm nghỉ".
Chú Trung mong công việc sớm ổn định để anh em tài xế, tiếp viên có thu nhập, trang trải cuộc sống
Những chiếc xe mòn mỏi đợi ngày xuất bến...
Vừa muốn xe buýt được nhanh hoạt động trở lại, vừa lo sợ chuyến xe chạy không đủ để bù lỗ vì ế khách, chú Trung nghẹn giọng, nói: "Nếu nhà nước trợ giá cho xe chạy trở lại thì sợ thu không đủ chi, xe lăn bánh sớm không có khác, chú chỉ mong dịch bệnh ổn định, người dân quay lại thành phố, đi xe buýt để cảnh nhộn nhịp lại như trước đây".
Có lẽ không chỉ chú Trung, chú Cường, chú Phương…, mà với tất cả những tài xế, tiếp viên xe buýt hay những người làm các công việc khác chưa được "nới lỏng" để quay trở lại hoạt động. Hi vọng và chờ mong là những gì họ có thể suy nghĩ lúc này. Như lời chú Cường từng nói: "Những cái lớn lao chú không biết nói sao, chú chỉ mong được đi làm lại như bình thường, mong là dịch qua đi, lúc trước cực nhưng chú không thấy chú khổ vì đi làm có thu nhập, còn giờ thì không".
Chú Cường vẫn tin rằng thời gian tới, mọi thứ sẽ quay trở lại
"Chú mới xin phụ hồ được 2 ngày, tuy công việc mới mẻ với mình nhưng chú vui vì không còn ngồi không nữa...", chú Cường tâm sự
Nói đoạn, chú Cường khoác áo, lấy chiếc xe máy cà tàng ra đạp. Tiếng máy nổ ì ạch, mồ hôi nhễ nhại, chú Cường cùng một đồng nghiệp rời bến xe, bắt đầu một công việc mới – phụ hồ cho công trình kèm theo sự chờ mong, xe buýt được hoạt động trở lại.
Trước đó vào tối 19/6, TP.HCM quyết định dừng tất cả các tuyến xe buýt kể từ ngày 20/7 khiến nhiều tài xế, tiếp viên rơi vào cảnh thất nghiệp kéo dài.
Theo ông Nguyễn Vĩnh Tùng (Quản lý bến xe buýt Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết bãi xe hiện có khoảng 80 chiếc xe buýt đậu lại và gần 50 tài xế, tiếp viên mắc kẹt do dịch Covid-19. Đa số thuê phòng trọ bên trong bến xe, một số vì khó khăn nên trả phòng trọ xin tá túc trên chính chiếc xe buýt mình chạy.
Để hỗ trợ anh em tài xế, tiếp viên, Hợp tác xã cũng đã giúp 1 triệu đồng/người, đồng thời cũng mong xe buýt được sớm hoạt động trở lại.