Tài xế taxi trả 900.000đ tiền âm phủ cho du khách đối diện hình phạt nào?

Hoàng Hải |

Theo quan điểm Luật sư Thơm việc Phong trả 900.000đ tiền âm phủ cho du khách đã cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Sau khi xuất hiện thông tin hai du khách nước ngoài tố bị trả lại tiền âm phủ, cơ quan CSĐT Công an quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội đã khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc.

Nhiều ngày tích cực điều tra, Cơ quan công an đã xác định được đối tượng trả lại tiền âm phủ cho hai du khách là Trần Văn Phong (sinh năm 1989, trú tại Xuân Phương, Xuân Trường, Nam Định, hiện đang là lái xe taxi).

Trao đổi với PV về hành vi trả tiền âm phủ cho du khách của Trần Văn Phong, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi của Phong đã xâm phạm đến quyền sở hữu của người khác về tài sản được pháp luật bảo vệ.

Xét hành vi khách quan của Phong cho thấy, lợi dụng du khách không biết tiếng Việt và phân biệt tiền Việt Nam với tiền âm phủ (dùng trong thờ cúng theo phong tục tập quán của dân tộc) Phong đã dùng thủ đoạn gian dối trả lại tiền thừa bằng tiền âm phủ không có giá trị sử dụng nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền thừa phải trả cho khách khi họ đưa tờ tiền mệnh 500.000VNĐ

Tài xế taxi trả 900.000đ tiền âm phủ cho du khách đối diện hình phạt nào? - Ảnh 1.

Số tiền âm phủ mà Phong đã trả cho du khách.

Đáng lẽ ra, theo đúng cước phí thanh toán hết 37.000 đồng mà du khách đưa 500.000 đồng thì Phong phải trả lại tiền thừa là 463.000 đồng nhưng tài xế này đã đưa trả lại bằng 3 tờ tiền âm phủ, hai tờ mệnh giá 200.000 đồng và 1 tờ mệnh giá 500.000 đồng không có giá trị sử dụng.

"Hành vi của Phong đã dùng thủ đoạn gian dối trả lại tiền thừa bằng tiền âm phủ làm cho 2 người khách nước ngoài tin số tiền trả lại đó là tiền thật đã cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 174 BLHS 2015...", Luật sư Thơm nhận định.

Theo Luật sư Thơm, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là loại tội phạm có yếu tố vật chất nên tài sản chiếm đoạt thông thường phải từ 02 triệu đồng trở lên mới bị xử lý hình sự.

Tuy nhiên, trường hợp chiếm đoạt số tiền dưới 02 triệu thì ngoài việc người phạm tội bị xử phạt hành chính thì theo quy định mới của Bộ luật hình sự 2015 vẫn có thể bị xử lý hình sự theo tình tiết định khung theo điểm c, khoản 1 Điều 174 BLHS 2015 về việc "Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội".

"Hành vi phạm tội của Phong đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô, gây bất bình trong dư luận xã hội và làm giảm uy tín, thiện cảm trong con mắt người nước ngoài khi đến Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung nên cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Việc xử lý nghiêm minh mới có đủ sức răn đe, cảnh báo cho những đối tượng đã và đang có những hành vi đi ngược lại những giá trị văn hóa, văn minh tốt đẹp của truyền thống văn hóa người Việt Nam...", Luật sư Thơm nêu quan điểm.

Luật sư Thơm cũng cho rằng, trong trường hợp, nếu Cơ quan điều tra xét thấy hành vi của đối tượng chưa đến mức xử lý hình sự thì đối tượng sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm c, khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013 với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng về hành vi "Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác".

Điều 174 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1- Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000...

5- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại