Tài xế chạy taxi công nghệ phơi bày thực tế khắc nghiệt: Ngày kiếm 1 triệu đồng nhưng chi phí lên tới 1,3 triệu, ai vào sau đều “ăn mày cả”

Nhật Anh |

Cũng theo người này, so với mô hình taxi công nghệ, xe ôm công nghệ là lựa chọn phù hợp hơn khi không có quá nhiều áp lực.

Những mô hình như Uber, Grab xuất hiện tại Việt Nam đã thu hút không ít tài xế tham gia bởi thời gian làm việc linh hoạt cùng niềm tin vào một mức thu nhập ổn định so với mặt bằng chung. Với những người có sẵn phương tiện, việc hành nghề khá thuận lợi, nhưng với người phải vay ngân hàng trả góp hàng tháng mua phương tiện, mọi chuyện không hề dễ dàng như vậy.

Trên diễn đàn dành cho cộng đồng tài xế công nghệ Việt Nam, một tài xế mới đây đã có nhiều chia sẻ thực tế liên quan đến công việc này.

Theo anh lý giải, các mô hình taxi công nghệ thường chỉ khuyến mãi cao trong 6 tháng đầu tiên, nên những ai đầu tư sớm sẽ đủ tiền trả góp cho xe, chứ đầu tư sau này thì "đều ăn mày cả".

"Tôi có 11 người quen chạy Grab, Uber tới nay hết 9 tài xế bán xe lỗ. Còn lại 2 tài xế, một anh có đứa con gửi về nội xong chạy 24/24 lấy xe làm nhà; một anh thì giao toàn bộ gia đình cho vợ, 5h sáng ra xe xong đến 22h mới về".

Tuy nhiên quan trọng hơn, theo như quan niệm của người này, mức thu nhập của tài xế xe công nghệ nếu "hên" thì khoảng 2 triệu/ngày, còn không thì là 1 triệu. Với những người mua taxi trả góp, thu nhập này không đủ bù chi phí bỏ ra.

"Xe trả góp hãy tính thử: Trả ngân hàng mỗi ngày 500.000 + 100.000 bảo dưỡng + 200.000 ăn uống + 500.000 xăng + 300.000 mang về lo gia đình. Tổng cộng là 1,6 triệu. Vậy bạn muốn chạy hay không thì tuỳ. Chạy bike ngon nhất mà lại không áp lực lắm", tài xế đưa ra lời khuyên.

Tài xế chạy taxi công nghệ phơi bày thực tế khắc nghiệt: Ngày kiếm 1 triệu đồng nhưng chi phí lên tới 1,3 triệu, ai vào sau đều “ăn mày cả” - Ảnh 1.

Lời tâm sự trên diễn đàn tài xế công nghệ.

Trên thực tế, Uber hay Grab đều là mô hình của kinh tế chia sẻ, bản chất là sử dụng xe nhàn rỗi để tăng thêm thu nhập. Nhưng khi về Việt Nam, nhiều người coi là "cần câu cơm" chính, sẵn sàng vay trả góp để tham gia vào mạng lưới.

Vì số lượng tài xế ngày càng tăng, thu nhập trung bình tài xế giảm theo, trong khi các hãng cắt giảm chương trình thưởng ban đầu, những tài xế mua xe trả góp sẽ có khả năng cao rơi vào tình trạng thua lỗ, đi làm không công.

Sở hữu một chiếc ô tô 7 chỗ, ông Nguyễn Văn Dũng, đối tác tài xế cho Uber trước đây và hiện nay là Grab cho biết, ông chỉ dành thời gian buổi tối và cuối tuần để chạy taxi công nghệ, còn công việc chính vẫn là lái xe cho một doanh nghiệp tư nhân.

Ông phân tích: "Đi vay tiền ngân hàng để mua xe chạy Grab thì áp lực lắm. Ví dụ bạn vay ngân hàng 500 triệu, để mua một chiếc xe Hyundai i10, trong vòng 5 năm bạn phải trả hết nợ, nghĩa là mỗi tháng bạn cần trả hơn 8 triệu. Trong khi đó doanh thu từ Grab khoảng 30 triệu, trừ hết các khoản chiết khấu của hãng, rồi xăng dầu thì chắc còn lại 55%, đấy là nếu bạn chạy tốt nhé. Nếu không chẳng còn lại bao nhiêu".

Ông Dũng cho biết rất nhiều tài xế chưa hiểu hết về Uber hay Grab, bởi những mô hình này chỉ hợp với các lái xe giống như ông: sở hữu xe nhàn rỗi và tranh thủ kiếm thêm thu nhập.

"Con đường kiếm thu nhập từ Grab không phải thiên đường. Nó chỉ là thiên đường khi tài xế biết sắp xếp, biết tính toán để tham gia; còn để ‘cày’ chuyên nghiệp thì tôi cho rằng đây không phải thiên đường", ông Dũng kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại