Người dùng có thích tai thỏ không? Không, không hề! Mới đây, CEO của OnePlus (một thương hiệu chung công ty mẹ với OPPO và Vivo) đã phải xóa status “Hãy học cách yêu cái ‘rãnh’” trên Twitter chỉ 2 ngày sau khi đăng tải.
Các fan đồng loạt phản đối, và theo đúng nguyên tắc chữa cháy của truyền thông, OnePlus chẳng có cách nào khác ngoài... xóa.
Không có ai "yêu' cái rãnh
“Học cách yêu cái ‘rãnh’” chỉ là ví dụ mới nhất trong các chiến dịch marketing bị người dùng phản đối.
Trước OnePlus chỉ vài ngày, LG đăng tải một cuộc trưng cầu ý kiến trên Facebook về tai thỏ. Người dùng tỏ ra phản đối rõ rệt, các mod Reddit phải “đóng thớt”, và LG cũng xóa luôn bài sau đó.
Vì lên giọng nói người dùng phải "học cách yêu tai thỏ" nên CEO OnePlus bị phản đối.
Chiếc tai thỏ của năm 2018 có một điểm giống với những chiếc adapter tai nghe của năm 2017. Chúng đều là những thứ chẳng được mấy người yêu thích nhưng lại được các nhà sản xuất hết lòng ủng hộ.
Năm ngoái, mặc cho người dùng có “ca thán” ra sao, các hãng vẫn cứ đồng loạt bỏ cổng tai nghe – bao gồm cả Google, vốn trước đó đã mỉa mai quyết định của Apple trong lễ ra mắt Pixel 1.
Năm nay, chính Google đã công bố hỗ trợ “tai thỏ” trên Android P, mở đường cho các đối tác phần cứng có thể... chạy theo Apple. Huawei, Vivo, OPPO... đều đã có smartphone tai thỏ; Xiaomi, LG và OnePlus đang rục rịch ra mắt.
Ít ai để ý rằng với cả 2 trào lưu này, Apple không phải là kẻ dẫn đầu, thậm chí là ngay cả khi chúng ta chỉ xét đến thị trường “modern smartphone” do iPhone mở ra vào năm 2007. Năm 2012, khi chưa ai biết iPhone 6 sẽ có hình dạng ra sao, OPPO đã bỏ cổng tai nghe với chiếc Finder.
Mùa hè năm ngoái, khi thiết kế của iPhone X còn chưa rò rỉ rộng rãi, Essential đã ra mắt cái “rãnh” đầu tiên trên chiếc PH-1.
Đâu phải vô cớ mà bỏ jack cắm tai nghe hay màn hình tai thỏ chỉ thành trào lưu sau khi Apple áp dụng cho iPhone.
Ấy vậy nhưng vai trò “tạo nhịp” cho thị trường vẫn chỉ thuộc về Apple. Phải đến sau khi Apple bỏ cổng tai nghe và tạo “rãnh” trên iPhone, các nhà sản xuất khác mới ồ ạt làm theo.
Câu hỏi là tại sao?
Giải pháp không hoàn hảo
Trước hết, hãy nghĩ về bản chất của thiết kế không dùng cổng tai nghe và “tai thỏ”. Bỏ cổng tai nghe thực chất sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho chính các nhà sản xuất, bởi cổng này đã quá cũ kỹ và không mang nhiều tiềm năng kinh tế.
Khi đã loại bỏ cổng tai nghe, nhà sản xuất có cơ sở để kích cầu tai nghe Bluetooth, có thể thiết kế các linh kiện mới hoặc dùng không gian tiết kiệm để gia tăng kích cỡ chip. Ít nhất, họ có thể gia tăng dung lượng pin – theo như lời giải thích của Xiaomi và Google.
Mi Mix 2s chẳng khác gì mang dải màn hình phía trên dồn xuống phía dưới, khá mất cân đối.
Tai thỏ cũng không phải là vô nghĩa: diện tích trên 2 tai thỏ có thể dùng cho các yếu tố giao diện không cần liên quan tới ứng dụng như pin hoặc vạch sóng.
Nhìn về tương lai, các hãng có lẽ sẽ đều có camera 3D khi Sony, Qualcomm và nhiều gã lớn khác của chuỗi cung ứng đang chạy theo trào lưu này. Nhét camera thường vào thiết kế “thò ra thụt vào” thì dễ, nhét cả cụm camera 3D như Apple đâu có dễ.
Cần phải chỉ ra rằng giải pháp loại bỏ tai thỏ khi tăng diện tích màn hình đã xuất hiện ngay từ bây giờ, nhưng cũng lại... không hoàn hảo. Xiaomi Mi Mix 2S chẳng hạn, do đặt camera trước ở dưới màn hình nên nhìn khá mất cân đối.
Hoặc, Vivo dùng camera “thò ra thụt vào” và cảm biến vân tay đặt dưới màn hình. Đáng tiếc rằng cách làm này cũng có điểm yếu: camera “thò ra thụt vào” tiềm ẩn nhiều rủi ro trong cách hoạt động và cũng mất thời gian mới có thể “thò ra” khi cần.
Cảm biến vân tay dưới màn hình cũng chỉ phục vụ duy nhất bảo mật, trong khi camera 3D của Táo có thể dùng cho nhiều mục đích khác (AR chẳng hạn).
Các nhà sản xuất, bao gồm cả tên tuổi đang nắm trong tay các giải pháp thay thế, vẫn chạy theo "tai thỏ" kiểu Táo.
Quan trọng nhất, muốn tạo camera thò ra thụt vào hay mua cảm biến vân tay dưới màn thì đều tốn tiền cho các nhà cung ứng. Nếu đã có trào lưu tai thỏ thì mua màn hình "có rãnh" từ chuỗi cung ứng lại rất dễ dàng. Từ góc độ tiền bạc, không khó để nhận ra vì sao tai thỏ lên ngôi.
Phải có Apple hứng mũi chịu sào
Có thể thấy rằng cái chết của jack tai nghe và sự xuất hiện của tai thỏ đều là những giải pháp không hoàn hảo để phục vụ cho mục đích của nhà sản xuất. Vì không hoàn hảo, chúng đều là những giải pháp... bị người dùng phản đối.
Nếu smartphone cao cấp còn không vì bỏ cổng tai nghe mà... ế ẩm thì smartphone giá mềm chẳng có lý do gì lại sợ bị người dùng tẩy chay cả.
Đây chính là lúc vai trò của Apple được bộc lộ rõ.
Thường xuyên chiếm vị trí số 1 thế giới trong quý cuối năm (quý màu mỡ nhất của cả thị trường), Apple bộc lộ rõ là kẻ thống trị phân khúc tầm cao khi đạt giá bán trung bình gần 800 USD. Tất cả các hãng khác đều không đạt nổi một phần của Táo, bao gồm cả Samsung.
Ở vị thế này, Apple cũng là công ty có người dùng khó tính nhất. Nhưng nếu người dùng của Táo vẫn chấp nhận được những chiếc iPhone không có cổng tai nghe và có tai thỏ, chả có lý do gì các nhà sản xuất khác lại không học theo cả.
Phần lớn các hãng biết rằng người dùng không thích các quyết định này, nhưng vẫn sẽ làm theo.
Bởi Apple là đại diện cho phân khúc cao cấp, và học theo thiết kế của Apple vẫn sẽ mang lại những hiệu quả kinh tế nhất định. Cả Xiaomi, Huawei, OPPO, Vivo và OnePlus đến nay vẫn đều bộc lộ rõ “cảm hứng” học hỏi từ những chiếc smartphone của Apple.
"Tai thỏ" là biện pháp hiệu quả nhất để gợi nhắc đến Apple, bởi làm như vậy đâu có khác gì mang đặc trưng của iPhone X lên smartphone tầm trung Trung Quốc?
Apple không phải kẻ dẫn đầu, nhưng chắc chắn người ta sẽ học theo kiểu của Táo.
Hãy để ý mà xem, nếu học tai thỏ thì các hãng đều học theo kiểu tai thỏ của Apple chứ không phải là cái rãnh của Essential.
Thế mới nói, người dùng không muốn thị trường phát sinh ra những trào lưu ngớ ngẩn khác chẳng có cách nào khác ngoài... cầu nguyện rằng Apple không nảy sinh ra những ý tưởng kiểu này.