Đỉnh Chogori - còn được gọi là Đỉnh K2 - nằm trong dãy núi Karakoram. Đây là đỉnh cao thứ hai trên thế giới với độ cao 8.611m, thấp hơn 233,44m so với "nóc nhà" Everest. Trong lịch sử, Chogori từng bị nhầm là đỉnh cao nhất thế giới.
Nằm ở biên giới giữa Trung Quốc và Pakistan, dãy Karakoram trải từ tây bắc đến đông nam và kéo dài hàng nghìn km, với 4 đỉnh cao hơn 8.000m so với mực nước biển. Karakoram đã trở thành khu vực leo núi phổ biến thứ hai trên thế giới.
Ảnh: Sohu |
Mặc dù đỉnh Chogori chỉ thấp hơn Everest khoảng 200m, nhưng tỷ lệ tử vong của các nhà leo núi khi chinh phục địa danh này cao hơn nhiều so với "nóc nhà thế giới". Cụ thể, tỷ lệ tử vong khi leo đỉnh K2 lên tới 27%, trong khi con số này tại đỉnh Everest chỉ chiếm 7%.
Nhiều người đặt ra câu hỏi, tại sao đỉnh Chogori thấp hơn nhiều so với đỉnh Everest nhưng lại khó leo hơn. Theo các chuyên gia, có nhiều lý do giải thích cho sự thật này. Điều quan trọng nhất có thể do địa hình.
Chogori là ngọn núi nhỏ, dốc bất thường và có hình dạng như một kim tự tháp. Các vách đá của núi Chogori có độ dốc cực kỳ lớn, về cơ bản là trên 45 độ. Tại nút thắt cổ chai, độ dốc lên tới 80 độ, gần như thẳng đứng.
Ảnh: Sohu |
Trên đỉnh Chogori, những dòng sông băng khổng lồ phân bố ở khắp mọi nơi. Vì lý do khí hậu, những dòng sông băng này hoạt động không ổn định, thường xuyên bị sụp đổ khiến quá trình leo núi gặp nhiều nguy hiểm, thậm chí khiến con người mất mạng.
Tính đến năm 2019, có tổng cộng 379 người đã lên tới đỉnh, nhưng 85 người đã thiệt mạng. Còn với đỉnh Everest, hơn 4.000 người đã leo lên đỉnh thành công.
Lý do thứ hai là do Chogori ở rất xa, muốn đến được đỉnh phải đi bộ mất hơn nửa tháng. Bên cạnh đó, độ dốc của Chogori cũng lớn hơn nhiều so với đỉnh Everest. Tuy đỉnh Everest cao nhưng lại "to" và "mập", trong khi đó đỉnh Chogori nhỏ và dốc thẳng đứng, giống như một chiếc "dùi" đâm thẳng lên trời.
Đỉnh Chogori chỉ rộng vài mét vuông, đủ chỗ cho vài người đứng trên đó. Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa hai ngọn núi này, đồng thời cũng là nguyên nhân chính khiến Chogori rất khó leo và có tỷ lệ tử vong cao.
Ảnh: Sohu |
Trên thực tế, việc leo núi luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Rất nhiều vận động viên leo núi nổi tiếng trên thế giới đã bỏ mạng tại các địa hình hiểm trở. Có hơn 100 hài cốt của các nhà leo núi trên đỉnh Chogori.
Thực ra ở những vùng núi cao không có cỏ, không có cảnh vật, trên cao lạnh giá và thiếu dưỡng khí, các nhà leo núi có đam mê khám phá các khu vực này cũng chỉ vì hai chữ "chinh phục".
Theo Sohu