Tại sao Trung Quốc và phương Tây tham gia vào cuộc đua lên Mặt Trăng?

Thanh Hà |

Helium-3 đã và đang gây ra một cuộc chạy đua mới giữa các cường quốc nhằm khẳng định chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên trên vệ tinh này.

Tại sao Trung Quốc và phương Tây tham gia vào cuộc đua lên Mặt Trăng? - Ảnh 1.

Nhiều quốc gia trên thế giới đang âm thầm triển khai các kế hoạch khai thác Helium-3 từ Mặt Trăng. Ảnh: Johnson Search Group.

Tại sao Mỹ muốn quay trở lại Mặt Trăng sau gần nửa thế kỷ? Tại sao tàu Hằng Nga của Trung Quốc lại thu thập đất trên Mặt trăng? Vì sao Nga bắt tay với Trung Quốc xây dựng trạm nghiên cứu Mặt trăng? Và tại sao Mặt Trăng lại trở thành điểm không thể bỏ qua của các cường quốc?

Một số người nói rằng đó là để thỏa mãn trí tò mò của con người, cũng có ý kiến cho rằng đó là để chứng minh sức mạnh của khoa học và công nghệ vũ trụ của một quốc gia. Tất cả chỉ là suy đoán, nhưng lý do quan trọng nhất có thể nói bản thân Mặt Trăng là một mỏ tự nhiên vô giá.

Khi nhân loại đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng, các chính phủ trên toàn thế giới đang tìm kiếm những nguồn năng lượng mới thay thế. Các công ty công nghệ cao đã tiến hành khai thác các nguồn năng lượng phi hóa thạch từ gió, mặt trời và các con sông đầy sóng. Nhưng điều đó là chưa đủ. Nhiều quốc gia đã bắt đầu tìm kiếm nguồn năng lượng mới bên ngoài Trái Đất.

Trong quá trình thăm dò tài nguyên trên Mặt Trăng, các chuyên gia Trung Quốc đã phát hiện ra rằng có hơn 100 loại tài nguyên khoáng sản trên Mặt Trăng, không chỉ có hàng chục nguồn năng lượng cấp thiết cho Trái Đất mà còn có một nguồn năng lượng hoàn hảo - Helium-3.

Tại sao Trung Quốc và phương Tây tham gia vào cuộc đua lên Mặt Trăng? - Ảnh 2.

Nguồn tài nguyên khí hiếm trên Mặt trăng. Ảnh: Sohu

Helium-3 là một nguồn nhiên liệu quý giá, bởi nó có thể sản sinh ra nhiệt lượng cực cao thông qua phản ứng tổng hợp nhiệt hạch mà lại hầu như không phát ra các neutron phóng xạ độc hại. Như vậy, các loại vũ khí hạt nhân thế hệ thứ tư sử dụng Helium-3 tinh khiết sẽ tạo ra rất ít hoặc không tạo ra bụi phóng xạ.Các nhà khoa học đã tìm thấy các chất phóng xạ như Helium trong đất trên Mặt Trăng. Sau khi phân tích và xác định sâu hơn, họ đã tìm thấy một lượng lớn Helium-3.

Tại sao Mặt trăng có rất nhiều Helium-3? Trong quá trình tổng hợp hạt nhân bên trong, Mặt trời sẽ tạo ra một lượng lớn Helium-3, và Helium-3 sẽ rơi xuống các hành tinh/vệ tinh xung quanh sau khi bị gió Mặt trời thổi. Do bề mặt Trái đất được bao phủ bởi một lớp khí quyển dày nên gió Mặt trời không thể tiếp cận đến bề mặt Trái đất, do đó, trữ lượng tự nhiên của Helium-3 trên Trái đất là rất thấp.

Mặt trăng hầu như không có bầu khí quyển, do đó gió Mặt trời có thể trực tiếp đến bề mặt của Mặt trăng, và một lượng lớn Helium-3 sẽ lắng đọng trên bề mặt của Mặt trăng.

Hàm lượng Helium-3 trên Trái đất rất nhỏ và các nhà khoa học Trung Quốc ước tính trữ lượng dự trữ trên Trái đất chỉ khoảng 500 kg, khó có thể đáp ứng được nhu cầu của nhân loại. Đất trên bề mặt Mặt Trăng chứa ít nhất 1 triệu tấn Helium-3, gấp 2 triệu lần Trái Đất. Các chuyên gia đã tính toán rằng 100 tấn Helium-3 có thể đáp ứng nhu cầu phát điện của thế giới trong một năm, và 1 triệu tấn là đủ cho 10.000 năm!

Nếu Helium-3 trong đất Mặt Trăng có thể được phát triển và sử dụng, thì việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân trên Mặt Trăng có thể được thực hiện ngay tại chỗ.

Nhưng không dễ để tách Helium-3 ra khỏi Mặt Trăng. Đầu tiên, cần phải làm nóng đất Mặt Trăng lên hơn 700 độ C để tách Helium-3. Tuy nhiên, trên Mặt Trăng không có oxy và rất khó đốt cháy. Hơn nữa, muốn chiết xuất Helium-3 thì phải lập căn cứ trên Mặt Trăng, cho đến nay vẫn chưa có nước nào làm được.

Vì Helium-3 có lợi thế về năng lượng và trữ lượng đáng kể, Mặt Trăng trong tương lai nhiều khả năng sẽ trở thành "Vịnh Ba Tư" năng lượng mà các cường quốc cạnh tranh trong thế kỷ mới.

Vào tháng 12/2020, tàu Hằng Nga 5 của Trung Quốc trở về an toàn sau sứ mệnh khám phá Mặt Trăng, đem khoảng 2kg đất đá từ vệ tinh này về Trái Đất. Dưới thời cựu Tổng thống Trump, kế hoạch phân bổ ngân sách cho NASA năm 2020 đã cho thấy Washington muốn đưa người lên Mặt Trăng một lần nữa trước năm 2028. Cựu phó tổng thống Mỹ Mike Pence cũng tuyên bố Mỹ sẽ là cường quốc đầu tiên đưa người lên Mặt Trăng trong thế kỷ 21.

Từ thám hiểm không người lái đến hạ cánh có người lái lên Mặt Trăng, và thiết lập căn cứ trên mặt trăng, Trung Quốc và các quốc gia phương Tây đã tiêu tốn vô số nhân lực và vật lực không chỉ thỏa mãn thành tựu khoa học, đằng sau đó là tham vọng nguồn tài nguyên vô tận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại