Bạn đã bao giờ để ý là mặt mũi của kẻ xấu trong phim luôn có những góc cạnh sắc nhọn, trong khi những nhân vật đáng mến lại có cấu trúc mặt rất tròn trịa (đến mức dễ mến) không?
Đó chính là nghệ thuật tạo hình ảnh mà các nhà làm phim như Disney và nhiều hãng khác sử dụng để khiến chúng ta yêu quý hơn những nhân vật đáng yêu và đáng quý, đồng thời lại khiến chúng ta lại càng ghét những nhân vật phản diện kia hơn.
Điển hình nhất, bạn có thể thấy khuôn mặt của Darth Vader trong Star Wars hay mặt Maleficent trong Công Chúa Ngủ Trong Rừng đầy “góc cạnh”, trong khi chú gấu Baloo trong The Jungle Book lại vẽ hoàn toàn bằng hình tròn, từ cái bụng béo căng cho đến khuôn mặt.
Ba hình dáng điển hình trong điện ảnh: Tròn - Vuông - Tam Giác.
Tại sao kẻ xấu luôn có những “góc cạnh” ấy? Đó là bởi não bộ của con người luôn coi những hình dáng ấy là mối nguy hiểm (ví dụ như dao nhọn, góc bàn và những thứ tương tự).
Bên cạnh đó, não bộ chúng ta cũng xác định những ý nghĩa khác nhau với sự kết hợp hình học khác nhau, như: một hình ảnh kèm theo một vòng tròn ở giữa sẽ tạo cảm giác theo dõi (hình ảnh tương tự một chiếc camera) hay những hình sọc và ngang đan xen gợi lên rằng nhân vật đang trong một tình thế bó buộc nhất định.
Các nhà làm phim đã khéo léo sử dụng hành vi này của não bộ chúng ta để kể các câu chuyện chỉ thông qua tập hợp của một số hình dáng nhất định. Quả thực là một thứ nghệ thuật cũ nhưng vẫn trường tồn!
Video trên kênh YouTube Now You See It đã giải thích hình học ảnh hưởng tới chúng ta như thế nào, với một hình ảnh minh họa cụ thể. Họ đưa ra một hình dáng tua tủa nhọn đặt cạnh một hình dáng mềm mại hơn, hỏi xem hai từ Bouba và Kiki sẽ nói lên hình ảnh nào.
Đa số người (98% số người được hỏi, bất kể độ tuổi, giới tích, quốc tịch ...) sẽ chọn từ Kiki để chỉ hình nhọn, còn Bouba là hình mềm mại hơn. Bài thử nghiệm nhỏ ấy đã cho chúng ta thấy não bộ con người tự đặt tên cho những hình ảnh cụ thể một cách vô thức, điều thú vị là đa số chúng ta đều như vậy.
Mặt nạ của Darth Vader có một hình tam giác lớn, gợi lên sự ghê sợ nơi nhân vật này.
Một trong những ví dụ điển hình nhất, đó là sự thay đổi rõ rệt của Anton Ego – từ một hình dáng góc cạnh của một trong những phản diện trong phim đột nhiên biến thành một hình dáng mềm mại, đáng thương của một chú bé vừa ngã xe đạp. Một cách chuyển hình ảnh tinh tế được nối liền liên tục bằng một cảnh hồi tưởng.
Một trong những ví dụ khác nữa, đó là Maleficent trong cả phiên bản hoạt hình năm 1959 lẫn phiên bản người thực năm 2014, đều mang một hình ảnh góc cạnh mà đạo diễn đã cố tình giữ lại.
Phiên bản hoạt hình năm 1959.
Maleficent do Angelina Jolie thủ vai.
Một trong những ví dụ gần đây hơn, đó là tạo hình của nhân vật trong Inside Out, một bộ phim hoạt hình thành công của Pixar.
Mỗi một cảm xúc sẽ có một đặc tính riêng, ví dụ như Joy – Vui Vẻ có cấu trúc tròn và dễ gần, Fear – Sợ Hãi được cấu thanh từ nhiều hình sắc cạnh (chỉ sự sợ hãi chứ không nói về nhân vật phản diện), và một hình hài mới bên cạnh hình tròn và hình nhiều góc cạnh: đó là hình vuông, đặc trưng của Anger – Giận Dữ.
Họ đã cố ý sử dụng hình vuông để gợi nên cho khán giả tính cách của chính hình khối ấy, vuông vắn, cứng nhắc và khó bề thay đổi. Đúng như tính cách của Anger, chàng ta đã mất bình tĩnh (cứng nhắc) không biết bao nhiêu lần xuyên suốt bộ phim.
Không chỉ dừng lại ở hình dáng nhân vật, họ còn khéo léo lồng ghép những hình học ấy vào trong cảnh phim và tất nhiên, mỗi một hình dáng như vậy đều mang một dụng ý riêng của tác giả.
Ví dụ như, cảnh dưới, Mr. Incredible - Bob Parr ngồi trong một khung hình chữ nhật khép kín, tạo nên cảm giác gò bó, tù túng và đó cũng chính là cảm xúc của nhân vật trong phân cảnh ấy. Các bạn hẳn là biết rõ nếu như đã xem một trong những phim siêu anh hùng hay nhất này, bộ phim The Incredibles.
Hay cảnh bên dưới, trích từ bộ phim Catch Me If You Can, bạn sẽ thấy những chấn song kéo ngang màn hình cũng như kéo ngang qua nhân vật. Khung hình nào gắn liền với chấn song ngoài nhà tù nữa? Toàn bộ gợi lên hình ảnh của một cuộc sống khuôn khổ nhàm chán.
Thường thấy nhất, ta có một hình tròn lớn tập trung trên màn ảnh, tạo cho ta một cảm giác bị theo dõi, bị rình mò. Những cảnh như vậy rất thường thấy trong những tình huống tạo kịch tích, ví dụ như bộ phim kinh điển 2001: A Space Odyssey được trích đoạn dưới đây.
Hoặc những đường kẻ thẳng trên màn ảnh sẽ khiến bạn tập trung thẳng vào mục tiêu đang được hướng tới. Đơn cử như cảnh dưới, lại một tuyệt tác nữa từ đạo diễn Stanley Kubrick, bộ phim kinh dị The Shining. Cảnh quay này đang hướng hoàn toàn tới cặp song sinh ma trong khách sạn.
Lần tới thưởng thức một bộ phim, bạn hãy để ý tới những chi tiết hình học tưởng như khô khan này khi được phết lên mình một lớp áo nghệ thuật sẽ thú vị tới chừng nào. Một bộ phim hay không chỉ có kịch bản tốt hay kĩ xảo đã mắt đâu, nó còn nhiều hơn thế!