"Tại sao tôi phải đi du lịch ở Việt Nam khi mà tôi vẫn phải làm visa?"

Anh My |

TS Lương Hoài Nam đã không biết phải trả lời thế nào trước câu hỏi ấy của một triệu phú Mỹ.

"Hạ tầng mềm"

Trong tọa đàm "Hạ tầng du lịch – nền tảng cho du lịch Việt Nam cất cánh" (Bizlive tổ chức) diễn ra tại FLC Vĩnh Phúc Resort hôm qua, TS Lương Hoài Nam, đã kể câu chuyện về chuyến tiếp thị không thành công của mình.

Cách đây 2 năm, ông Nam ôm "bản chào" sang San Francisco gặp một triệu phú để mời tới du lịch Việt Nam.

Sau nghi nghe TS Nam thuyết trình, vị triệu phú nhìn thẳng ông Nam hỏi: "Nam ơi, mày nói rất hay, nhưng cho tao hỏi một câu: Tại sao tao phải đi du lịch Việt Nam khi mà tao vẫn phải làm Visa. Trong khi tao không cần visa vẫn đi được khắp nơi thế giới?".

Còn bà vợ ông ta thì hỏi: "Tại sao thông tin có ít thông tin về du lịch Việt Nam thế?"

Trước câu hỏi khó này, TS Nam không biết trả lời ra sao để có thể thuyết phục hai vị khách VIP.

Tại sao tôi phải đi du lịch ở Việt Nam khi mà tôi vẫn phải làm visa? - Ảnh 1.

Ông Nam cho biết: Có một số người cho rằng việc giảm phí visa cho khách, ví dụ từ 45 đô la xuống 25 đô la, sẽ trở thành một động lực mạnh để du khách đến Việt Nam.

Theo ông Nam, lối suy nghĩ này vẫn chưa "thoát". "Với rất nhiều người đi du lịch, nhất là những người có tiền, triệu phú, tỉ phú, họ không quan tâm đến mức tiền 45 đô hay 25 đô. Điều họ quan tâm là tại sao đến Việt Nam, họ lại bị mất thời gian cho việc làm visa, tại sao phải chờ đợi, trong khi bao nhiêu nước khác đều miễn".

Câu chuyện của TS Nam hé mở một tư duy khác về "hạ tầng mềm", nếu muốn du lịch cất cánh.

Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế TƯ, hạ tầng mềm du lịch rất quan trọng, đó là cách ứng xử, khung pháp luật, dịch vụ phục vụ khách, ý thức giao thông… "Nhiều khách Tây nói với tôi là họ rất sợ giao thông ở Việt Nam, đặc biệt là xe máy, rất nguy hiểm".

Ông Doanh dẫn ra câu chuyện về khách Trung Quốc và tour 0 đồng. Dù nhóm này gặp nhiều tai tiếng vì cách cư xử thiếu văn hóa, tuy nhiên phải tìm cách quản lý, khắc phục, quản lý hiệu quả chứ không thể cấm. Cách ứng xử không hợp lý sẽ ảnh hưởng tới môi trường du lịch.

"Ngay cả ở Pháp, nước dẫn đầu thế giới về lượng khách du lịch, họ cũng phải có cách ứng xử phù hợp và nhẫn nhịn với khách Trung Quốc." – ông Doanh cho biết.

Để thay đổi cơ bản "Hạ tầng cứng" (hotel, resort, cảng biển, hàng không, giao thông, môi trường…) phục vụ du lịch Việt Nam, mất không ít thời gian và nguồn lực, nhưng để thay đổi một số "hạ tầng mềm" (thủ tục visa, nạn chặt chém…) thì lại nhanh chóng hơn nhiều.

"Hạ tầng cứng": Chìa khóa là xã hội hóa

Một trong những hạ tầng cứng rất quan trọng phục vụ du lịch là hàng không. Hàng không chậm phát triển sẽ ảnh hưởng tới lượng khách du lịch.

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam than phiền về sự bất tiện của các đường bay đến tỉnh lẻ. "Hầu như mỗi hãng chỉ có một hai chuyến, mà giờ giấc lại khó khăn. Ví dụ chuyến bay Quy Nhơn bay 7 giờ, thì phải dậy từ 4 5 giờ để chuẩn bị.

Giờ bay không hợp lý cũng dẫn đến mất khách. Thứ hai là tần suất bay. Hiệp hội chúng tôi tổ chức một hội nghị ở Bình Định, chỉ có 300 khách mà ngay lập tức xảy ra tắc nghẽn, phải xin thêm chuyến".

Tại sao tôi phải đi du lịch ở Việt Nam khi mà tôi vẫn phải làm visa? - Ảnh 2.

Nguyên thứ trưởng Nguyễn Trần Nam. Ảnh: Bizlive.

Ông Lương Hoài Nam minh họa câu sự thiếu hụt sân bay bằng một so sánh: "Hiện Việt Nam mới có 21 sân bay trong khi Thái Lan có 48, Philippines có tới 70 sân bay, dù hai nước họ nhỏ hơn Việt Nam.".

Theo TS Nam, việc ít sân bay này chủ yếu đến từ tư duy. Nếu nhà nước ôm tất việc mở các sân bay, làm các nhà ga thì chắc chắn sẽ chậm vì nhà nước không đủ nguồn lực.

Vì vậy, việc nhà nước cần làm là "cần quy hoạch nhiều sân bay để mở ra cơ hội xã hội hóa đầu tư. Năng lực của các nhà đầu tư tư nhân Việt Nam đủ mạnh để làm.

"Nhung chắc chắn nếu còn tiếp tục cơ chế xin cho thì chả ai làm được, tư nhân là phải đầu hàng" – TS Nam khẳng định.

Ông Nguyễn Trần Nam đưa ra minh chứng về sức mạnh của xã hội hóa trong lĩnh vực hàng không:

"Nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng, anh Nguyễn Bá Thanh đôn đốc, thúc đẩy nhiều mà làm ì ạch mấy năm mới xong, đến nỗi anh Đinh La Thăng khi ấy là Bộ trưởng Giao thông cũng phải trảm tướng tại trận.

Nhà ga T2 sân bay Đà Nẵng bây giờ, do một doanh nhân trẻ 7x làm, 1 năm đã xong, lại to hơn, đẹp hơn".

Quyết tâm của lãnh đạo

Theo các chuyên gia, muốn xã hội hóa "hạ tầng cứng, hạ tầng mềm" tốt thì phải bắt đầu từ tư duy và quyết tâm của lãnh đạo.

TS Lương Hoài Nam kể, cách đây nhiều năm, khi ông còn làm ở Vietnam Airline, một ngày lụt, TS Nam ngạc nhiên khi thấy ông Vũ Hoàng Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định lúc bấy giờ, cắp giầy vào nách, lội nước đến nhà đề nghị: "Chú làm thế nào để hỗ trợ tỉnh mở đường bay Quy Nhơn – Đà Nẵng, góp phần phát triển du lịch".

Ông Lê Thành Vinh, TGĐ tập đoàn FLC cũng cho rằng sự cầu thị và mong muốn quyết liệt của lãnh đạo địa phương trong việc xây dựng hạ tầng cứng cho phát triển du lịch, là yếu tố cực kỳ quan trọng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư những dự án lớn về du lịch.

Tại sao tôi phải đi du lịch ở Việt Nam khi mà tôi vẫn phải làm visa? - Ảnh 3.

Ông Lê Thành Vinh, CEO FLC. Ảnh: Bizlive

Theo ông Vinh, một trong nguyên tắc "5 không" của FLC khi đầu tư là "không xin", tức là không đi xin dự án. Nếu tỉnh nào trân trọng mời, thể hiện đủ quyết tâm, sự đoàn kết, nhất quán với phát triển du lịch trong đội ngũ lãnh đạo, quyết hành động ngay, thì FLC sẽ đồng hành.

"Làm bất động sản nghỉ dưỡng ở những nơi mới giống như cầm một cốc nước đến một nơi đất cát, khi đổ xuống, nước thấm hết ngay, làm sao có thể bốc lại đầy cốc nước. Tỉnh không quyết tâm đồng hành thì làm sao doanh nghiệp dám đổ cốc nước xuống để làm?" – Ông Vinh nói.

Lời bàn: Câu chuyện địa phương nào đó muốn kêu gọi các nhà đầu tư, mà lại không tháo gỡ thủ tục hành chính, không sẵn sàng hành động để cùng sát cánh với doanh nghiệp, chẳng khác gì câu chuyện mời vị triệu phú đến du lịch Việt Nam nhưng lại không miễn visa cho họ.

Vì thế, để du lịch Việt Nam cất cánh, việc quan trọng nhất là phải xây dựng được "hạ tầng tư duy" thông thoáng, minh bạch của các nhà quản lý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại