Sergei Khrushchev - con trai của Tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev nhớ lại: “Yếu tố quan trọng nhất của quyền lực là sự kế thừa. Cha tôi đã nghĩ hết cách để việc chuyển giao quyền lực được êm thấm".
“Một người chọn không được, đổi sang người thứ hai, rồi thứ ba, cuối cùng vẫn không quyết định được. Ông ấy muốn tìm một người đủ tố chất, lại phải trẻ tuổi và sáng suốt”.
Yêu cầu khắt khe
Nikita Sergeyevich Khrushchev (1894 - 1971), là người kế nhiệm Tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô Iossif Stanlin, sau cái chết của Stalin vào năm 1953.
Năm 1964 ông bị bỏ phiếu bất tín nhiệm bởi những người đồng chí của mình trong đảng và được thay thế bởi Leonid Brezhnev
Lựa chọn đầu tiên của Khrushchev là Pyotr Kozlov người từng đảm nhiệm các vị trí Bí thư đảng ủy bang Leningrad, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô.
Quan trọng hơn, Kozlov có quan hệ mật thiết với nhóm thực lực trong Tập đoàn công nghiệp quân sự Liên Xô, là đại diện tiêu biểu cho trường phái coi trọng đối nội.
Sau này, ông trở thành Bí thư thứ hai trung ương đảng cộng sản Liên Xô và là nhân vật "quyền lực số hai" của đảng Liên Xô.
Tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev (trái) trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ John Kennedy năm 1961. Ảnh sưu tầm
Tuy nhiên, năm 1963 Kozlov bất ngờ trúng phong hàn. Khi Khrushchev đến bệnh viện thăm hỏi đã nói đầy ẩn ý rằng: “Kozlov đang giả bệnh, cần phải lấy lại tinh thần làm việc”.
Bệnh tình của Kozlov nhanh chóng chuyển biến tốt nhưng cuối cùng ông vẫn chưa thể ngồi dậy nổi. Đến trước khi Ủy ban trung ương được cải tổ lần nữa, Kozlov vẫn được giữ những chức vụ quan trọng gồm Ủy viên Đoàn chủ tịch hay Bí thư Ban bí thư nhưng trên thực tế ông gần như đã trở thành “người thực vật”.
Theo báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo, “bỏ cuộc sớm” đối với Kozlov có thể nói là điều may mắn bởi trong lịch sử Liên Xô không có người kế nhiệm nào dành được chức vụ tối cao một cách thuận lợi.
Ví như trường hợp của Lev Davidovich Trotsky - nhà tư tưởng có vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng tháng Mười Nga. Ông từng được coi là người kế nhiệm của lãnh tụ Liên Xô Vladimir Ilyich Lenin.
Tuy nhiên, sau này, Trotsky đã bị trục xuất khỏi Liên Xô và bị kết án tử hình vắng mặt do tham gia vào âm mưu ám sát Tổng Bí thư Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Liên Xô Iossif Stalin.
Hay Nikolai Bukharin được mệnh danh là Bậc thầy lý luận và từng là nhân vật ngang hàng với Stalin, tuy nhiên ông cũng đã bị hành quyết vào cuối những năm 1930.
Do đó, Khrushchev đã rất đau đầu lựa chọn người kế nhiệm. Theo ông, người kế nhiệm nhất định phải trẻ tuổi.
Theo như cách nói của ông, hiện những thành viên trong Đoàn Chủ tịch đều đã thuộc thế hệ "cha anh" và khi đã đến tuổi 60 thì không còn nghĩ tới chuyện tương lai.
Đặc biệt, người kế nhiệm này cũng phải là người am hiểu kinh tế, quốc phòng và cả ý thức hệ, quan trọng hơn phải là người “đáng tin cậy”.
Sau này, Khrushchev đã để ý tới Alexander Shelepin - ủy viên Bộ chính trị bởi ông đáng ứng đủ những tiêu chuẩn trên: Xuất thân từ Đoàn thanh niên, từng đảm nhiệm vị trí Bí thư thứ nhất Đoàn thanh niên cộng sản Liên xô trong nhiều năm.
Đặc biệt, khi ấy Shelepin đang là Ủy viên trẻ tuổi nhất trong Đoàn Chủ tịch. Sau một thời gian công tác tại trung ương, Shelepin cũng có nhiều mối quan hệ mật thiết với nhiều quan chức cấp cao.
Nhưng điểm trừ là ông không mấy am hiểu về kinh tế nên Khrushchev kiến nghị bổ nhiệm Shelepin giữ vị trí Bí thư bang Leningrad với tổ chức đảng lớn nhất và nền công nghiệp hiện đại hóa.
Tuy nhiên, trái với sự mong đợi của Khrushchev, Shelepin từ chối lệnh bổ nhiệm này vì cho rằng điều đó chẳng khác nào bị giáng chức và nghi ngờ Khrushchev "đang mượn cớ để loại bỏ" ông.
Sau này, Khrushchev còn cân nhắc tới thành viên Đoàn chủ tịch Nikolai Podgorny. Ông được đánh giá là người thông minh, có năng lực và kinh nghiệm phong phú lại am hiểu kinh tế.
Nhưng Khrushchev lại cảm giác rằng thế giới quan của Podgorny không đủ rộng bởi sau khi đã được điều về công tác tại trung ương, phương thức làm việc của Podgorny không được lòng Khrushchev.
Khrushchev tiếp tục xem xét tới trường hợp của Leonid Brezhnev. Về kinh nghiệm và tố chất Brezhnev rõ ràng là ứng cử viên sáng giá nhất từ trước tới nay.
Tuy nhiên, Khrushchev lại đắn đo khi Brezhnev “không kiên trì phương châm của bản thân, dễ bị chi phối bởi người khác và cảm xúc”.
Theo báo Trung Quốc, trong giai đoạn trước chiến tranh, Brezhnev từng là Bí thứ đảng ủy một bang trong Liên bang Xô Viết, người dân địa phương khi ấy tặng ông biệt danh là “Vũ công Ballet” bởi lập trường của ông "xoay như chong chóng".
Nhằm khảo sát, Khrushchev đã sắp xếp cho Brezhnev và Podgorny công tác tại Ban Bí thư và phân chia quyền lực cho hai “Bí thư thứ hai” này. Tuy nhiên, sau đó, kế hoạch "khảo sát" của Khrushchev đã thất bại do nhiều mâu thuẫn nảy sinh.
Báo đảng Trung Quốc cho biết, Khrushchev còn có những dự định khác nhưng chính những lần lựa chọn và bỏ qua khiến cho những người từng lọt vào "mắt xanh" của ông phải chịu nhiều khó khăn. Năm ấy, điện Kremlin lan truyền một câu nói: “ Khrushchev không hề đáng sợ, mà đáng sợ là khi ông ấy để mắt tới bạn”.
Quá chú trọng vào các chi tiết nhỏ trong tiêu chuẩn chọn người kế nhiệm khiến bất cứ khuyết điểm nào cũng đều bị phơi bày trước tấm gương lớn. Chính vì lẽ đó, Khrushchev đã đẩy những chiến hữu xưa của mình sang phái đối lập và tự tay khơi nguồn cho cuộc chính biến năm 1964, Nhân dân nhật báo bình luận.