Jean-Claude Juncker, Chủ tịch sắp ra mắt của Ủy ban châu Âu, nói rằng điều đó có vẻ vô lý khi mà châu Âu sử dụng đồng bạc xanh (USD) cho 80% nhập khẩu năng lượng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã lên tiếng chống lại chủ nghĩa bá quyền kinh tế. Liệu đồng USD hùng mạnh có duy trì được sự thống trị toàn cầu của mình khi bị tấn công từ nhiều phía?
Tại sao một số người "chán ngấy" đồng USD nhưng vẫn phải sử dụng?
Bởi vì nó rất thịnh hành. Các giao dịch với đồng USD chiếm gần 90% giao dịch ngoại hối và chiếm hai phần ba nợ quốc tế. Hầu như tất cả giao dịch quốc tế về dầu mỏ đều sử dụng USD, do đó ta mới có thuật ngữ petrodollars. Nói một cách đơn giản, hệ thống petrodollar là sự trao đổi dầu lấy USD giữa các quốc gia mua dầu và những nước sản xuất ra nó.
Sự phổ biến đó làm cho các quốc gia buộc phải chú ý đến sự biến động về giá trị của USD và ràng buộc nền kinh tế của họ với các quyết định được đưa ra ở Washington.
Vấn đề ở đây là gì?
Trừng phạt. Át chủ bài của Hoa Kỳ là các ngân hàng của nó và đồng USD, đóng vai trò trung tâm tài chính trong nền kinh tế toàn cầu.
Bất kỳ quốc gia, công ty hoặc ngân hàng nào vi phạm lệnh trừng phạt đều có thể bị chặn hoặc mất khả năng chuyển tiền đến các tài sản tại Hoa Kỳ của họ. Những hình thức trừng phạt như vậy đã đẩy Nga nhắm mục tiêu giảm quyền lực của đồng USD nhanh hơn.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã bắt đầu làm việc trên một hệ thống thanh toán cho phép các công ty của họ làm ăn với Iran mà không bị ảnh hưởng bởi USD, mặc dù tiến độ triển khai vẫn còn chậm.
Đồng USD thống trị từ bao giờ?
Đồng USD đã thống trị kể từ cuối Thế chiến II, khi các nhà lãnh đạo thế giới gặp nhau tại Bretton Woods, New Hampshire, để thiết lập một hệ thống quản lý ngoại hối và đồng ý liên kết tiền tệ của họ với đồng USD.
Việc sử dụng đồng USD có nguồn gốc một phần từ cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1998, khi các quốc gia châu Á bị ảnh hưởng vì vay quá nhiều USD và rơi vào suy thoái khi đồng nội tệ của họ lao dốc và các khoản nợ bị tăng vọt.
Sau đó khoảng một thập kỷ, châu Á tích lũy USD để xây dựng dự trữ ngoại hối. Điều đó đã phát triển một cuộc đua ngoại hối, gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Năm 2010, Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác BRIC với mục đích thiết lập trật tự thế giới mới.
Trung Quốc vài năm gần đây đang nỗ lực tập trung phát triển tuyến thương mại Vành đai và Con đường trên khắp châu Á và châu Âu với các dự án cơ sở hạ tầng được tài trợ bằng đồng CNY. Những nỗ lực đó thậm chí còn đẩy cao hơn sau khi Hoa Kỳ bắt đầu cuộc chiến thương mại.
Liệu sức ảnh hưởng của đồng USD có bị thu hẹp không?
Có lẽ là không. Khảo sát định kỳ ba năm một lần của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho thấy tỷ lệ giao dịch tiền tệ có sử dụng USD tăng nhẹ từ năm 2016 đến nay là 88%. Tỷ trọng của đồng EUR trong giao dịch toàn cầu đã tăng một điểm phần trăm lên 32% vào năm 2019.
Tỷ lệ này đối với tiền tệ của thị trường mới nổi tăng 3,5 điểm lên 24,5%, chủ yếu dựa vào đồng JPY, trong khi đồng CNY của Trung Quốc chiếm 4%, giống như năm 2016. Tỷ trọng của dự trữ ngoại hối các quốc gia bằng USD (khoảng 62%) vẫn ổn định trong thập kỷ qua, trong khi việc sử dụng đồng USD trong thanh toán toàn cầu được theo dõi bởi các tổ chức tài chính cũng đã thực sự tăng kể từ đầu thập kỷ này.
Tại sao rất khó để "thoát khỏi" đồng USD?
Quá phiền phức. Chuyển sang đồng EUR, CNY hoặc đồng RUB có nghĩa là chi phí cao hơn và khó khăn hơn trong việc tìm kiếm ngân hàng để xử lý kinh doanh.
Liệu có bất kỳ loại tiền tệ nào có thể cạnh tranh với đồng USD?
"Đồng EUR là tiền tệ duy nhất có thể có khả năng". Đó là kết luận của một báo cáo của Ủy ban châu Âu về việc tăng cường vai trò quốc tế của tiền tệ vào tháng 6/2019. Xung đột với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về thuế quan thương mại cũng như các lệnh trừng phạt đối với Iran đã thúc đẩy EU nỗ lực tìm kiếm sự độc lập tài chính lớn hơn.
Báo cáo cũng chỉ ra thấy tiềm năng để tăng tỷ lệ giao dịch hàng hóa bằng EUR. Tuy nhiên, với rất nhiều chính phủ đang bất ổn, tiến độ của các dự án lớn ở châu Âu thường có xu hướng khá chậm.
Thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney nói rằng sẽ là một sai lầm khi chuyển đổi một loại tiền tệ thống trị (trong thời điển hiện tại là USD) sang loại tiền tệ khác; ông ủng hộ việc triển khai một loại tiền kỹ thuật số toàn cầu để thay thế đồng USD.
Tại sao Nga bức xúc?
"Chúng tôi không bỏ rơi đồng USD, đồng USD đang bỏ rơi chúng tôi", ông Putin nói năm 2018.
Với các vòng trừng phạt liên tiếp của Mỹ đối với Ukraine, cáo buộc can thiệp bầu cử ở Mỹ, và mối đe dọa sắp tới thì Nga có lý do chính đáng để cố gắng di chuyển càng nhiều nền kinh tế ra khỏi tầm với của Washington càng tốt.
Năm ngoái, Ngân hàng trung ương Nga đã bán 100 tỷ USD từ nguồn dự trữ của mình và phân bổ tiền giữa EUR và CNY. Một chiến dịch để khiến các công ty chuyển đổi hợp đồng sang nội tệ cũng đang được triển khai. Đồng EUR đang trên đường vượt qua đồng USD trong giao dịch giữa Nga với EU và Trung Quốc.
Trung Quốc thì sao?
Động lực biến đồng CNY thành một loại tiền tệ toàn cầu của Trung Quốc đạt đến đỉnh cao vào năm 2015, khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF quyết định biến CNY thành đồng tiền thứ năm trong rổ tiền tệ của mình. Tuy nhiên, trọng tâm của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, đã tập trung vào sự suy yếu của đồng CNY trong sáu năm, để kiểm soát dòng vốn và giao dịch chặt chẽ hơn.
Tiền gửi CNY ra nước ngoài đang giảm 33% so với năm 2015.
Có ai thách thức đồng đô la không?
Ông Putin đã nói trong một cuộc họp với Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 6 rằng việc sử dụng đồng USD làm công cụ gây áp lực sẽ làm suy yếu vai trò của nó trong dự trữ ngoại hối toàn cầu.
Mục tiêu của Trung Quốc là biến đồng CNY thành một loại tiền tệ tự do chuyển đổi, không bị giới hạn của chính phủ, để nuôi dưỡng hoạt động kinh tế thực sự thông qua các khoản vay cho sáng kiến Vành đai và Con đường. Còn Nga sẽ thanh toán các hợp đồng năng lượng bằng EUR và hợp đồng quốc phòng bằng đồng RUB.
Đồng USD có thể thắng thế ở London, New York và Tokyo, nhưng nó đang mất vị thế trong các giao dịch ở Moscow, Delhi và Bắc Kinh.