Điều này đã khơi dậy nhiều nghi vấn xoay quanh các phương pháp lấy ý kiến, đưa ra giả định và mô hình toán học hiện hành.
Trong hàng tháng trời, vô số kết quả khảo sát khẳng định Hillary Clinton sẽ dẫn đầu cuộc đua tại nhiều bang chiến trường.
Các kết quả thăm dò cho rằng Clinton luôn dẫn trước gồm có Bloomberg Politics, CBS News, Fox News, Reuters/Ipsos, USA TODAY/Suffolk, Quinnipiac, Monmouth, Economist/YouGov và NBC News/SM, theo thông tin đến từ RealClearPolitics.
Trong khi đó, kết quả thăm dò ý kiến của tờ Los Angeles Times kết hợp với ĐH Nam California (USC) luôn luôn khẳng định Trump sẽ là ông chủ mới của Nhà Trắng. Kết quả này không hề thay đổi trong suốt những tháng vận động cuối cùng - và phải đối mặt với sự chế giễu của nhiều chuyên gia chính trị.
Trong số 67 kết quả khảo sát quốc gia tiến hành giữa 4 bên (Clinton, Trump và 2 ứng cử viên đảng nhỏ) từ tháng Mười, chỉ có 4 kết quả cho thấy Trump sẽ dẫn trước. Trong số 61 kết quả khảo sát giữa 2 bên (Clinton và Trump), chỉ có 6 kết quả khẳng định Trump vượt Clinton. Và cả 6 kết quả đó đều thuộc về Los Angeles Times/USC.
Nhưng khi kết quả bỏ phiếu chính thức cho thấy Trump vượt lên dẫn trước một cách ấn tượng tại nhiều bang khắp nước Mỹ, người hâm mộ Clinton và cả các cơ quan khảo sát uy tín đã bị sốc.
Ngay cả trong trường hợp nếu Clinton giành chiến thắng, kết quả chung cuộc vẫn cho thấy công chúng đã đánh giá quá thấp số lượng cử tri giấu mặt ủng hộ Trump - những người đổ dồn về hòm phiếu trong ngày bầu cử, nhưng lại biệt tăm biệt tích trên các radar theo dõi của cơ quan khảo sát.
Chỉ có một đơn vị khảo sát đi ngược lại dư luận suốt thời gian qua, đó là Los Angeles Times/USC.
Arie Kapteyn, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế & Xã hội Dornsife thuộc USC cho hay, nhiều cử tri tỏ ra ngại ngùng khi phải trả lời rằng họ ủng hộ Trump. Nhưng bài thăm dò đã được Los Angeles Times và USC thực hiện trên một nhóm cử tri ngẫu nhiên.
"Có ý kiến cho rằng người ủng hộ Clinton sẽ tự tin thừa nhận mình theo Clinton hơn, còn những người ủng hộ Trump có phần ngại ngùng khi phải công khai rằng họ thích Trump," ông Kapteyn trả lời một cuộc phỏng vấn đêm thứ Ba tuần trước (01/11).
Kapteyn cũng cho rằng, nhiều cơ quan khảo sát đã phạm sai lầm khi cho rằng những người không bỏ phiếu năm 2012 cũng sẽ không đi bỏ phiếu năm 2016.
"Nhưng những người không bỏ phiếu năm 2012 nhiều khả năng là người ủng hộ Trump", ông Kapteyn cho hay. Ông cũng nhấn mạnh rằng khảo sát của Los Angeles Times/USC tập trung vào câu hỏi liệu cử tri có dự định bỏ phiếu hay không.
"Nếu loại bỏ những người không bỏ phiếu kỳ bầu cử trước, thì có khả năng họ đã bỏ qua quá nhiều người ủng hộ Trump."
Nhưng giáo sư Michael Traugott thuộc Trung tâm Chính trị học thuộc ĐH Michigan nhận định rằng, ông không nghĩ sự khác biệt giữa khảo sát trên internet và khảo sát qua điện thoại lại là lý do đằng sau tình trạng sai lệch nghiêm trọng này.
Ngay trước nửa đêm thứ Hai (08/11) giờ Mỹ, giáo sư Traugott ước tính rằng, số lượng cử tri đi bỏ phiếu sẽ rơi vào khoảng 130 triệu người, ít hơn dự tính trước đó là 135 triệu.
"Nếu con số khác biệt 5 triệu người có nhiều người ủng hộ đảng Dân chủ, thì rõ ràng Clinton gặp bất lợi," ông Traugott cho biết.
"Có thể tồn tại yếu tố khả nghi là các cơ quan đã không tiến hành thăm dò sát giờ bầu cử," ông nhấn mạnh.