Tại sao nhiều người lạ trông giống nhau?

Nguyễn Minh |

Trên thế giới, nhiều cặp đôi giống nhau dù không phải anh em ruột hay họ hàng.

Những cặp đôi song trùng không chỉ tình cờ giống nhau về mặt ngoại hình mà họ cùng chia sẻ những gen tương đồng, dù không có bất kỳ mối liên hệ huyết thống nào. Nhiều người trong số họ cũng có chung thói quen, sở thích.

Thỉnh thoảng, khi đang đi ngoài đường, anh Charlie Chasen, sống tại thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ, sẽ bị người ngoài nhận nhầm với một người đàn ông khác tên là Michael Malone.

Vì bị nhầm lẫn quá nhiều, hai người bắt đầu tìm hiểu về đối phương và trở thành bạn bè thân thiết. Điều đáng chú ý, dù sinh sống tại thành phố Atlanta, cả Charlie và Michael đều không có quan hệ họ hàng, không phải anh em. Tổ tiên của họ thậm chí cũng không sinh sống gần nhau. Gia đình Charlie đến từ Scotland và Cộng hòa Litva còn gia đình Michael đến từ Bahamas và Cộng hòa Dominica.

Tuy nhiên, hai người trông rất giống nhau, đến mức bạn bè của cả hai vẫn thi thoảng nhầm lẫn. Họ cùng sở hữu mái tóc màu nâu, bộ râu quai nón và cùng đeo kính. Cấu trúc của mũi, xương gò má và cấu tạo đôi môi cũng tương tự.

Charlie và Michael giống nhau đến mức ngay cả phần mềm nhận dạng khuôn mặt cũng gặp khó khăn khi phân biệt họ.

“Trước khi quen biết nhau, hai chúng tôi khá bối rối vì bị người khác nhận nhầm là đối phương. Nhưng khi gặp nhau, chúng tôi thấy bất ngờ và rất vui. Bây giờ, mọi người vẫn nhận nhầm nhưng chúng tôi coi đó là niềm vui đặc biệt”, anh Charlie bày tỏ.

Trên thế giới, nhiều cặp đôi giống nhau dù không phải anh em ruột hay họ hàng như Charlie và Michael. Họ được gọi là doppelgänger (tiếng Đức là người song trùng), nghĩa là những người còn sống và trông giống nhau, không có liên hệ với nhau trên khắp thế giới.

Các nhà khoa học từ lâu đã đặt câu hỏi tại sao những người song trùng lại trông giống nhau như thể những cặp sinh đôi. Rằng đó chỉ đơn giản là sự trùng hợp của tạo hóa hay bí ẩn về sự tiến hóa và di truyền.

Để tìm câu trả lời cho những thắc mắc trên, nhóm các nhà khoa học tại Tây Ban Nha do TS Manel Esteller, Giám đốc Viện Nghiên cứu bệnh bạch cầu Josep Carreras đã thực hiện nghiên cứu dựa trên 32 người song trùng.

Kết quả cho thấy, hai người có gương mặt rất giống nhau nhiều khả năng chia sẻ các gen chung và các hành vi, thói quen tương tự nhau. Nhưng những gen này có thể bật hoặc tắt và hệ sinh thái vi khuẩn trong cơ thể họ vẫn khác biệt. Nghiên cứu được nhóm các nhà khoa học công bố vào cuối tháng 8 trên tạp chí khoa học Cell Reports.

TS Manel và các cộng sự đã mời 32 cặp người song trùng, còn gọi là cặp “song sinh ảo” tham gia nghiên cứu. Họ là những người giống nhau, chưa từng gặp gỡ ngoài đời thực và tham gia dự án ảnh nghệ thuật của nghệ sĩ kiêm nhiếp ảnh gia Canada Francois Brunelle, người chuyên thu thập ảnh chụp những người giống nhau từ năm 1999.

Hành vi ảnh hưởng bởi gen

Tại sao nhiều người lạ trông giống nhau? - Ảnh 1.

Michael Malone và Charlie Chasen thường hay bị bạn bè nhận nhầm khi đi ngoài đường.

Trong nghiên cứu, 32 cặp đôi giống nhau trả lời bảng hỏi về lối sống và sinh trắc bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Các nhà nghiên cứu sử dụng 3 thuật toán nhận dạng gương mặt khác nhau để chấm điểm sự giống nhau của mỗi cặp. Một nửa trong số họ (16 cặp) được xác định là người song trùng bằng cả 3 thuật toán. Số còn lại có thể trông giống nhau trong mắt mọi người nhưng thuật toán vẫn có thể phân biệt được.

Từ 16 cặp đôi có mức độ tương đồng cao, nhóm nghiên cứu bắt đầu phân tích ADN để tìm hiểu cấu trúc gen của họ. Phân tích cho thấy, 9 trên 16 cặp là những người “cực kỳ” giống nhau. Điều này có nghĩa họ không chỉ trông giống như họ hàng gần, mà còn chia sẻ 19.277 biến dị di truyền phổ biến (gọi là đa hình nucleotide đơn – SNP) ở 3.730 gen.

Những gen tương đồng nằm chủ yếu ở cấu trúc mũi, mắt, miệng, môi và thậm chí là cấu trúc xương. Điều thú vị là dù gen tương đồng khá lớn, chúng có thể chỉ là tình cờ ngẫu nhiên. Nhưng từ đó, nghiên cứu cũng cho thấy sự bí ẩn và vô hạn của gen người.

Tuy nhiên, các cặp song trùng không giống nhau về đặc điểm di truyền học biểu sinh hoặc hệ vi sinh vật. Điều này đồng nghĩa về hệ sinh thái vi sinh vật trong cơ thể, họ hoàn toàn khác nhau như những người xa lạ ngoài đời thực.

Đáng chú ý, nhiều cặp song trùng trong nhóm này không chỉ có hệ gen tương đồng, mà còn có thói quen giống như hút thuốc, trình độ giáo dục và cân nặng tương tự nhau. Điều này cũng chỉ ra hành vi có thể bị ảnh hưởng sâu sắc bởi gen.

“Những phát hiện này không chỉ là manh mối về thiết lập gen liên quan tới gương mặt, mà còn có thể ảnh hưởng tới các đặc điểm khác trên cơ thể và tính cách con người. Gen có thể xác định chúng ta là ai hay là người như thế nào”, báo cáo của nhóm nghiên cứu có đoạn.

Nghiên cứu có thể tiếp tục ứng dụng trong các lĩnh vực như tiến hóa, y sinh và pháp y. Kết quả nghiên cứu có nhiều ý nghĩa với pháp y như phục dựng gương mặt tội phạm từ ADN và chẩn đoán di truyền. Ảnh chụp gương mặt của bệnh nhân sẽ hé lộ hệ gen của người đó.

Tuy nhiên, nghiên cứu của TS Manel và các cộng sự vẫn còn nhiều hạn chế. Đầu tiên, phạm vi nghiên cứu và số lượng mẫu nghiên cứu tương đối hạn hẹp nên khó có thể khẳng định kết quả nghiên cứu sẽ phù hợp với một nhóm người giống nhau lớn hơn hai. Các nhà nghiên cứu cũng nhận định kết quả có thể thay đổi trong một nhóm người song trùng lớn hơn.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng tập trung phần lớn vào các cặp song trùng có nguồn gốc từ châu Âu. Vì vậy chưa rõ liệu kết quả có đúng với những người đến từ nơi khác trên thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại