Tại sao NATO vẫn ‘bỏ rơi’ Ukraine?

Thanh Bình |

Giấc mơ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Ukraine rõ ràng không thể trở thành hiện thực ít nhất là trong tương lai gần.

Theo các nguồn tin của AP, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói với chính quyền Kiev rằng, nước này khó có thể gia nhập NATO trong 10 năm tới. Đồng thời, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng tuyên bố dứt khoát, Lầu Năm Góc sẽ không chiến đấu vì Ukraine.

Tại sao NATO vẫn ‘bỏ rơi’ Ukraine? - Ảnh 1.

Nga yêu cầu Ukraine tuân thủ nghiêm túc thoả thuận Minsk và cảnh báo sẽ hành động cứng rắn nếu Kiev tấn công phe ly khai miền Đông. (Ảnh: AP)

Kỳ vọng quá lớn

Tại Ukraine, kết quả của các cuộc hội đàm giữa các Tổng thống Nga và Mỹ đã được chờ đợi trong “hơi thở hỗn loạn”. Vào đêm trước cuộc gặp trực tuyến của hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ, các nhà phân tích đã đưa ra dự báo rằng, “ông Biden sẽ định hình lại ông Putin và buộc Nga phải rút quân khỏi biên giới”.

Các chuyên gia tin tưởng trước sự chuẩn bị mạnh mẽ được thực hiện bởi các chính trị gia phương Tây. Vì vào đầu tháng 12, Tổng thống Biden nói, ông từ chối công nhận bất kỳ “lằn ranh đỏ” nào trong tình hình ở Ukraine. Và nếu Moscow quyết định “làm căng” thì phương Tây sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có, bao gồm cả việc ngắt kết nối với SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu).

“Gió đổi chiều”

Tuy nhiên, thực tế nhanh chóng được phơi bày. Hồi chuông đầu tiên vang lên khi các lệnh trừng phạt đối với Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) và khoản nợ quốc gia của Nga được loại bỏ khỏi dự thảo ngân sách quốc phòng Mỹ cho năm tài khóa 2022.

Hơn nữa, lần đầu tiên Washington chính thức tuyên bố sẽ không sử dụng các lực lượng vũ trang để bảo vệ Ukraine. Nhưng ở Kiev, sự hỗ trợ trực tiếp của phương Tây trong trường hợp xảy ra “xung đột” với Nga được coi là một tiền đề và thậm chí còn được đưa vào trong chiến lược quân sự mới được thông qua vào tháng Ba.

Theo giới chuyên gia, trước tiên Washington sẽ buộc Ukraine tuân thủ các thỏa thuận Minsk. Một trong những yêu cầu chính là Kiev nên cung cấp cho vùng Đông Nam của nước này nhiều quyền tự chủ hơn và đàm phán với lãnh đạo của hai nước cộng hòa tự xưng Donesk (DPR) và Lugansk (LPR). Đây là một trong những điều kiện quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh Normandy mà phía Ukraine công khai bỏ qua.

Tổng thống Biden “không thể làm gì khác”

Chuyên gia nghiên cứu về Mỹ Sergei Sudakov cho biết: “Tôi phải thừa nhận rằng trước cuộc nói chuyện của ông Putin với ông Biden, những luận điệu từ phương Tây là cực kỳ hiếu chiến. Brussels cho thấy Moscow không có quyền yêu cầu NATO không chấp nhận bất kỳ ai tham gia liên minh. Thậm chí, Thượng nghị sĩ Roger Wicker còn đề xuất tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân vào Nga nếu chúng tôi ‘động binh’ với Ukraine”.

Ông Sudakov tin rằng, cuối cùng Tổng thống Biden đã “không thể làm gì khác” với các đồng nghiệp Nga, ông chỉ đe dọa bằng các biện pháp trừng phạt và tìm các phương án đối phó khác.

Tại sao NATO vẫn ‘bỏ rơi’ Ukraine? - Ảnh 2.

Tổng thống Joe Biden cho biết, Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ các nước đồng minh NATO nếu họ bị tấn công, nhưng điều này không áp dụng với Ukraine. (Ảnh: AP)


Theo nhà khoa học chính trị Ukraine Kost Bondarenko: “Ukraine sẽ không bao giờ trở thành thành viên NATO, sau 10 năm hay sau 50 năm cũng không và sau một thập kỷ, có lẽ bản thân sự tồn tại của liên minh cũng bị đặt dưới dấu hỏi”.

“Trước hết, mọi quyết định trong NATO được thực hiện bởi sự đồng thuận. Và liên minh tồn tại càng lâu thì càng khó đạt được sự đồng thuận. Thứ hai, một bộ phận đáng kể các nước NATO sẽ không muốn trêu chọc Nga bằng cách đưa Ukraine vào liên minh. Việc đưa Ukraine vào liên minh gần như đồng nghĩa với một sự tuyên chiến”, ông Bondarenko nói.

Ukraine không “hài lòng” với Mỹ

Kiev rõ ràng không “hài lòng” với tuyên bố của Tổng thống Biden rằng, các quan chức Mỹ và các đồng minh chủ chốt của NATO sẽ sớm gặp một phái đoàn Nga để thảo luận về các tuyên bố và mối quan tâm của hai bên.

Sau đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba tuyên bố một cách hào hoa, “không có cuộc đàm phán nào về Ukraine có thể thực hiện được nếu không có nước này”.

Tuy nhiên, sau cuộc hội đàm với Tổng thống Putin, ông Biden đã không gọi cho ông Zelensky cho đến vài ngày sau. Mặc dù Kiev không nghi ngờ cuộc điện đàm sẽ diễn ra ngay sau cuộc gặp của hai tổng thống.

Theo đó, phản ứng khá kiềm chế và mang tính xây dựng của Nhà Trắng đối với kết quả của các cuộc đàm phán đã gây ra sự hoảng loạn không chỉ ở Kiev, mà còn có một số đồng minh khác của Washington.

Đặc biệt, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội Estonia Marko Mihkelson đã gọi ý tưởng của ông Biden về một cuộc họp cấp cao của các quốc gia hàng đầu trong liên minh với Nga là “một bất ngờ khó chịu”.

Ông Mihkelson kêu gọi các quốc gia khác ở sườn phía đông của NATO lên tiếng để hội nghị thượng đỉnh này không thể diễn ra. Tuy nhiên, thực tế hiếm ai ở Brussels quan tâm đến ý kiến ​​của ông Mihkelson.

Còn Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Litva Arvydas Anusauskas tuyên bố đầy tiếc nuối: “Khi bảo vệ chủ quyền, Ukraine chỉ có thể dựa vào chính mình”.

Trong khi đó, Kiev đang cố gắng giữ “bộ mặt tốt trong một trận đấu tồi tệ”. Mới đây, các bức ảnh về binh sĩ Ukraine ở Donbass được trang bị hệ thống tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ đã xuất hiện trên mạng xã hội. Đây là bằng chứng đầu tiên về sự hiện diện của các tên lửa chống tăng ở tiền tuyến. Các nhà chức trách Ukraine rõ ràng đang cố gắng “thể hiện cơ bắp” với cộng đồng thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại