Rắn là một trong những loài vật sở hữu nọc độc cực kỳ nguy hiểm, vốn có thể giết chết con mồi trong khoảng thời gian cực ngắn nếu dính phải độc. Tuy nhiên, không ít người đã đặt ra một câu hỏi khá thú vị: Vì sao một số loài rắn không trúng độc của chính mình?
Câu hỏi này mới đây cuối cùng đã có đáp án, khi một nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu tại tại Đại học Queensland (Australia) đã hé lộ cách một số loài rắn độc ngăn chất độc của bản thân tác động đến hệ thần kinh.
Về cơ bản, các loại động vật có nọc độc mạnh như rắn phải phát triển khả năng miễn dịch để tránh tự trúng độc. Chẳng hạn, một số loài rắn thường tự chặn cơ quan cảm nhận của cơ thể - vốn có thể coi giống như việc đặt một thanh chắn ở lối vào để ngăn các phân tử độc "xâm nhập".
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của Đại học Queensland đã tìm thêm một cách kháng độc cực kỳ độc đáo khác của rắn: Sử dụng điện tích.
Một số loài rắn độc sở hữu cơ chế kháng độc cực kỳ độc đáo, ngăn chất độc của bản thân tác động đến hệ thần kinh.
Cụ thể, nhóm chất độc thần kinh alpha của một số loại rắn có chứa amino axit điện tích dương. Bản thân loại chất độc này cực kỳ ‘công hiệu’ với đại đa số động vật. Do phần cơ quan cảm nhận của các loại động vật này có chứa điện tích âm rất mạnh, nọc độc mang điện tích dương sẽ nhanh chóng xâm nhập vào hệ thần kinh, khiến con mồi bị hạ gục chỉ một thời gian ngắn sau khi bị rắn cắn trúng.
Đáng chú ý, với riêng rắn, loài động vật này đã tiến hóa để thay đổi điện tích cơ quan cảm nhận của mình từ âm sang dương. Theo nhóm nghiên cứu, việc nọc độc và cơ quan cảm nhận của rắn có cùng điện tích dương vô hình trung giúp rắn không bao giờ rơi vào cảnh bị nhiễm độc.
"Giống như khi chúng ta ghép hai cực cùng dấu của nam châm vậy, hai thứ đều mang điện tích dương khi kết nối với nhau sẽ vô tác dụng. Nếu không kết nối được với cơ quan cảm nhận, chất độc sẽ không thể tác động đến hệ thần kinh", nhóm nghiên cứu giải tích.
"Từ lâu, chúng ta đã biết rằng một số loài - như cầy mangut - có khả năng kháng nọc rắn thông qua một đột biến ngăn chặn chất độc thần kinh, nhưng đây là lần đầu tiên hiệu ứng giống như nam châm đã được quan sát.", nhóm nghiên cứu cho biết.
"Cơ chế này cũng đã tiến hóa ở chính các loài rắn độc để có thể kháng lại chất độc thần kinh của chúng".
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện cơ chế kháng độc bằng cách đổi điện tích này đã tiến hóa ít nhất 10 lần ở nhiều loại rắn khác nhau. Đặc biệt, cơ chế này hay xuất hiện ở những loài rắn có nguy cơ bị tấn công bởi những loài rắn độc ‘đồng loại’ khác, vốn có khả năng mồi bằng chất độc thần kinh alpha.
Trăn Miến Điện có khả năng kháng chất độc thần kinh cực kỳ hiệu quả.
Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trăn Miến Điện – vốn di chuyển chậm và dễ bị rắn hổ mang săn mồi - có khả năng kháng chất độc thần kinh cực kỳ hiệu quả. Tương tự, rắn chuột chũi Nam Phi, một loài rắn di chuyển chậm chạp khác dễ bị rắn hổ mang cắn, cũng có khả năng kháng độc cực kỳ cao.
Trong khi đó, những loài rắn không sinh sống cùng khu vực với các loài rắn độc lại không có khả năng nói trên.
"Những con trăn châu Á sống trên cây khi còn nhỏ, hay loại trăn Úc không sống cùng với loài rắn độc không có khả năng kháng độc", nhóm nghiên cứu giải thích.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Royal Society B.
Tham khảo IFL Science