Trạm kiểm soát không lưu (ATC) ra đời nhằm đảm bảo tất cả máy bay trong quá trình cất cánh, hạ cánh hoặc thậm chí bay ngang qua sân bay của họ không bay quá gần hoặc cản trở các máy bay khác đang bay trong cùng không phận. Trong khi đó, máy bay quân sự có sự khác biệt lớn khi thường bay sát nhau trong đội hình bay và chúng không cần giữ khoảng cách với máy bay cùng loại.
Nhiệm vụ của nhân viên trạm kiểm soát không lưu hết sức quan trọng, chỉ cần một quyết định sai sẽ dẫn đến một thảm họa hàng không thảm khốc. Vì thế, các máy bay thương mại cần phải tuân theo qui trình phân cách theo phương thẳng đứng và phương ngang.
Phân cách trong an toàn bay
Trong lĩnh vực hàng không, thuật ngữ "phân cách" được sử dụng để chỉ khái niệm việc giữ khoảng cách tối thiểu giữa các máy bay với nhau. Lý do cơ bản đằng sau điều này là để các máy bay không bay gần nhau và tránh tai nạn do các yếu tố khách quan như nhiễu động không khí.
Tại Mỹ, các hướng dẫn phân cách máy bay thông thường tuân theo quy tắc bay bằng thiết bị (IFR) được định nghĩa trong qui định của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA).
Như vậy, 2 máy bay cần phải duy trì ít nhất 1000 feet (khoảng 305 m) theo phương thẳng đứng hoặc 3 dặm (khoảng 5000 m) theo phương ngang. Các con số này sẽ tăng dần theo kích cỡ của máy bay.
Khoảng cách an toàn giữa các máy bay
Điều thú vị là không phải mọi máy bay đều cần được phân cách bởi trạm kiểm soát không lưu vì còn phụ thuộc vào vùng không phận mà chúng đang bay và các quy tắc bay được tuân theo bởi các phi công.
Các quy tắc bay mà các máy bay tuân theo bao gồm quy tắc bay bằng mắt (VFR), quy tắc bay bằng mắt đặc biệt (SVFR) và quy tắc bay bằng thiết bị (IFR). Các máy bay thương mại hầu như tuân theo IFR.
Tại sao máy bay thương mại cần phân cách?
Các máy bay thương mại thường chở hàng trăm hành khách (trái ngược với máy bay quân sự, chỉ chở theo khá ít người) và tuân theo sự điều phối của giám sát viên trạm kiểm soát không lưu trong vùng không phận đó. Bằng cách duy trì một không gian thích hợp, những chiếc máy bay sẽ không bao giờ nằm trên cùng một đường bay và điều này giúp giảm thiểu nguy cơ va chạm.
Nhiễu động không khí cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc phải phân cách giữa các máy bay thương mại. Khi máy bay lớn đang bay thì đôi cánh của chúng sẽ giúp nâng áp lực đẩy lên độ cao mong muốn và tạo nên vùng không khí nhiễu động.
Những sự cố liên quan nhiễu động không khí thường khiến máy bay bị rơi tự do. Nếu 2 máy bay thương mại bay quá gần nhau sẽ có nguy cơ vướng vào vùng nhiễu động không khí do máy bay lớn hơn tạo ra, dẫn đến việc mất điều khiển hoàn toàn đối với máy bay còn lại.
Ảnh thực tế về nhiễu động không khí
Các máy bay chở khách cũng ít cơ động hơn so với máy bay quân sự và phi công ít có khả năng được huấn luyện trong việc bay theo đội hình. Tóm lại, hoàn toàn không có lý do để các máy bay thương mại bay gần nhau.
Tại sao máy bay quân sự lại bay sát nhau được?
Chiến đấu cơ cũng cần có phân cách tối thiểu từ các máy bay cùng loại khác nhưng chúng khá dễ dàng trong việc bay cạnh nhau trong đội hình bay chặt chẽ. Có một vài lý do giải thích điều này.
Máy bay quân sự có sự cơ động cao, chúng có thể thực hiện những cú lượn vòng thần tốc và nâng hoặc hạ thân mình chỉ trong tích tắc. Như đã nói trước đó, việc phân cách giữa các máy bay nhằm đảm bảo an toàn không chỉ đề phòng nhiễu động không khí mà còn trong các cuộc diễn tập hoặc sự cố bất ngờ.
Phi công chiến đấu cơ được nói chuyện trực tiếp với các phi công khác trong đội bay dựa vào sóng radio vô tuyến trong hầu hết thời gian, họ biết đồng nghiệp của mình dự tính làm gì và có thể chuẩn bị sẵn sàng trước đó.
Một màn trình diễn đội hình bay của các chiến đấu cơ
Trước khi bắt đầu bay thực tế, mỗi phi công trong đội bay sẽ được phổ biến về kế hoạch bay, cách thực hiện nhiệm vụ và hình thành đội hình bay.
Vì vậy, có rất ít tình huống xảy ra một cách bất ngờ và không lường trước khi điều khiển máy bay chiến đấu. Đó là lý do tại sao các phi công quân sự có thể giảm thiểu nguy cơ thương vong trong quá trình bay vì mọi thứ đều được lên kế hoạch và chuẩn bị trước.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, các phi công quân sự được huấn luyện gắt gao về việc bay theo đội hình. Họ dành hàng giờ để học về cách triển khai đội hình bay và sau đó thực hành trong điều kiện thực tế từ những gì được học. Phần lớn các phi công thương mại không được huấn luyện và đào tạo để bay gần với các máy bay thương mại khác.
Theo Science ABC