Tại sao LG chuyển sản xuất điện thoại thông minh về Việt Nam?

Tùng Linh |

Có một số lý do khiến LG đưa việc sản xuất điện thoại thông minh sang Việt Nam nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn là làm sao để mảng smartphone của hãng có lãi trở lại.

LG Electronic đã xác nhận việc sẽ ngừng sản xuất smartphone ở Hàn Quốc và đưa việc sản xuất này sang Việt nam. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh điện thoại LG đang mất dần thị phần, chịu sự cạnh tranh gắt gao từ Samsung và các đối thủ Trung Quốc trong mọi phân khúc.

Như vậy nhà máy sản xuất điện thoại ở Pyeongtaek, ngoại ô Seoul sẽ được chuyển sang Hải Phòng. Nikkei Asian Review cho rằng nếu chuyển sản xuất như vậy sẽ cải thiện phần nào tình hình thua lỗ của mảng sản xuất điện thoại thông minh của LG.

Hiện nay nhà máy tại Pyeongtaek đang có công suất 5 triệu máy mỗi năm nhưng nếu sản xuất ở Hải Phòng, công suất sản xuất sẽ lên tới 11 triệu máy. 750 công nhân của LG đang làm việc tại nhà máy ở Pyeongtaek sẽ được chuyển sang làm việc ở nhà máy sản xuất đồ gia dụng.

Ngoài ra việc sản xuất smartphone cũng đang được duy trì ở Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.

Trong năm 2018, LG đã bán được 40 triệu smartphone trên toàn cầu, chiếm gần 3% thị phần. Tuy nhiên mảng smartphone vẫn báo cáo lỗ.

Thị trường smartphone toàn cầu hiện nay đang có dấu hiệu trững lại. Các nhà sản xuất diện thoại không còn tạo ra sự đột phá lớn trong sản phẩm. Công ty nghiên cứu International Data Corp đưa ra dự đoán năm nay số lượng máy điện thoại bán ra trên toàn cầu sẽ tiếp tục giảm.

Số lượng máy bán ra của LG cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi xu hướng này. Ngoài ra Hàn Quốc còn là quê hương của Samsung, nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới.

Thông kê cho thấy vào năm 2008, các nhà sản xuất điện thoại tại Hàn Quốc đã tạo ra 11% số điện thoại thông minh trên toàn cầu. Nhưng khủng hoảng tài chính sau đó đã buộc các thương hiệu lớn phải đưa hoạt động sản xuất của mình ra nước ngoài. Đến nay Hàn Quốc chỉ sản xuất chưa tới 1% số điện thoại thông minh trên toàn cầu.

Theo báo chí Hàn Quốc, lý do mấu chốt của việc chuyển sản xuất này chính là để giảm chi phí lương. Mức lương tối thiểu cho sản xuất smartphone tại Việt Nam chỉ bằng một phần tám Hàn Quốc.

Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Đến nay Việt Nam đã trở thành thị trường xấu khẩu lớn thứ ba của Hàn Quốc sau Trung Quốc và Mỹ. Lý do là các công ty Hàn Quốc cần đưa hàng hóa bán thành phẩm sang Việt Nam để hoàn thiện.

Nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, CJ và LG đều có những dây truyền sản xuất ở Việt Nam. Những dây truyền này giúp các tập đoàn giảm được chi phí sản xuất, đồng thời chủ động được sản phẩm cung cấp cho chính thị trường Việt Nam với nhu cầu ngày một tăng.

Theo ông Lee Tae-Joo, chủ tịch viện Phát triển Cải cách Hàn Quốc cho rằng: “Hầu hết các nước ASEAN đều chịu ảnh hưởng của Nhật Bản nhưng Việt Nam lại là một ngoại lệ. Họ có mối quan hệ rất chặt chẽ với Hàn Quốc”.

Còn các nhà đầu tư của LG lúc này đang có phản ứng khá tích cực với quyết định chuyển sản xuất. Cổ phiếu của LG đã tăng 4,48% trong phiên giao dịch mà chỉ số Kospi giảm điểm.

Nhà phân tích Kim Ro-Ko tại Hana Financial Investment cho rằng: “Việc chuyển dây chuyển tại Hàn Quốc sang Việt Nam để giảm chi phí sản xuất sẽ giúp mảng này có thể có lãi trở lại trong 3 hoặc 4 năm tới. Điều này giống với những gì mà Samsung Electronics đã làm”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại