"Tại sao hộ chiếu Việt Nam lại chỉ được miễn Visa 51 nước?" và người phụ nữ muốn "sản xuất" nhiều công dân toàn cầu

Thu Hường |

"Với tấm hộ chiếu màu xanh của Việt Nam, tôi đã gặp nhiều bất lợi khi ra thế giới. Nhưng tôi tin rằng việc người Việt Nam mới chỉ đi được ít quốc gia mà không cần xin thị thực cũng là động lực lớn để mọi người tìm kiếm cơ hội vươn mình ra toàn cầu nhiều hơn", Hồ Thu Hương, người từng đi qua 40 nước, đặt chân đến 5 châu lục và làm việc tại 3 châu lục, chia sẻ.

Theo số liệu của Hãng tư vấn đầu tư và định cư Henley & Partners, dựa trên cơ sở dữ liệu của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) công bố hồi tháng 11 vừa qua, hộ chiếu Việt Nam đứng hàng thứ 90/107 trên bảng xếp hạng quyền lực hộ chiếu, sau cả Campuchia.

Với tấm hộ chiếu Việt Nam, người dân chỉ đi được 51 quốc gia không cần xin thị thực. Trong khi đó, người Singapore có thể đi lại gần như khắp cả thế giới (190 nước) không cần xin thị thực. Với Hàn Quốc, con số này là 188.

"Tôi tin rằng số người tốt luôn nhiều hơn người xấu. Nhưng cái xấu dễ để lại ấn tượng lâu dài và nhiều nước khắt khe việc xin thị thực của người Việt vì một số thành phần làm xấu hình ảnh người Việt ở nước ngoài", nữ tác giả Hồ Thu Hương chia sẻ. Đây cũng là lý do cô muốn góp sức, tạo cơ hội cho người Việt Nam bước ra thế giới càng nhiều càng tốt, hình thành nên cộng đồng công dân toàn cầu, giúp nâng cao vị thế và hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Tại sao hộ chiếu Việt Nam lại chỉ được miễn Visa 51 nước? và người phụ nữ muốn sản xuất nhiều công dân toàn cầu - Ảnh 1.
Tại sao hộ chiếu Việt Nam lại chỉ được miễn Visa 51 nước? và người phụ nữ muốn sản xuất nhiều công dân toàn cầu - Ảnh 2.

Bắt đầu từ khi nào chị đặt cho mình mục tiêu trở thành một công dân toàn cầu?

Hồ Thu Hương: Với tôi, công dân toàn cầu (global citizen) không phải là mục tiêu mà là kết quả của một chặng đường rất dài. Tôi luôn nỗ lực cải thiện bản thân và không ngừng vươn ra thế giới để học hỏi.

Từ năm lên 10 tuổi, khi khái niệm công dân toàn cầu chưa được phổ biến, tôi đã khát khao được khám phá khắp năm châu. Lúc đó, tôi mới chỉ là cô bé "chân ướt chân ráo" di cư từ Hà Nội sang Cộng hòa Séc. Ở đó, tôi không biết tiếng bản địa, phải học lại hai năm cùng các bạn nhỏ tuổi hơn. Cuộc sống của tôi những năm đầu khá khó khăn vì bị sốc văn hóa và chịu đựng sự kỳ thị.

Nhưng chính ở nơi này, tôi đã gặp những người đến từ khắp nơi trên thế giới và cảm nhận ở họ thật nhiều sự đa dạng, khác biệt. Cũng chính vì thế, tôi luôn muốn hội nhập vào đất nước bản địa, học hỏi cách sống và cách suy nghĩ của họ để tiếp thu những cái mới, hoàn thiện bản thân.

Tại sao hộ chiếu Việt Nam lại chỉ được miễn Visa 51 nước? và người phụ nữ muốn sản xuất nhiều công dân toàn cầu - Ảnh 3.

Tôi có một thắc mắc: Chị luôn khao khát di chuyển. Vậy chị có từng xin quốc tịch Séc để được đi 180 quốc gia trên thế giới miễn thị thực?

Hồ Thu Hương: Tôi đã từng xin quốc tịch Séc hai lần không thành công, mặc dù tôi đã sống ở đó từ nhỏ. Điều trớ trêu là tôi nhận được quốc tịch Séc khi đã rời khỏi đất nước này nên tất cả mọi cơ hội tôi nhận được từ bé đến khi chuyển sang Hoa Kỳ sinh sống đều là với quốc tịch Việt Nam.

Đúng là người Séc hiện tại có thể đi tới nhiều nước không cần xin thị thực. Nhưng tôi cũng đã nhận ra điều này: nhiều người Séc (và người dân ở các quốc gia phát triển nói chung), vì có quá nhiều cơ hội xách ba lô đi chu du thế giới một cách dễ dàng và có nhiều cơ hội du học, làm việc ở nước ngoài nên dường như họ không nỗ lực nhiều.

Trong khi đó, với tấm hộ chiếu xanh của Việt Nam, tôi gặp nhiều bất lợi hơn các bạn châu Âu vì phải trải qua nhiều thử thách hơn. Nhưng chính vì thế nên tôi luôn có động lực lớn để cố gắng vươn mình ra thế giới.

Đến bây giờ, khi so sánh lại với nhiều bạn bè ở Séc thuở nhỏ, tôi thấy mình đã giành được nhiều cơ hội hơn, đã đi chặng đường dài hơn nhiều người trên con đường nâng cao giá trị bản thân.

Nếu xét mức độ "quyền lực" của hộ chiếu qua việc có thể đến nhiều nước mà không cần xin thị thực, người dân nước ta đang sở hữu tấm hộ chiếu khá "yếu ớt". Để nâng cao giá trị cuốn hộ chiếu Việt Nam, trước tiên chúng ta cần phải nâng cao giá trị và phẩm chất của người dân. Chính vì thế, tôi đã viết sách, tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng, đồng sáng lập ra dự án Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới với hy vọng Việt Nam sẽ có ngày càng nhiều công dân toàn cầu. Họ sẽ trở thành một kênh quảng bá rất tốt cho Việt Nam, giúp các quốc gia khác nhận thấy được giá trị và trình độ của người Việt và xóa bỏ các rào cản, tạo điều kiện cho người Việt bước chân ra thế giới dễ dàng hơn.

Tại sao hộ chiếu Việt Nam lại chỉ được miễn Visa 51 nước? và người phụ nữ muốn sản xuất nhiều công dân toàn cầu - Ảnh 4.
Tại sao hộ chiếu Việt Nam lại chỉ được miễn Visa 51 nước? và người phụ nữ muốn sản xuất nhiều công dân toàn cầu - Ảnh 5.

Là một người từng đi qua nhiều nước, sống và học tập, làm việc ở nhiều châu lục khác nhau, theo cá nhân chị, lý do gì đã khiến tấm hộ chiếu xanh có "quyền lực" yếu như vậy?

Hồ Thu Hương: Quyền lực của cuốn hộ chiếu có liên quan đến khả năng ngoại giao của quốc gia và quyền lực mềm của người dân quốc gia đó. Bên cạnh việc tôn sùng K- pop, người Việt cũng nên học cách sử dụng quyền lực mềm của người Hàn Quốc để nâng cao hình ảnh của đất nước. Hiện tại, phần lớn người nước ngoài chỉ biết về Việt Nam qua chiến tranh chứ chưa biết về một đất nước Việt Nam hiện đại. Tôi nghĩ, một phần do người Việt đi lại trên thế giới chưa nhiều. Ở nhiều nước tôi đến, có những người thậm chí chỉ mới gặp người Việt Nam lần đầu.

Ngoài ra, một số tin tức tiêu cực đã làm xấu hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, như vụ việc 39 người thiệt mạng trên đường vào Anh Quốc hồi tháng 10 vừa qua, vụ 1.600 du học sinh đột nhiên "biến mất" khỏi ký túc xá Đại học Phúc lợi Xã hội Tokyo, hay những lần lao động Việt bỏ ra ngoài làm chui ở Đài Loan… Đây rõ ràng là những vấn đề làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người Việt và sẽ gây trở ngại trong việc xin thị thực của không ít người Việt khác muốn ra nước ngoài. Một con sâu làm rầu cả nồi canh là vậy.

Thực tế, số người tốt luôn nhiều hơn người xấu, nhưng với sức ảnh hưởng của truyền thông và mạng xã hội, cái xấu dễ để lại ấn tượng sâu sắc hơn vì được nhắc tới nhiều hơn.

Nếu Việt Nam có thật nhiều công dân tri thức cao và cư xử văn minh, tôn trọng luật pháp nước bạn, sẵn sàng hội nhập vào văn hóa bản địa nhưng cũng không quên giúp đỡ quê hương mình theo khả năng bản thân, thì tôi tin rằng hình ảnh đất nước chúng ta sẽ sớm thay đổi theo chiều hướng tích cực trong mắt bạn bè quốc tế.

Việc người Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn khi ra nước ngoài hẳn cũng là động lực lớn để các bạn cố gắng nhiều hơn để vươn mình ra thế giới.

Tại sao hộ chiếu Việt Nam lại chỉ được miễn Visa 51 nước? và người phụ nữ muốn sản xuất nhiều công dân toàn cầu - Ảnh 6.

Từng tiếp xúc và làm việc với rất nhiều người ở nhiều quốc gia, cá nhân chị thấy, người Việt trẻ đang có những điểm mạnh – yếu gì?

Hồ Thu Hương: Tôi thấy các bạn trẻ Việt Nam thường có tinh thần học hỏi cao và suy nghĩ tích cực. Nếu so sánh với xu hướng ở nhiều quốc gia châu Mỹ hay châu Âu thì đây là lợi thế rất lớn. Bởi ở nhiều quốc gia phát triển, người trẻ thường cảm thấy áp lực và suy nghĩ tiêu cực về tương lai.

Vì nền kinh tế của đất nước họ giảm phát triển hoặc đang đi xuống, họ tin rằng tương lai sẽ tồi tệ hơn hiện tại. Điển hình là không ít người Nhật Bản mà tôi từng tiếp xúc luôn lo lắng về áp lực dân số già, phải chăm lo cha mẹ ruột, cha mẹ chồng/vợ… Những người dân châu Âu và Hoa Kỳ lại lo ngại người nhập cư sẽ cướp đi công việc của họ và văn hóa truyền thống của đất nước họ sẽ bị hòa tan.  

Trong khi đó, ở Việt Nam, với nền kinh tế đang rộng mở và phát triển thì mọi người lại suy nghĩ rất lạc quan về tương lai. Theo phân tích của tạp chí Quartz (tạp chí điện tử thương mại toàn cầu), Việt Nam đang là nước đông dân có nền kinh tế cởi mở hàng đầu thế giới. Năm 2017, thương mại quốc tế của Việt Nam đạt hơn 200% mức GDP. Đây là mức cao nhất đối với bất kỳ quốc gia nào có từ hơn 50 triệu dân trở lên kể từ năm 1960, theo dữ liệu của Ngân hàng thế giới.

Chúng ta cũng đang dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng hạng trong báo cáo thường niên về năng lực cạnh tranh kinh tế 2019 của tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới. Kinh tế Việt Nam xếp thứ 67 trong số 141 nước và vùng lãnh thổ được đánh giá.

Trong thế kỷ hội nhập này, các bạn trẻ Việt Nam có rất nhiều cơ hội ra nước ngoài để học hỏi, hội nhập với thế giới. Xét ở tầm quốc gia, một đất nước hội nhập sẽ là đất nước có nhiều cơ hội phát triển hơn. Sống ở một đất nước đang trên đà phát triển như vậy, tôi thấy các bạn trẻ Việt có rất nhiều điểm mạnh cần phải phát huy. Tôi tin rằng các bạn trẻ có đủ tài năng để cạnh tranh trong thế giới hội nhập. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của họ là chưa có tính kiên trì cao. Mặt trái của việc có quá nhiều thông tin và cơ hội đã làm không ít bạn thấy hoang mang, chưa biết cách tìm kiếm nguồn thông tin đáng tin cậy cũng như động lực nội tại để duy trì mục tiêu của mình.

Ví dụ, nhiều bạn đặt ra mục tiêu du học, kinh doanh nhưng lại không có khả năng phân tích và vạch hướng thực hiện. Có những bạn nhìn về tương lai một cách mông lung và chưa có con đường cụ thể hoặc chưa đủ kiên trì để đi hết con đường đã đặt ra. Điều này cũng có nghĩa là các bạn trẻ rất hào hứng khi bắt tay vào một công việc mới nhưng ngay khi gặp khó khăn, họ dễ dàng đầu hàng, từ bỏ thay vì cố gắng tìm cách giải quyết.

Có cách nào khắc phục được điều này?

Hồ Thu Hương: Tôi nghĩ các bạn trẻ cần và nên có những người cố vấn, dẫn dắt (mentor) để tác động đến suy nghĩ, cuộc sống của các bạn.

Trước kia, khi học THPT ở CH Séc, tôi cũng khá mơ hồ khi không biết một ai có thể hướng dẫn mình đi ra nước ngoài du học và làm việc. Chính vì phải tự mày mò làm tất cả mọi thứ, tôi đã mất khá nhiều thời gian. Nếu có một mentor ngay từ bé, tôi tin rằng tôi đã có thể tiết kiệm được thời gian và có được nhiều cơ hội hơn.

Tại sao hộ chiếu Việt Nam lại chỉ được miễn Visa 51 nước? và người phụ nữ muốn sản xuất nhiều công dân toàn cầu - Ảnh 8.

Vậy còn việc trở thành công dân toàn cầu thì sao? Điều ấy có thể giúp gì cho người Việt trẻ trong vấn đề khắc phục hạn chế và phát huy điểm mạnh?

Hồ Thu Hương: Để trở thành công dân toàn cầu, các bạn trẻ cần phải hoàn thiện bản thân về mọi mặt chứ không phải chỉ là bổ sung kiến thức. Có thể ai đó nghĩ rằng họ chỉ có thể là công dân toàn cầu khi sinh sống ở nhiều nơi trên thế giới hoặc nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nhưng đối với tôi, khái niệm này chỉ người có kiến thức bao quát, ham muốn học hỏi về nhiều lĩnh vực khác nhau, khám phá về thế giới, đóng góp giá trị tích cực cho những nơi mình đến và nơi mình sinh ra, luôn chấp nhận học hỏi, duy trì và cải thiện bản thân.

Ở cộng đồng Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới, chúng tôi luôn tìm cách giúp đỡ mỗi cá nhân phát triển 77 tiêu chí để trở thành công dân toàn cầu. 77 tiêu chí ấy có thể chia gọn lại thành bốn yếu tố sau: kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và tư duy.

Kiến thức là sự hiểu biết bao quát cũng như chuyên sâu ở nhiều lĩnh vực cần thiết cho công việc cũng như đời sống như: kiến thức cơ bản về các quốc gia trên thế giới, tin tức toàn cầu, ngoại ngữ, kiến thức về các loại bệnh phổ biến, cách phòng ngừa và chữa trị… Các kỹ năng cần có để thành công trong thế kỷ 21 bao gồm: kỹ năng sinh tồn, giải quyết vấn đề, giao tiếp, nhạy cảm văn hóa, quản lý thời gian, kỹ năng sáng tạo…

Kỹ năng sinh tồn và giải quyết vấn đề là những yếu tố then chốt giúp bạn tồn tại, vươn lên trong thế giới mà tất cả mọi thứ chúng ta biết hôm nay đều sẽ thay đổi nhanh chóng. Nếu chỉ dựa vào kiến thức học ở trường hoặc kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực nhất định, bạn sẽ rất khó tồn tại khi bị mất việc hoặc công việc của bạn bỗng nhiên biến mất khỏi xã hội.

Về mặt tư duy, công dân toàn cầu cần trang bị cách suy nghĩ linh hoạt, chấp nhận thay đổi, không phán xét khi chưa nghe ý kiến, biện luận của đối phương, tư duy độc lập trong suy nghĩ và hành động, tư duy nhìn nhận đa chiều, tự tin với bản thân nhưng không tự đại…

Một số phẩm chất khác của công dân toàn cầu là không ngại khó khăn, không sợ phải làm lại từ đầu mỗi khi thay đổi nơi sống hoặc hoàn cảnh sống. Tinh thần không sợ thất bại và kinh nghiệm đa chiều cũng là những điều rất cần thiết.

Có phải tất cả những điều đó đều là những phẩm chất tốt mà dù có trở thành công dân toàn cầu hay không, mỗi cá nhân có lẽ đều phải cố gắng hoàn thiện?

Hồ Thu Hương: Đúng như vậy, tôi tin rằng mỗi người trong chúng ta nên cố gắng thực hiện 77 tiêu chí để có thể tồn tại bất cứ ở nơi đâu, làm bất cứ công việc gì và sẵn sàng cho những thay đổi không đoán trước trong tương lai.

Trở thành công dân toàn cầu, cuộc sống của chị thay đổi như thế nào?

Hồ Thu Hương: Trước đây, khi sống ở Séc, tôi thường không dám nói lên điều mình nghĩ nếu nó đi ngược lại suy nghĩ của số đông. Ở đó không có sự đa dạng trong suy nghĩ và khi số đông cho rằng điều gì đó là đúng, họ sẽ không muốn nghe và thấu hiểu cách suy nghĩ đối lập của người khác.

Khi đi đến nhiều quốc gia khác, tôi nhận ra rằng những điều bản thân tôi coi dĩ nhiên là đúng vẫn có thể bị người khác coi là sai. Càng di chuyển đến nhiều nơi, tôi càng dễ nhìn nhận các vấn đề đa chiều hơn. Điều ấy giúp tôi độc lập trong suy nghĩ và ra quyết định thay vì lệ thuộc vào quan điểm, tư tưởng của số đông. Vì số đông không phải lúc nào cũng đúng.

Tôi nghĩ, việc có tư duy phản biện và dám nói lên chính kiến là sự thay đổi rất lớn trong quá trình trở thành công dân toàn cầu của tôi. Chẳng hạn như, khi người bạn của tôi bị xâm hại tình dục nhưng không dám nói ra, tôi cho cô ấy lời khuyên và động viên. Sau đó, cô ấy đã lên tiếng tố cáo, khiến người đàn ông kia phải nhận lỗi cũng như chịu hình phạt cho hành động sai trái của mình.

Tại sao hộ chiếu Việt Nam lại chỉ được miễn Visa 51 nước? và người phụ nữ muốn sản xuất nhiều công dân toàn cầu - Ảnh 10.
Tại sao hộ chiếu Việt Nam lại chỉ được miễn Visa 51 nước? và người phụ nữ muốn sản xuất nhiều công dân toàn cầu - Ảnh 11.

Khi có gia đình rồi, chị có ngại cuộc sống luôn xê dịch không? Trở thành công dân toàn cầu có giúp chị chiếm lợi thế về thu nhập?

Hồ Thu Hương: Đầu năm 2020, tôi sẽ lại chuyển đến một nơi mới sinh sống. Gia đình tôi không có điểm trú chân vĩnh viễn và luôn sẵn sàng chấp nhận những sự thay đổi mà cuộc sống mang lại, cho dù đó là ngày mai sẽ làm một cái gì đó hoàn toàn khác biệt, sống ở một nơi nào đó hoàn toàn mới lạ ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.

Đến bây giờ, khi đã bước qua tuổi 30, tôi vẫn thấy hứng thú với sự xê dịch chứ không hề lo lắng, sợ hãi.

Về thu nhập, tôi không đánh giá thành công bằng mức lương. Những công dân toàn cầu có thể đến nước giàu hơn nhưng cũng có thể đến nước nghèo hơn quê hương họ, thậm chí họ chấp nhận chuyển đến những nơi bất ổn để trải nghiệm. Vì thế, thu nhập dao động lên xuống cũng dễ hiểu.

Tôi nghĩ những kinh nghiệm, trải nghiệm mới là thứ vô giá. Tôi đã gặp nhiều người có kinh nghiệm, trải nghiệm, cách nghĩ, cách sống rất thú vị dù họ không giàu có. Họ là những công dân toàn cầu điển hình vì luôn cố gắng hoàn thiện và vươn lên dù sống ở bất cứ nơi đâu.

Tại sao hộ chiếu Việt Nam lại chỉ được miễn Visa 51 nước? và người phụ nữ muốn sản xuất nhiều công dân toàn cầu - Ảnh 12.

Quay trở lại với Việt Nam, chị nghĩ mình đã giúp gì trong việc tạo ra thật nhiều công dân toàn cầu mang quốc tịch Việt như chị đã nhắc đến rất nhiều lần?

Hồ Thu Hương: Tôi bắt đầu dự án Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới từ năm 2015 cùng hai người bạn khác sống ở nhiều quốc gia khác nhau với mong muốn giúp đỡ các bạn trẻ Việt Nam, không nhất thiết đang sống ở trong nước mà có thể là ở các nơi khác trên thế giới, có cơ hội ra thế giới để tăng cường trải nghiệm, hiểu biết.

Chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm của mình, giúp đỡ những người Việt trẻ ra nước ngoài du lịch, du học hoặc làm việc. Thông qua những khóa học và những buổi giao lưu online và offline với sự phối hợp cùng các tổ chức châu Âu và châu Á, chúng tôi đã và đang giúp các bạn Việt Nam có cơ hội giao lưu, học hỏi từ các chuyên gia đến từ khắp nơi trên thế giới. Các khóa học và những buổi giao lưu giúp cho những người tham gia đa dạng hóa tư duy và kiến thức.

Bên cạnh đó, cộng đồng Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới cũng nghiên cứu và cho ra đời các cuốn sách kỹ năng. Trong vòng ba năm, tôi và cộng đồng đã phát hành sáu cuốn sách ở Việt Nam. Mỗi cuốn sách đề cập đến các khía cạnh trở thành công dân toàn cầu như: các kỹ năng cần thiết để trở thành công dân toàn cầu, kinh nghiệm di chuyển, kinh nghiệm sống, kỹ năng đa ngôn ngữ, các mối quan hệ đa quốc gia…

Tại sao hộ chiếu Việt Nam lại chỉ được miễn Visa 51 nước? và người phụ nữ muốn sản xuất nhiều công dân toàn cầu - Ảnh 13.

Nhưng chị có lo ngại việc khuyến khích nhiều người đi ra thế giới và hướng đến sự toàn cầu hóa có vô tình làm mất đi bẳn sắc dân tộc?

Hồ Thu Hương: Tôi không nghĩ vậy, công dân toàn cầu là những đại sứ tuyệt vời cho quốc gia của mình và sẵn sàng chia sẻ với toàn cầu về bản sắc quê hương họ.

Nếu bạn sống ở nước ngoài mà cố tình "lơ" đi hoặc quên mất bản sắc Việt Nam, bạn đang đánh đổi bản sắc của quê hương mình để được coi là một người bản địa. Tôi nghĩ những người như vậy không được coi là công dân toàn cầu vì một công dân toàn cầu đúng nghĩa sẽ không quên quê hương mình, dù họ đang sinh sống ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Họ sẽ tìm cách tích hợp những điều tốt đẹp của các nền văn hóa khác nhau vào con người họ, khiến họ trở thành những người đa bản sắc.

Tại sao hộ chiếu Việt Nam lại chỉ được miễn Visa 51 nước? và người phụ nữ muốn sản xuất nhiều công dân toàn cầu - Ảnh 14.
Tại sao hộ chiếu Việt Nam lại chỉ được miễn Visa 51 nước? và người phụ nữ muốn sản xuất nhiều công dân toàn cầu - Ảnh 15.

Đến bây giờ, chị thấy mình đã cân bằng được chưa? Trở thành con người đa văn hóa, có khi nào khiến chị cảm thấy bất ổn?

Hồ Thu Hương: Tôi thấy, những người Việt Nam hoặc châu Á lớn lên ở châu Âu, cũng như tôi, thường mắc vào cuộc khủng hoảng bản sắc. Họ không phải 100% châu Âu hay 100% châu Á. Họ thay đổi cách cư xử, giao tiếp và suy nghĩ tùy theo hoàn cảnh, nên nhiều khi họ không biết mình thuộc về nơi nào.

Có đôi lúc, tôi thấy mình chơi vơi, không có điểm tựa vững chắc… Khi chuyển từ Séc các quốc gia khác sinh sống, cuộc khủng hoảng bản sắc xảy ra trong tôi càng sâu sắc, mạnh mẽ hơn.

Nếu bây giờ, có ai hỏi tôi là người Việt, người Séc hay người Hoa Kỳ nhiều hơn, tôi sẽ không thể trả lời. Có lẽ, tùy vào thời điểm, vào vấn đề cụ thể mà tôi sẽ có cách giải quyết khác nhau theo đặc trưng tính cách của người dân mỗi nước. Gia đình tôi là sự hòa quyện giữa văn hóa Á, Âu, Mỹ. Việc tìm hướng đi và quy tắc cho gia đình đa văn hóa thực sự không dễ dàng.

Bản thân đang gặp nhiều rắc rối như vậy thì vì sao, chị lại muốn khuyến khích các bạn trẻ Việt Nam trở thành công dân toàn cầu?

Hồ Thu Hương: Mặc dù chính tôi đang thấy bản thân vướng phải cuộc khủng hoảng bản sắc nhưng tôi không coi đó là một điều tiêu cực. Nếu cho tôi một cơ hội làm lại, tôi vẫn sẽ lặp lại những gì mình đã làm. Cuộc sống đa văn hóa rất rực rỡ và mang đến cho tôi nhiều niềm vui. Cùng một lúc, tôi có cơ hội sống trong rất nhiều nền văn hóa như Việt Nam, Mexico (chồng Hồ Thu Hương là người Mexico và hai người hiện sinh sống ở Mỹ – PV), Mỹ, Séc… và tôi không muốn mình bị giới hạn bởi một nền văn hóa nào.

Khủng hoảng là có thật nhưng tôi nghĩ nếu như bạn nỗi lực vượt qua để dung hòa, tìm cho mình con đường phát triển theo tư duy rộng mở, đa chiều thì đó sẽ là trải nghiệm vô cùng đáng giá.

Có một kỷ niệm khá thú vị khi tôi đến Maroc, một đất nước theo đạo Hồi giáo, trong thời gian có những cuộc khủng bố xảy ra ở các quốc gia châu Âu, Hoa Kỳ. Khi biết tôi cùng hai người bạn gái đến Trung Đông, mọi người đều coi chúng tôi rất liều lĩnh vì vừa không biết tiếng bản địa và lại còn đi du lịch không có nam giới đi cùng.

Nhưng khi đến nơi, bằng cách nào đó, chúng tôi vẫn giao tiếp được với người bản địa. Một tài xế taxi đã mời chúng tôi về nhà ăn ông tối. Khi nhận lời mời, chúng tôi cũng sợ bị bắt cóc hoặc gặp hiểm nguy, nhưng sự thật là chúng tôi được gia đình ông đón tiếp rất nồng hậu. Họ nấu cho chúng tôi ăn món couscous - một đặc sản của người Maroc. Tôi có suy nghĩ là, sự lo sợ thường được bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết. Chỉ khi chấp nhận mở rộng trái tim để tìm hiểu và nhận thức, chúng ta mới có thể trút bỏ được cảm giác sợ hãi trong mình.

Tôi cảm nhận Maroc giống người Mexico ở một điểm là đất nước của họ bị dính vào những định kiến tồi tệ. Nếu chỉ đọc tin tức mà chưa đặt chân đến các quốc gia đó, nhiều người sẽ suy nghĩ rất tiêu cực về hai quốc gia này. Nhưng khi đã đến hoặc giao lưu với người bản địa, bạn mới thấy những định kiến đó không đúng sự thật.

Ở Việt Nam hay các nước khác cũng thế. Mọi người dễ có cái nhìn không tốt nếu chưa một lần đặt chân đến đây, vì tâm lý thông thường của con người sẽ dè chừng và dễ chú ý vào điểm tiêu cực hơn là tích cực. Chẳng hạn, nhiều người vẫn nghĩ Việt Nam đang còn chiến tranh. Hồi tôi sang Mexico, rất nhiều người hỏi tôi: "Nước bạn đã hết chiến tranh chưa?" Họ chỉ biết đến Việt Nam qua môn lịch sử ở trường còn trên các bản tin tức thì hầu như không có thông tin gì về nước ta.

Do đó, mọi người nên mở tâm trí mình ra, đi nhiều hơn, tiếp thu điều mới mẻ, cập nhật về tình hình thực tế của thế giới chứ đừng chỉ trông chờ vào sách vở, trường lớp.

Tại sao hộ chiếu Việt Nam lại chỉ được miễn Visa 51 nước? và người phụ nữ muốn sản xuất nhiều công dân toàn cầu - Ảnh 16.
Tại sao hộ chiếu Việt Nam lại chỉ được miễn Visa 51 nước? và người phụ nữ muốn sản xuất nhiều công dân toàn cầu - Ảnh 17.

Đi ra thế giới từ những năm tháng còn trẻ, chị giải quyết vấn đề tài chính như thế nào?

Hồ Thu Hường: Vì hồi là sinh viên không có nhiều tiền, tôi luôn chọn những con đường ra nước ngoài tiết kiệm tài chính nhất có thể. Ví dụ như bằng cách xin học bổng, dự hội thảo, hội nghị… Tôi sang Argentina du học bằng học bổng, sang Canada học tập, làm việc cũng là nhờ có học bổng của Liên Minh Châu Âu.

Nếu bạn chưa có kinh nghiệm, tiền bạc nhưng vẫn muốn "cầm cuốn hộ chiếu xanh đi quanh thế giới", đầu tiên bạn sẽ phải dành thời gian tìm kiếm các cơ hội phù hợp với khả năng của mình. Ví dụ như, bạn có thể tìm kiếm các khóa học cải thiện bản thân trực tuyến, đăng ký tham gia các hội nghị tại chính thành phố nơi bạn đang sinh sống, làm tình nguyện cho những dự án có giá trị cao. Từ những kinh nghiệm nhỏ như vậy, bạn dần dần sẽ nâng cao cơ hội nhận những học bổng hoặc chuyến đi lớn hơn.

Ngoài việc đi miễn phí, tôi cũng từng tự túc du học ở Pháp. Để chuẩn bị cho chuyến đi này, tôi đã làm việc cật lực suốt hai năm. Tôi nghĩ, chỉ cần chúng ta thực sự muốn và tập trung vào việc thực hiện cho ước mơ thì tài chính sẽ không phải rào cản lớn.

Cố gắng đi ra nước ngoài, có lúc nào chị thấy thất vọng vì "vỡ mộng" do những nơi đặt chân đến không như mình tưởng tượng?

Hồ Thu Hương: Tôi thường thấy những nơi mình đến thú vị hơn trong trí tưởng tượng.

Chẳng hạn như khi đến Argentina, tôi gặp nữ phóng viên tài ba người Rumani tên Adina. Dù lúc đó tôi chỉ là sinh viên nhưng chị vẫn rất ân cần, giúp đỡ tôi rất nhiều, rồi sau này còn trở thành đồng tác giả trong dự án sách "A Mile in Our Shoes" mà tôi đã triển khai với tám người phụ nữ toàn cầu.

Khi tôi làm việc ở Quỹ châu Á - Thái Bình Dương tại Canada, người giám đốc điều hành của Quỹ đến từ Singapore rất thân thiện và khiêm tốn. Dù tôi chỉ là nhân viên mới, ông vẫn tò mò hỏi về các trải nghiệm của tôi, thưởng thức món ăn đa văn hóa mà tôi chế biến và coi đó là món ăn tượng trưng cho con người của tôi – một người đa văn hóa.

Ở Canada, tôi rất trân trọng sự chân thành của người dân. Khi rơi ví, sẽ có người mang tới trả cho bạn. Khi đút giấy séc vào cây ATM, bạn sẽ có thể rút tiền được luôn vì ngân hang sẽ tin rằng giấy séc của bạn có hiệu lực.

Khi đặt chân đến một đất nước nào đó, phong cảnh và các địa danh nổi tiếng ở đất nước đó đối với tôi chỉ là yếu tố bề nổi. Yếu tố con người mới là thứ để lại ấn tượng sâu sắc. Nếu biết bỏ qua những điểm khác biệt, tập trung vào những điểm chung, mặt tốt của người khác, bạn sẽ luôn có những trải nghiệm tuyệt vời dù đi đến bất cứ nơi đâu.

Tại sao hộ chiếu Việt Nam lại chỉ được miễn Visa 51 nước? và người phụ nữ muốn sản xuất nhiều công dân toàn cầu - Ảnh 18.

Nhưng chẳng lẽ chị chưa từng gặp cú sốc văn hóa?

Hồ Thu Hương: Tôi coi những cú sốc văn hóa là những trải nghiệm thú vị. Chẳng hạn như, tôi học được là cách nhận thức về giờ giấc ở các quốc gia Mỹ Latinh rất khác biệt. Ở Argentina, việc ai đó đến đúng giờ hẹn là điều bất lịch sự. Có khi đến giờ hẹn, chủ nhà mới bắt đầu chuẩn bị bữa tiệc. Ở Mexico, nếu ai đó hẹn bạn "ngay bây giờ" (trong tiếng Tây Ban Nha: "ahorita"), có thể là bạn sẽ phải chờ ít phút, vài tiếng, một ngày hay mãi mãi.

Một chuyện khá thú vị khác là nếu hẹn đi tiệc tùng, người Argentina trước tiên sẽ đến nhà bạn bè uống rượu vào tầm mười giờ đêm. Đến hai giờ sáng, họ mới lục tục kéo nhau đến quán bar hay hộp đêm để nhảy đến tận sáu giờ sáng khi các hộp đêm đóng cửa. Ngay sau khi rời khỏi buổi tiệc, họ có thể đi làm hoặc đi học ca sáng mà không cảm thấy mệt mỏi. Nhưng những buổi tiệc tùng thâu đêm khiến cho người Argentina già đi nhanh chóng, có những người trong độ tuổi hai mươi, ba mươi mà đã có tóc bạc phơ.

Với một tinh thần cởi mở, những cú sốc văn hóa này sẽ giúp cho cuộc sống của bạn đa màu hơn rất nhiều.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại