Bức thư thể hiện được sự quan sát chi tiết, tỉ mỉ của ông trước những hiện tượng rất nhỏ.
Bức thư có đoạn viết: "Thưa các thầy cô giáo! Ngày 18.3.2015, tôi có việc tại một cơ quan gần Trường THCS Lê Lợi (TP Hà Giang), tình cờ nghe được cách "xưng hô" của thầy giáo dạy môn thể dục, thầy xưng hô một cách rất tự nhiên, thoải mái. Tự nhiên đến mức tự cho mình cái quyền gọi học sinh "con này", "thằng kia" và ngược lại, học sinh cũng tự thấy mình có "quyền" xưng hô với thầy thoải mái như một người bạn khi nói "thầy ơi tránh ra để em nhảy một "quả"… chắc là môn nhảy xa. ..
Các thầy cô giáo của chúng ta hôm nay, trước khi trở thành nhà giáo thì họ cũng là học sinh. Không biết các thầy giáo này trước đây có bị người thầy của mình gọi mình như thế không? Không biết thầy giáo đó có hiểu tâm lý sư phạm không?
Không biết thầy giáo đó có biết không khi bên ngoài bức tường của sân trường có rất nhiều đôi tai nghe thấy và hiểu rằng đây là một thực tế cần phải xóa bỏ ngay.
Chúng ta nói rất nhiều về các hiện tương tiêu cực trong nhà trường; nào là học sinh đánh nhau, thậm chí đánh thầy giáo; nào là thầy giáo đánh, lăng mạ học sinh; nào là ngồi nhầm lớp, thi hộ; nào là tiêu cực trong tuyển dụng… và … Vậy hình ảnh và những lời tình cờ nghe được như trên sẽ phản ánh điều gì?
Đề nghị ngành giáo dục cần chấn chỉnh ngay tác phong thầy cô giáo trước mắt học sinh, với mong muốn "Thầy phải là thầy", để "Trò sẽ là trò".
Hà Giang, ngày 18.3.2015".
Bức thư đã "gây xúc động" ít nhất là cho một cô giáo. Cô này đã nói lời cảm ơn với niềm tin dâng cao: "Em tin rằng, sau khi đọc lá thư ngỏ của Bí thư Tỉnh ủy, toàn ngành Giáo dục tỉnh nhà sẽ có một cuộc cách mạng đổi mới căn bản và toàn diện nhằm xây dựng hình ảnh đẹp "Thầy ra thầy" Và "Trò ra trò" trong mắt nhân dân.
Cảm ơn anh đã cho em thêm sức mạnh và niềm tin tưởng lớn lao vào đội ngũ lãnh đạo tỉnh".
Như vậy chỉ từ chuyện nghe được một đoạn hội thoại ngắn như thế, ông Vinh đã sâu sát, quyết liệt và truyền cảm hứng khi nhắc nhở các thầy cô ở Hà Giang cần chấn chỉnh thái độ dạy và học.
Với tinh thần hết sức lạc quan và tích cực ấy, tôi nghĩ, trong sâu thẳm, ông Vinh sẽ biết cám ơn vụ bê bối thi cử ở Hà Giang, vì nhờ nó, ông sẽ có cơ sở để quyết liệt gấp bội chấn chỉnh tình trạng tiêu cực trong giáo dục tỉnh nhà, dù trong số thí sinh được "tự tiện nâng điểm", có cả con gái ông và một vài lãnh đạo.
Việc chỉnh sửa điểm thi nghiêm trọng hơn nhiều so với thái độ xưng hô thầy trò mà ông Vinh đã nhắc trong thư. Chính vì vậy cần ông có một thái độ quyết liệt hơn nhiều như ông vừa tuyên bố: "Chúng tôi đang làm quyết liệt và hiện tại các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ ai đó nhắn tin, gọi điện nhờ vả xin điểm thì phải xử lý theo quy định"
Vụ bê bối điểm thi đã gây nên một cơn đại địa chấn cho ngành giáo dục, nhưng nếu nhìn về phía tích cực, ngành này cũng phải thầm cảm ơn Vũ Trọng Lương.
Thử hỏi, nếu Lương không trắng trợn sửa điểm thi với "quy mô công nghiệp" như nhận xét của ông Quách Tuấn Ngọc (cựu Cục trưởng Công nghệ thông tin Bộ GD& ĐT), mà chỉ sửa "tinh tế" một ít trường hợp học sinh VIP, thì có phải cái kim nhọn hoắt vẫn chưa lòi khỏi bọc và các kỳ thi sẽ vẫn được tổng kết "nghiêm túc, chất lượng, nhẹ nhàng và thành công tốt đẹp" không?
Không có Lương, liệu Bộ có phát hiện ra lỗ hổng chết người trong quy trình kiểm soát của mình, để mà vá víu triệt để không?
Một nông dân ở Mexico nhờ bị mất trộm đã phát minh ra thiết bị chống trộm và thu bộn tiền.
Một nữ sinh Trung Quốc bị tai nạn kẹt chân vào nắp cống trên đường đi bộ nên đã không kịp đi chuyến xe khách, mà chỉ vài giờ sau, chiếc xe đó tô rơi xuống vực làm tất cả hành khách thiệt mạng.
Rất nhiều chuyện tái ông thất mã có thể kể, trong rủi luôn luôn có may, trong nguy luôn có cơ.
Sau khi ra đề thi Toán tốt nghiệp PTTH khó đến nỗi GS toán học nổi tiếng cũng chào thua trong 90 phút, người ra đề sẽ thu hoạch được vài điều rất quý: Khiến cho những giáo sư hàng đầu cũng phải quan tâm đến giáo dục một cách sôi sục hơn nữa.
Sau khi bê bối điểm thi phát lộ, tâm lý bực bội với thi cử đã tới đỉnh điểm, ngành giáo dục hoàn toàn có thể "lướt sóng tâm lý" để cải cách triệt để, nếu cần bỏ luôn kỳ thi tốn kém và đầy sợ hãi đối với thí sinh, để các trường được tự do chọn sinh viên thân yêu cho mình.
Câu chuyện điểm thi cũng là cơ hội tốt để một vài vị điều chỉnh hợp lý giúp mình có những phát ngôn được lắng nghe mà không bị ném đá. Vội vàng hồ hởi sớm quá với thành công cũng dở mà im như thóc, lặn mất tăm lâu quá cũng dở.
Nói chung, hiểu được cơ chế vi diệu rủi - may này, giáo dục Việt Nam và giáo dục Hà Giang, sẽ có cơ may chỉnh sửa triệt để hình ảnh của mình nhờ cái rủi dữ dội mang một cái tên đột ngột loé lên trong lịch sử thì cử Việt Nam: Vũ Trọng Lương.