Xu hướng tăng lãi suất tiền gửi đã nhích lên từ vài tháng qua. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước về tiền gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng, thống kê công bố tới cuối tháng 6-2022, cho thấy tiền gửi của dân cư hiện hơn 5,61 triệu tỉ đồng tăng 6,02% so với cuối năm ngoái. Như vậy, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đã tăng thêm hơn 330.000 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với mức tăng tiền gửi của các tổ chức kinh tế.
Những ngày qua, dòng tiền gửi tiết kiệm đang tiếp tục chảy vào ngân hàng sau khi sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng lên 5%/năm. Hiện lãi suất tối đa đối với các khoản tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng lên 0,5%/năm; lãi suất tối đa với các khoản tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng lên 5%/năm, tăng cao nhất 1%/năm so với trước đó.
Nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn từ Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, Bản Việt, Eximbank, SCB, VPBank, OCB, Nam A Bank…
Theo ghi nhận, mức lãi suất huy động từ 7%/năm trở lên được đánh giá là hấp dẫn trong bối cảnh các kênh đầu tư khác nhiều rủi ro hoặc không có mức sinh lợi như kỳ vọng của nhà đầu tư. Như với chứng khoán, sau những phiên điều chỉnh giảm liên tục từ vùng sát 1.300 điểm về quanh vùng 1.150 điểm khiến nhiều đầu tư tiếp tục lỗ nặng, chán nản và không ít người âm thầm rời bỏ chứng khoán…
Chị Ngọc Khanh (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết tài khoản chứng khoán của chị đang lỗ 30% sau đợt thị trường liên tục giảm điểm trong khoảng 1 tháng qua, nhưng chị chưa có ý định nộp thêm tiền để mua trung bình giá hoặc bắt đáy cổ phiếu mà quyết định gửi tiết kiệm.
"Thấy lãi suất huy động tăng, tôi chọn gửi tiết kiệm trong giai đoạn này để yên tâm hơn. Như gửi tiết kiệm trực tuyến tại Bản Việt kỳ hạn 9 tháng trở lên hoặc gửi từ 300 triệu đồng cho kỳ hạn 6 tháng lãi suất đã là 7%/năm, đủ hấp dẫn. Trong khi chứng khoán thời điểm này quá rủi ro. Xưa nay, tài sản đầu tư của tôi cũng luôn để 50% vào gửi tiết kiệm vì đây là kênh đầu tư an toàn" - chị Khanh phân tích.
Không chỉ nhà đầu tư chứng khoán chọn gửi tiết kiệm cho khoản tiền đang "đứng ngoài" thị trường, các kênh đầu tư khác như bất động sản cũng kém thanh khoản, thị trường ảm đạm hay giá vàng SJC thường xuyên cao hơn giá vàng thế giới từ 16-18 triệu đồng/lượng và biến động không cùng nhịp với giá thế giới…
Trong bối cảnh này, gửi tiết kiệm đang trở thành ưu tiên hàng đầu của phần lớn nhà đầu tư. Vậy, "chọn mặt gửi vàng" ngân hàng nào có mức lãi suất đủ hấp dẫn cho khoản tiền nhàn rỗi sinh lời?
Tại biểu lãi suất tiền gửi mới nhất, Ngân hàng Bản Việt đã điều chỉnh tăng ở nhiều kỳ hạn. Khách hàng gửi lãi suất trực tuyến các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng lãi suất tối đa là 5%/năm; từ 6-8 tháng là 6,8%/năm; từ 9-11 tháng là 7%/năm. Mức lãi suất 7%/năm cho các kỳ hạn dưới 12 tháng được đánh giá là hấp dẫn, vì khách không e ngại gửi quá dài trong khi vẫn bảo đảm mức sinh lời. Đặc biệt, trong thời gian này, Bản Việt triển khai thêm chương trình "Tháng vàng ưu đãi" với lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 7,1% /năm và 12 tháng là 7,5%/năm.
Với khách gửi tiết kiệm trực tuyến từ 12-18 tháng, lãi suất là 7,3%/năm và đặc biệt khi gửi dài kỳ hạn 24 tháng lãi suất lên tới 7,5%/năm.
Đối với tiền gửi linh hoạt trực tuyến, khách hàng sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, trong đó với những khoản tiền từ 300-500 triệu đồng trở lên, thời hạn gửi từ 6 tháng trở lên đã được hưởng mức lãi suất 7%/năm. Theo giới phân tích, đây là những mức lãi suất rất cạnh tranh trên thị trường, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác kém sôi động, nhiều rủi ro.