Tại sao doanh số xe điện tăng 140%?

Hoàng Nam |

Doanh số xe điện trên toàn cầu tăng 140% trong quý I/2021 với sự gia tăng mạnh mẽ ở thị trường Trung Quốc, châu Âu và Mỹ nhờ các chính sách thúc đẩy quá trình điện hóa được thực hiện ở nhiều khu vực.

Xe điện tiếp tục tăng mạnh

Tại sao doanh số xe điện tăng 140%? - Ảnh 1.

Doanh số xe điện tiếp tục tăng mạnh

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), doanh số bán ô tô điện trên toàn cầu đã tăng 140% trong quý I/2021, trong đó Trung Quốc trở thành quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho xe điện.

Số liệu từ cơ quan này cho thấy, có khoảng 500.000 chiếc xe điện đã được bán tại Trung Quốc và đây tiếp tục là thị trường lớn nhất toàn cầu. Thị trường châu Âu tiêu thụ 450.000 chiếc. Doanh số bán hàng tại Mỹ cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự gia tăng doanh số xe điện trên toàn cầu diễn ra khi nhu cầu về các lựa chọn giao thông bền vững ngày càng tăng lên.

Năm ngoái, chi tiêu của người tiêu dùng cho xe điện đạt 120 tỷ USD trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Doanh số bán xe điện được sự thúc đẩy nhờ các Chính phủ đẩy mạnh nhiều biện pháp nhằm nỗ lực để kiểm soát ô nhiễm và thực hiện các mục tiêu giảm phát thải.

“Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, nhiều quốc gia đã tăng cường các chính sách quan trọng như tiêu chuẩn khí thải CO2 và các quy định về phương tiện không phát thải”, IEA nhận định.

Các chính phủ đóng vai trò quan trọng

Doanh số xe điện chưa có dấu hiệu chững lại, dù trong bối cảnh đại dịch khiến thị trường ô tô toàn cầu sụt giảm. Các chuyên gia từ IEA nhận định, chính sách từ các chính phủ đã góp phần thúc đẩy sự phổ biến hơn của xe điện.

Cuối năm 2020, hơn 20 quốc gia đã công bố lệnh cấm bán ô tô chạy nhiên liệu xăng/dầu hoặc bắt buộc tất cả các doanh số bán hàng mới phải là xe không phát thải.

Doanh số bán ô tô toàn cầu đã giảm 6% trong năm ngoái nhưng vẫn có khoảng 3 triệu xe điện, chiếm 4,6% tổng số đã được bán ra.

Báo cáo lưu ý rằng, châu Âu đã vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường lớn nhất cho xe điện vào năm ngoái. Dẫu vậy, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn trên toàn cầu khi bán được nhiều xe điện hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong quý đầu tiên của năm nay.

Sự hỗ trợ của chính phủ đối với ngành công nghiệp này đã giảm dần trong 5 năm qua trên khắp thế giới, khi ô tô điện trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, sau khi đại dịch bùng phát nhiều chính sách lại được đẩy mạnh.

Năm ngoái, các chính phủ đã cam kết hỗ trợ ngành công nghiệp này 14 tỷ USD, tăng 1/4 so với năm 2019 và phần lớn được thúc đẩy bởi các cam kết ở châu Âu.

Chính phủ các quốc gia thuộc EU đã đưa thêm các biện pháp khuyến khích để bảo vệ doanh số bán xe điện trong bối cảnh kinh tế suy thoái do Covid-19 gây ra. Trong khi Trung Quốc đã tạm dừng chương trình trợ giá để thúc đẩy doanh số bán xe điện tại nước này.

Doanh số bán hàng cũng được hưởng lợi từ việc ngày càng có nhiều mẫu xe điện và chi phí pin giảm khiến các xe điện có mức chi phí ngang bằng với xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.

“Trong số 20 nhà sản xuất xe hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 90% số xe đăng ký mới vào năm 2020, 18 nhà sản xuất đã tuyên bố kế hoạch mở rộng danh mục các mẫu xe và nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất xe điện hạng nhẹ”, cơ quan này cho biết trong báo cáo.

Lĩnh vực này cũng đang mở rộng để bao gồm các loại xe hạng nặng. Bốn nhà sản xuất xe tải lớn đang có kế hoạch tung ra các mẫu xe chạy bằng điện trong tương lai.

Trong kịch bản phát triển bền vững của mình, IEA cho biết dự kiến ​​sẽ có 230 triệu xe điện, bao gồm cả xe hai và ba bánh sẽ lưu thông trên đường vào năm 2030. Đồng thời nhấn mạnh thị phần xe điện toàn cầu có thể tăng trưởng khi các mục tiêu khí hậu được áp dụng mạnh mẽ hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại