Là một trong những câu hỏi nhận được nhiều sự chú ý trên diễn đàn Quora, phần trả lời của Dave Haynie, một cựu kỹ sư điện tử và chuyên gia công nghệ sẽ hé mở phần nào đáp án.
Theo đó, việc các loại điện thoại di động, hay smartphone ngày càng mỏng mảnh, dễ vỡ là "một sự lựa chọn về thiết kế. Các mẫu điện thoại cao cấp ngày nay của Samsung, Apple, LG và các hãng khác đã lấy thứ dễ vỡ nhất - kính - để làm cả màn hình và mặt sau của sản phẩm. Điều đó hoàn toàn khiến cho chúng dễ vỡ hơn rất nhiều.
Điều này đã được chứng minh một cách khoa học. Công ty bảo hiểm thiết bị di động, SquareTrade, đã thực hiện các thử nghiệm khả năng phá vỡ trên các mẫu máy điện thoại. Điều này nhằm xác định khả năng dễ vỡ và chi phí sửa chữa cần có đi kèm. Từ năm 2017, Samsung đã ít nhiều bắt đầu xu hướng điện thoại toàn kính với Galaxy S8 và S8 Plus. Thiết kế của cặp đôi điện thoại này đã ngay lập tức lập kỷ lục (tại thời điểm đó) cho những chiếc điện thoại dễ vỡ nhất từng được thử nghiệm, với số điểm lần lượt là 76 và 77 (điểm càng cao càng dễ vỡ). Sau đó, kỷ lục này bị iPhone 8 đánh bại, rồi iPhone X tiếp tục phá vỡ nó với số điểm 90.
Galaxy S8 và S8 Plus mở đầu cho trào lưu thiết kế toàn kính, đẹp nhưng quá mỏng manh.
Nhìn bức ảnh phía trên, Galaxy S8 và S8 Plus chắc chắn trông rất đẹp, với tất cả các mặt đều là kính. Trước đây, điện thoại thường có ít nhất một lớp viền có kích thước lớn để bảo vệ mặt kính, nhưng Samsung đã làm cong phần kính xung quanh viền. Do đó khi rơi, phần cạnh của kính sẽ tiếp xúc trực tiếp với bề mặt va chạm.
Để rõ ràng hơn, hãy so sánh với một chiếc điện thoại khác là LG V10, ra mắt cuối năm 2015. Không phải là mẫu smartphone toàn màn hình, tuy nhiên LG đã bắt đầu xu hướng thiết kế toàn màn hình với mẫu điện thoại này khi loại bỏ hết các nút bấm ở mặt trước. Điều đáng nói là, chiếc điện thoại này vẫn có hai lớp viền bằng thép không gỉ (dùng trong thiết kế của đồng hồ Omega) ở mỗi bên và dày 3 mm, giúp nó bảo vệ mặt kính và điện thoại. Khi đánh rơi chiếc điện thoại này, người dùng sẽ không phải quá lo lắng về việc vỡ màn hình hay những điều tương tự. Và mặt sau của nó là một loại nhựa hiện đại với lớp cao su mang tên Dura Skin, theo tiêu chuẩn quân đội, chịu được rơi rớt từ 1,2 mét trở xuống ở 26 góc độ khác nhau.
LG V10 ra mắt năm 2015.
Vấn đề kỹ thuật
Có một lý do kỹ thuật khiến các nhà sản xuất smartphone dần chuyển sang thiết kế mặt lưng kính cho điện thoại. Nó liên quan tới tính năng hỗ trợ sạc không dây, theo chuẩn Qi. Khi bạn đặt điện thoại của mình lên một bộ sạc không dây, có một trường điện từ xuất hiện. Trường điện từ đó tạo ra dòng điện trong cuộn dây đặt ngay dưới mặt sau của điện thoại. Trên thực tế, dòng điện tạo ra không nhanh hơn việc bạn cắm sạc có dây. Nhưng nó mang lại cảm giác hiện đại và sang chảnh.
Nhưng hãy nhìn hình ảnh cái bếp từ ở trên. Bản thân cái bếp từ không tạo ra bất cứ nguồn nhiệt nào của riêng nó. Nhưng khi bạn đặt nồi hoặc chảo lên, trường điện từ xen kẽ giữa hai thứ. Đáy nồi hoặc chảo làm bằng vật liệu nhiễm từ, được dòng từ trường tác động và sinh ra nhiệt. Nhiệt lượng này chỉ có tác dụng với đáy nồi và hoàn toàn không thất thoát ra môi trường.
Nó phần nào giống như chiếc smartphone của bạn với bộ sạc không dây Qi. Bộ sạc như cái bếp từ và điện thoại có mặt lưng bằng kim loại như cái nồi, hiệu ứng xảy ra tương tự dù hiệu suất nhỏ hơn. Nó không nhất thiết phải đun sôi nước, nhưng có thể làm chảy nhựa hay nấu chín vi mạch...
Tất nhiên, có một phương thức sạc không dây sử dụng công nghệ khác, không chịu sự ảnh hưởng của vật liệu làm mặt lưng smartphone. Nhưng nó chưa phổ biến, do công nghệ và giá thành hoặc các lý do khác, khiến cho việc thay thế cho tiêu chuẩn Qi chưa thể triển khai ngay lập tức. Vì vậy, mặt lưng của smartphone vẫn đang đi theo xu hướng làm bằng kính và điều đó làm cho những chiếc smartphone này dễ bị hỏng hóc khi va chạm hơn.
Lý do kinh doanh
Có một điểm mấu chốt ở đây là: Việc được bao phủ bởi kính có khiến người dùng không mua điện thoại nữa hay không? Câu trả lời có vẻ như là không, chả ai quan tâm quá nhiều tới điều đó.
Hầu hết mọi người đã bỏ qua sự dễ vỡ của một chiếc điện thoại với mặt trước mặt sau toàn bằng kính, dù chất liệu kính mới đang ngày càng cứng và bền chắc hơn. Chúng cũng rất trơn, tuy nhiên, vấn đề này cũng không phải là yếu tố ảnh hưởng nhiều tới quyết định mua điện thoại.
Mọi người vẫn chi tiền điên cuồng cho một hoặc hai điện thoại mới mỗi năm, một cách liều lĩnh, điều khó có thể trông thấy trong các lĩnh vực chi tiêu khác. Ai chả thích mua mới hoặc nâng cấp điện thoại đúng không? Và do sự mong manh dễ vỡ này, nó đã mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất điện thoại, nhiều hơn những gì bạn có thể nghĩ tới.
Đầu tiên là yếu tố sửa chữa. Chi phí sửa điện thoại rất đắt, vì nhiều lý do, và nếu thiết bị dễ vỡ và được người dùng đem đi sửa chữa, nó mang lại lợi nhuận thêm cho nhà sản xuất điện thoại. Nếu một mẫu smartphone nào quá dễ vỡ, điều đó có thể bị quy trách nhiệm, nhưng chỉ khi đó là một tỷ lệ bị vỡ nhiều tới bất thường, so với phần còn lại của toàn ngành công nghiệp. Nhưng hiện nay, hầu hết các điện thoại đều dễ vỡ, khiến cho việc này trở thành điều hết sức bình thường.
Nhưng việc một chiếc smartphone dễ hỏng hóc khi chỉ rơi một lần, không chỉ là vấn đề sửa chữa. Nếu điện thoại một năm tuổi của tôi bị hỏng, có lẽ tôi sẽ sửa nó. Nhưng nếu điện thoại hai năm tuổi của tôi bị hỏng, tốt thôi, tôi có thể sẽ nâng cấp bằng việc mua một chiếc mới. Và đó chính là chìa khóa của vấn đề, người dùng sẽ làm điều đó, nâng cấp điện thoại của họ, sớm hơn bình thường. Hầu hết người dùng sẽ không bán lại điện thoại hoặc đem nó cho một người khác, sau khi bị rơi hỏng.
Các dòng điện thoại thông minh ngày nay, trên thực tế không có quá nhiều chênh lệch về cấu hình. Hầu hết người dùng có thể thoải mái với RAM 4GB, bộ nhớ 64 GB, camera trước sau. Do đó, việc nâng cấp vì nhu cầu sử dụng không nhiều và lý do hỏng hóc do rơi vỡ, bỗng nhiên trở thành một yếu tố thúc đẩy việc tăng doanh số cho các nhà sản xuất.
Và các nhà sản xuất, kinh doanh cũng có thêm một món hàng mới để kiếm lời khi điện thoại dễ hỏng hóc khi rơi. Đó là các gói bảo hiểm smartphone. Hãy nhìn lại giá các gói bảo hiểm như Apple hay Samsung, LG, Huawei... so với những gì được trải nghiệm cách đây vài năm. Đó rõ ràng là một con số không hề nhỏ. Khi điện thoại càng trở nên dễ vỡ hơn, chi phí này tăng lên và sức hấp dẫn của chúng cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Chẳng phải ngẫu nhiên mà ngày nay, các nhà sản xuất điện thoại lớn nào cũng cung cấp bảo hiểm.
Ví dụ, AppleCare + cho phép bạn "đập" điện thoại của mình hai lần trong thời hạn hai năm với giá 29 USD (màn hình) hoặc 99 USD (bất kỳ phần nào khác của điện thoại, bao gồm cả mặt sau bằng kính). Tổng cộng, đó là 199 USD trong hai năm, hoặc 299 USD bao gồm cả bảo hiểm trộm cắp và mất mát.
Đừng nghĩ rằng đó là 199 USD trên một chiếc điện thoại 999 USD. Hãy nhìn nhận nó là 20% giá bán. Bạn sẽ không tiêu số tiền đó nếu tin rằng điện thoại của mình không thể bị hỏng khi rơi vỡ. Nhưng khi Apple đã tạo ra một chiếc iPhone khá kém bền khi va chạm với mặt đất, thì các chính sách bảo hiểm ở trên lại là điều hợp lý đến tột cùng. Samsung cũng giới thiệu một chính sách tương tự, không lâu sau khi các mẫu điện thoại flagship của hãng được thiết kế với kính bao phủ xung quanh.
Smartphone "nồi đồng cối đá"
Như đã nói ở trên, việc smartphone ngày càng mỏng manh hoàn toàn là một quyết định về thiết kế. Điện thoại có thể dễ bị phá vỡ vì chúng được thiết kế để có thể bị phá vỡ nhanh chóng. Rõ ràng các nhà thiết kế có thể làm điều ngược lại.
Hoàn toàn không có lý do gì mà điện thoại phải dễ hỏng đến mức bạn cần phải mua thêm một chiếc ốp lưng siêu bền siêu chống sốc, chỉ để thỉnh thoảng quăng nó lên giường hay ghế sô pha.
Và đây là một bằng chứng cho điều này: Samsung Galaxy S8 Active. Về cơ bản giống như Galaxy S8, chỉ không có vỏ toàn bằng kính. Cạnh máy được làm bằng kim loại nhưng các góc máy lại được bọc bởi lớp cao su siêu bền, có thể giúp nó "sống sót" trong thế giới khắc nghiệt mà không cần mua thêm ốp lưng. Nhưng dường như công ty Hàn Quốc đã bỏ qua S9 Active và cũng chưa có thông tin rò rỉ nào về phiên bản S10 Active. Dường như nhà sản xuất smartphone này cũng không muốn thay đổi xu hướng kém bền, dễ vỡ đang thịnh hành và mang lại nhiều lợi ích lâu nay.
Tham khảo Quora