Tại sao đến giờ Trung Quốc mới cho phép xuất khẩu ồ ạt ô tô cũ?

Phong Ninh |

Có nhiều lý do để đến thời điểm này Trung Quốc mới có những đơn hàng xuất khẩu số lượng lớn ô tô đã qua sử dụng sang các thị trường mới nổi.

Không như những nước phát triển khác như Nhật Bản và Mỹ đã xuất khẩu ô tô cũ sang các nước phát triển hàng chục năm nay, mới đây Bộ thương mại Trung Quốc mới thông báo về lô hàng xuất khẩu ô tô đã qua sử dụng đầu tiên.

Tại sao đến giờ Trung Quốc mới cho phép xuất khẩu ồ ạt ô tô cũ? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Lô hàng này gồm 300 chiếc, tổng trị giá 2,5 triệu USD xuất sang Campuchia, Nigeria, Myanmar và Nga; trong đó có nhiều thương hiệu trong và ngoài Trung Quốc như: Land Rover, Toyota, Hyundai, Volkswagen, Trumpchi, King Long, Yutong, Zhongtong và WOHO.

Lý do đầu tiên được nhắc đến cho việc không xuất khẩu ô tô cũ là do công nghệ nội địa không đủ mạnh khiến những chiếc xe đã qua sử dụng chất lượng kém, ảnh hưởng thậm chí hủy hoại danh tiếng công ty sản xuất.

Đáng mừng là những năm gần đây, chất lượng xe ô tô của Trung Quốc đã được cải thiện và nâng cao hơn nhiều. Khách hàng ở các nước phát triển đã có xu hướng chọn các hãng xe này thay thế cho ô tô cũ của Toyota hay Ford.

Tuy nhiên tình hình trở nên cấp bách hơn trong năm nay khi nền công nghiệp ô tô Trung Quốc đang đình trệ. Hàng tồn kho tăng vượt mức an toàn. Trong khi đó ở chiều ngược lại, thị trường xe đã qua sử dụng toàn cầu đang phát triển "bùng nổ".

Số ô tô cũ bán được ở những nước phát triển gấp hơn hai lần so với doanh số xe mới. Năm 2017, ước tính 39,3 triệu xe cũ được bán ra, vượt xa doanh số bán xe mới là 17, 1 triệu chiếc.

Tại sao đến giờ Trung Quốc mới cho phép xuất khẩu ồ ạt ô tô cũ? - Ảnh 2.

Ngành buôn bán ô tô cũ đang phát triển "bùng nổ"

Đơn cử như tại Mỹ, vào năm 2018 chỉ có 17,3 triệu xe mới được bán ra, trong khi doanh số xe cũ là 40,2 triệu chiếc.

Khoảng cách này được dự báo sẽ còn nới rộng hơn trong năm nay 2019, bởi giá xe mới liên tục leo thang trong khi một lượng lớn xe đã qua sử dụng sắp hết hạn cho thuê và có thể được bán đi.

Nhận ra cơ hội này, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã quyết định chọn xuất khẩu ô tô cũ là phương pháp để "kích thích sức tiêu thụ của thị trường ô tô nội địa". Tính riêng năm 2018, Trung Quốc đã bán hơn 28 triệu xe mới và gần 14 triệu xe cũ.

Người ta ước tính rằng với 300 triệu chiếc xe đã đăng kiểm và dự báo sẽ được xuất khẩu trong thời gian tới, ngành này có thể mang lại khoảng 60 tỷ nhân dân tệ cho Trung Quốc về giá trị xuất khẩu nếu thị trường được mở hoàn toàn. Giao dịch ​​thương mại tăng sẽ tạo ra thị trường lớn cho xuất khẩu phụ tùng ô tô và dịch vụ bảo trì.

"Kẻ khóc người cười"

Số ô tô cũ xuất khẩu của Trung Quốc đang khởi đầu ở mức khiêm tốn và sẽ tốn thời gian để nước này có thể đuổi kịp các đối thủ đã khẳng định được tên tuổi.

Tuy nhiên, trong dài hạn Trung Quốc sẽ có nhiều ô tô cũ để bán hơn bất cứ quốc gia nào và ngành xuất khẩu xe hơi đã qua sử dụng của nước này tất yếu sẽ dẫn đầu thế giới. Việc này báo hiệu sự cạnh tranh mạnh mẽ sẽ nảy sinh đối với ngành ô tô toàn cầu.

Tại sao đến giờ Trung Quốc mới cho phép xuất khẩu ồ ạt ô tô cũ? - Ảnh 3.

300 triệu ô tô Trung Quốc đã được đăng kiểm - con số lớn nhất thế giới dự báo một nguồn cung xe cũ dồi dào

Gia tăng nguồn cung ô tô cũ chắc chắn sẽ đẩy giá xuống, đặc biệt ở những thị trường mới nổi như Nigeria và Campuchia, nơi các nhà xuất khẩu xe hơi Trung Quốc sẽ "marketing" sản phẩm của họ.

Những người mua ô tô tương lai ở Lagos (Nigeria) cũng như những quốc gia đang phát triển có thể vui mừng, bởi trong dài hạn thương vụ này sẽ tác động tới doanh số xe mới và thậm chí là cả nền sản xuất ở những nước này do đều nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các nhà sản xuất ô tô.

Ngược lại với đó là những nước phát triển, đơn cử tại Mỹ: cạnh tranh về giá khiến ít ô tô được xuất khẩu hơn dẫn đến cuộc cạnh tranh giữa xe mới và cũ của những nước này càng trở nên khốc liệt.

"Thương lái" đồ cũ dày dặn kinh nghiệm

Các nhà máy ở Trung Quốc đã giảm chi phí các mặt hàng mới từ hơn ba mươi năm nay. Số lượng lớn hàng hóa cũ được mua sắm sẽ làm giảm áp lực lên giá của cả những sản phẩm mới cũng như cũ ở khắp mọi nơi.

Đơn cử như ở thị trường quần áo "secondhand". Khi Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất và tiêu dùng hàng may mặc lớn nhất thế giới, nước này đồng thời cũng trở thành nguồn thải bỏ hàng may mặc lớn nhất, với ước tính khoảng 26 triệu tấn đồ cũ hàng năm. (Mỹ thải bỏ khoảng 16 triệu tấn quần áo năm 2015, theo số liệu được công bố gần nhất).

Số liệu về quần áo cũ xuất khẩu của Trung Quốc khá ít, nhưng trong 2015 nước này đã xuất khẩu chính thức 218,2 triệu USD hàng may mặc đã qua sử dụng, trong khi số liệu này của Mỹ là 575,5 triệu USD.

Tại sao đến giờ Trung Quốc mới cho phép xuất khẩu ồ ạt ô tô cũ? - Ảnh 4.

Trong lĩnh vực này, Trung Quốc được công nhận rộng rãi là nước có nguồn cung hàng may mặc cũ tăng trưởng nhanh nhất trên toàn cầu.

Giới thương lái Tây Phi thì khẳng định rằng sự tăng vọt số lượng quần áo Trung Quốc nhập khẩu gần đây đã giúp hạ giá thị trường quần áo cả cũ cũng như mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại