Hãy bình tĩnh đọc hết các ưu đãi mà UBND tỉnh Ninh Thuận cam kết, đề nghị cho Tập đoàn Hoa Sen (HSG) được hưởng.
Hoa Sen sẽ được cấp khoảng 1.400ha diện tích đất sạch, đã hoàn tất giải phóng mặt bằng. UBND tỉnh Ninh Thuận cam kết thực hiện các “hành động cần thiết” để đạt được sự chấp thuận của Bộ Công Thương nhằm đáp ứng yêu cầu của HSG về việc cung cấp đủ điện cho dự án. Họ cũng được cam kết sẽ cung cấp đủ 250.000 - 300.000m3 nước/ngày đêm đảm bảo sản xuất từ 6-12 triệu tấn thép.
UBND tỉnh Ninh Thuận tiếp tục cam kết sẽ xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đến hàng rào Khu công nghiệp Cà Ná.
Mạnh hơn nữa, UBND tỉnh này còn cam kết cùng chủ đầu tư kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt 69 năm triển khai dự án…
Ngoài ra, UBND Ninh Thuận sẽ cùng với chủ đầu tư kiến nghị Chính phủ cho phép giảm 50% thuế thu nhập cá nhân làm việc ở dự án; được miễn thuế đối với nhập khẩu máy móc, thiết bị, linh kiện sản xuất…
Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ tuyên bố không xả một giọt nước thải ra môi trường và sẵn sàng đền bù tất cả tài sản, ra tòa nếu vi phạm.
Người viết bài này chưa hiểu ông ấy làm thế nào với cam kết trên bằng công nghệ lò cao, thứ mà cả thế giới đã chê lạc hậu và Formosa đang làm.
Còn đền bù ư? Giá nào cho vùng biển thuộc hàng đẹp nhất hành tinh với Phan Thiết phía trong và Nha Trang phía ngoài? Liệu tài sản 4.000 - 5.000 tỉ của ông Vũ có bù nổi cho một thảm họa tương tự Formosa đã gây ra?
Khi chưa có báo cáo tác động môi trường mà đã vội trấn an Cà Ná vẫn trong lành và yên bình như xưa, có lẽ người ta còn cầm đèn chạy trước cả máy bay.
Và cực kỳ ngơ ngác hơn nữa nếu biết Chính phủ đã có ý kiến tạm dừng cấp giấy phép đầu tư các dự án thép, nhưng dự án của Hoa Sen vừa kịp vào quy hoạch giai đoạn 2020-2025 vào ngày 28.8.2016(!?)
Chưa bàn tới vốn đâu ông Vũ đổ vào siêu dự án 11,5 tỉ USD với tài sản tất tay ước chừng vài ba trăm triệu USD bởi có thể ông ấy có tài vay và xoay xở. cũng chưa biết Ninh Thuận lấy nước đâu ra để cấp đủ 300.000m3/ngày cho nhà máy khổng lồ này trong khi năm nào cũng hạn hán nhất nước?
Chỉ ngỡ ngàng với cách người ta ưu đãi và cam kết cùng những lý do mọi giá phải có nhà máy thép cạnh biển xanh và vùng đất tuyệt đẹp.
Người viết bài này không phản đối cực đoan hay góp phần chặn đà phát triển của tỉnh hay tập đoàn nào mà chỉ muốn ai đó cho thêm những lý do để biết mình sai, cùng càng mong mỏi hơn những điều chính đáng để mọi người an tâm không có “Formosa Ninh Thuận”.
Cuối cùng, giả như nếu Chính phủ không chấp nhận những điều UBND tỉnh Ninh Thuận cam kết với Hoa Sen thì họ sẽ làm thế nào?