Charles Darwin cho rằng nước mắt là một phản ứng phụ thông thường của việc thay đổi cơ mặt. Đây cũng là một ngoại lệ cho nhận định những chi tiết không cần thiết sẽ bị đào thải trong quá trình tiến hóa.
Tuy nhiên Giáo sư Sophie Scott đang tham gia nghiên cứu và giảng dạy bộ môn Khoa học Thần kinh tại trường Đại học London, lại đã đưa ra những giải thích khác cho phản xạ tự nhiên này.
Trước đó, bà từng xuất hiện trong chương trình truyền hình nổi tiếng TED Talk với chủ đề Why We Laugh.
Nhiều loài thú có vú như voi, chó, mèo có khả năng tiết ra chất lỏng chứa protein, enzymes, lipid và các chất khác trong tuyến lệ, theo một cách nói khác thì chúng cũng có nước mắt. Nhưng những loài này chỉ có thể làm mắt ướt và tỏ ra buồn bã chứ chưa thể "khóc" như con người.
Những loài động vật gần với chúng ta nhất là tinh tinh hay khỉ cũng không biết khóc, thay vì đó chúng sử dụng âm thanh phát ra tử cổ họng để biểu thị trạng thái vui/buồn/tức giận của mình.
Trong khi đó, con người cũng tiết ra nước mắt khi bị bụi bay vào mắt, nhưng chúng ta còn có thể sản sinh nước mắt khi thể hiện các trạng thái cảm xúc vui, buồn nào đó.
Clip được VnReview tổng hợp và Việt hóa từ How Stuff Works và Business Insider:
Bà Sophie Scott nhận định khóc là phản xạ do sự thay đổi nhanh chóng trong hệ thần kinh giao cảm, con người khóc vì nỗi buồn, khóc vì niềm vui… hay vì rất nhiều các lý do khác nhau liên quan tới cảm xúc.
Đa phần chúng ta đều ghét khóc và cảm thấy thật tồi tệ khi khóc, nhưng có tới 80% con người cảm thấy dễ chịu hơn sau khi khóc.
Đây được coi là tác dụng tích cực của việc khóc. Chúng ta sẽ khóc khi có chuyện gì đó xảy ra, khi sự lo lắng và cơn đau được đẩy lên cao trào, và sau đó là những khoảnh khắc bình tâm, nhẹ nhàng.
Thí dụ, bạn đã có một tuần làm việc tồi tệ với liên tiếp các thất bại trong các công việc quan trọng. Bạn bật khóc trong tuyệt vọng và cần một khoảng thời gian để nghỉ ngơi, sau đó bạn tiếp tục công việc với một tâm trạng nhẹ nhõm và thoải mái hơn.
Rất nhiều người không muốn khóc nhưng đó lại là một trong những cách tốt nhất để đem lại sự cân bằng cho cảm xúc.
Tuy nhiên, khóc nhiều hay ít không hẳn là quá trình tự nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy chính nền văn hóa đã tạo ra sự kiềm chế cảm xúc của con người. Thí dụ tại nước Anh ngày nay chúng ta sẽ ít thấy cảnh mọi người khóc.
Nam giới và người trưởng thành lại càng hiếm khi khóc hơn. Đây là một sự thay đổi lớn nếu so với 150 năm trước, khi khóc được cho là một hành vi thông thường của mọi người, kể cả nam giới, diễn ra trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Trước kia, người đàn ông khóc là để giải tỏa những cảm xúc hay tìm lại sự thăng bằng trong cuộc sống khi phải chịu đựng điều gì đó. Thì nay điều đó đã đổi thay, nhiều người Anh cho rằng hành động người đàn ông khóc là kỳ quặc và khó chấp nhận.
Nhưng đó là tại Anh, còn tại nhiều quốc gia khác bạn vẫn sẽ bắt gặp cảnh nam giới khóc để bày tỏ sự tuyệt vọng hoặc xám hối về điều gì đó.
Tóm lại, khóc là một phản xạ rất tự nhiên mà chỉ có con người mới có. Nó cũng là một phần không thể thiếu với cơ thể mỗi người, đồng thời là một điểm nhấn trong bức tranh cảm xúc của loài người.
Tuy nhiên mỗi người lại có một cách thể hiện cảm xúc khác nhau, đó là bởi sự khác biệt của nền văn hóa và giới tính của con người.