“Ông vua” của loài cua - cua Hoàng đế là ngôi sao góp mặt trên bàn ăn của những bữa tiệc cao cấp, nhà hàng sang trọng, thuộc vào hàng những của ngon vật lạ mà đôi khi cả đời một người chưa chắc đã được nếm thử. Vì chúng có giá thành đắt đỏ, cũng không phổ biến ở tất cả các quốc gia. Trên thế giới có khoảng 40 loài cua Hoàng đế rải rác ở các vùng biển, nổi tiếng nhất là thương hiệu cua Hoàng đế Alaska (Mỹ). Ở Việt Nam và Trung Quốc, 100% cua Hoàng đế phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Là loại hải sản quý và bổ, cua Hoàng đế chỉ cần nghe tên đã biết đắt đỏ rồi!
Dù vậy, thực khách hầu hết chỉ có thể ăn phần chân cua, phần thân cua Hoàng đế lại bị bỏ đi dù chiếm khối lượng không nhỏ. Đặc biệt ở nước ngoài, người ta còn bán cua Hoàng đế theo chân, theo càng, phần thân thì nghiễm nhiên bỏ đi. Vì sao lại như vậy?
Lý giải điều này, tờ The New York Times cho biết thực chất thân cua Hoàng đế gần như không có thịt, chỉ có vỏ và nội tạng. Chỉ có vài loài trong họ Hoàng đế là có thể ăn gạch cua trong thân, và cũng tuỳ mùa. Thịt cua Hoàng đế ngon nhất, lớn nhất thì nằm ở những chiếc chân và càng. Không như những loại cua khác có 8 chân thì cua Hoàng đế chỉ có 6, cùng với 2 càng. Thậm chí, thịt càng cua còn không ngon bằng thịt chân cua.
Một lý do khác được đưa ra là bởi yếu tố đảm bảo vệ sinh. Thân cua là phần dễ bị nhiễm ký sinh trùng, kim loại nặng và các tạp chất khác. So với thân thì chân cua có ít tạp chất hơn.
Cũng bởi những lý do trên mà ở các nước châu Âu và một số nước khai thác được cua Hoàng đế ngoài tự nhiên, họ thẳng thừng bỏ phần thân cua đi hoặc chỉ bày cho đẹp. Phần chân cua được bán riêng, kể cả trên các trang thương mại điện tử. So với những nước phải nhập khẩu thì cua Hoàng đế ở những quốc gia này có giá không quá cao, khoảng 1,2 triệu/kg. Kích thước chân, càng cua lớn thì giá càng cao.
Ấy vậy khi nhập khẩu về Việt Nam, cua Hoàng đế hiếm khi được xé lẻ. Người mua có thể tìm thấy mặt hàng cua đông lạnh hoặc còn tươi nguyên, thậm chí là còn sống nhưng đa số đều phải mua cả con. Giá trung bình trên 1,5 triệu/kg với loại đông lạnh. Như vậy trong nhiều trường hợp, người Việt đã mua thêm phần thân cua trong khi chưa chắc đã ăn được, trong khi chiếm khối lượng không nhỏ.
Ngoài ra khi mua hàng, người mua cần đặc biệt chú ý chọn địa chỉ uy tín vì mức giá giữa những loại cua Hoàng đế có sự chênh lệch lớn. Cua Hoàng đế Alaska, cua Hoàng đế Nga là những loại đắt nhất, ngoài ra còn có gần 40 loại khác… Nếu không biết cách phân biệt, bạn có thể sẽ mua nhầm cua Hoàng đế thường nhưng bị tính giá theo loại Alaska. Đã bỏ mấy triệu ra để mua mấy cái chân cùng 1 chiếc thân bỏ đi thì đừng chọn hớ nha!
Nguồn: Tổng hợp