Hãy nhìn hai khối rubic dưới đây. Bạn có nhận ra các mảnh màu đỏ của khối bên trái thực ra có màu cam? Còn khi chuyển sang khối bên phải chúng lại thực ra có màu tím.
Nhưng tại sao não bộ của chúng ta đều diễn giải chúng có cùng một màu đỏ? Vấn đề hoá ra nằm ở ánh sáng chiếu vào đó. Bộ não của bạn tự biết khử ánh sáng vàng ở tấm hình bên trái đang phủ lên khung hình để trả lại màu sắc thực cho các miếng ghép màu đỏ. Tương tự, nó khử ánh sáng xanh ở tấm hình bên phải để làm sắc tím biến mất.
Đây là một ví dụ điển hình cho một hiện tượng được gọi là "hằng số tri giác", trong đó, não bộ của bạn có khả năng nhận ra cùng một đối tượng trong các môi trường và dưới các điều kiện ánh sáng khác nhau.
Mặc dù nó đã đánh lừa chúng ta trong một ảo ảnh vô hại, hằng số tri giác thực ra là một món quà của tạo hoá. Hãy thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu tổ tiên chúng ta không có khả năng làm điều đó.
Một người đàn ông sẽ không nhận ra người trong bộ tộc của chính mình chỉ vì anh ta đen hơn khi đứng dưới bóng cây hay bị một đám mây che khuất. Khi anh ta về nhà để đối mặt với ngọn lửa trong hang tối, người đàn ông ngay lập tức bị coi là một kẻ xâm phạm lãnh thổ và không biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó.
Mà có lẽ là không có sau đó nữa. Con người có thể sẽ tuyệt chủng nếu không có "hằng số tri giác". Khả năng nhận diện đối tượng bất chấp môi trường phải nằm trong bộ công cụ sinh tồn của giống loài chúng ta.
Thị giác của chúng ta bắt đầu dễ bị lừa từ tháng tuổi thứ 5
Nhưng có một sự thật, hằng số tri giác không hẳn là một khả năng bẩm sinh của con người, hoặc có lẽ chỉ là một nửa. Những đứa trẻ dưới 8 tháng tuổi được cho là chưa phát triển "hằng số tri giác", do đó, nó có thể không nhận ra chính người bố của mình chỉ cần ông ấy cạo râu.
Hãy nhìn hình ảnh dưới đây. Nếu phải chọn ra một con ốc sên khác biệt nhất với hai con còn lại, bạn sẽ chọn con nào?
Đa số người trưởng thành sẽ chọn con ốc sên C vì trông nó có vẻ tối nhất. Nhưng nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ sơ sinh sẽ chọn con ốc sên A. Trên thực tế, đó là đáp án đúng vì con ốc sên B và ốc sên C có cường độ điểm ảnh - hay nhiều pixel giống nhau hơn. Đối với những đứa trẻ sơ sinh, đó là đặc điểm chúng dùng để phân biệt các đối tượng.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Biology, một nhóm các nhà tâm lý học do Jiale Yang tại Đại học Chuo, Nhật Bản dẫn đầu đã phát hiện ra điều này khi thực hiện một thử nghiệm với 42 đứa trẻ sơ sinh từ 3 đến 8 tháng tuổi.
Yang đã cho những đứa trẻ nhìn hàng loạt cặp ảnh từ ảnh chụp vật thể thực cho đến vật thể 3D. Bởi vì trẻ sơ sinh không thể mô tả những gì chúng nhìn thấy, nhóm nghiên cứu đã đo thời gian các em bé nhìn vào mỗi hình ảnh.
Nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng trẻ sơ sinh nhìn những đồ vật mới lạ lâu hơn so với những đồ vật mà chúng quen thuộc. Điều này có nghĩa là dựa trên thời gian chú ý của trẻ, các nhà khoa học có thể biết khi nào trẻ nhận thức 2 hình ảnh là khác hay giống với nhau.
Nếu đứa trẻ dành ít thời gian hơn để nhìn vào hình ảnh thứ hai so với hình ảnh đầu tiên, điều đó cho thấy rằng đứa trẻ đã chán vì sự giống nhau giữa chúng. Nhưng nếu đứa trẻ nhìn vào hình ảnh thứ hai trong một khoảng thời gian tương đương với những gì nó đã dành cho hình ảnh đầu tiên, điều này chứng minh hai hình ảnh có sự khác biệt.
Kết quả thí nghiệm cho thấy những đứa trẻ sơ sinh từ 3-4 tháng tuổi có khả năng phân biệt các hình ảnh có sự khác biệt về chi tiết mà không bị ánh sáng đánh lừa. Chẳng hạn như trong hình ảnh này, người lớn có thể cho rằng ô vuông A sáng hơn ô vuông B, nhưng thực ra chúng có cùng một màu và cùng độ xám.
Hiệu ứng gây ra bởi cái bóng của vật thể làm ô vuông B trông tối hơn. Nhưng một đứa trẻ 3-4 tháng tuổi không bị đánh lừa bởi điều đó.
Thật đáng tiếc, siêu năng lực này sẽ biến mất khi đứa trẻ lên 5 tháng tuổi.
Cái giá của sự đánh đổi
Tiếp tục các thử nghiệm mới, các nhà khoa học nhận thấy ở tầm 7-8 tháng tuổi, trẻ bắt đầu chú ý vào các đặc tính bề mặt như bóng hoặc nhám mờ của vật thể mà bỏ qua sự khác nhau giữa từng pixel với pixel hình.
Các nhà khoa học gọi sự thay đổi này là quá trình thu hẹp nhận thức, trong đó, sự chú ý được tập trung vào các khía cạnh nổi bật của vật thể thay vì toàn bộ những khác biệt chi tiết khác.
Nó cũng liên quan đến một hiệu ứng được gọi là "che khuất tầm nhìn". Trong đó, trẻ từ 7-8 tháng tuổi trở lên và người lớn thường chú ý hơn đến những kích thích xuất hiện sau trong tầm nhìn của họ ngay cả khi những kích thích này không che mờ hoặc đè lên hình ảnh trước đó.
Chẳng hạn trong một thí nghiệm mới cũng do Đại học Chuo thực hiện, các nhà khoa học nhận ra những đứa trẻ 3-4 tuổi không bị ảnh hưởng bởi các dấu chấm hoặc vòng tròn xuất hiện bao lấy một khuôn mặt người, còn sự chú ý của người lớn sẽ bị thu hút hết vào đó:
Đây có thể là kết quả sự phát triển của "hằng số tri giác", khi những đứa trẻ 7-8 tháng tuổi đã học được việc đánh giá những thông số môi trường và coi các kích thích trước đó là một hằng số không đổi, chúng sẽ không còn giữ tập trung vào đó nữa.
Thật đáng tiếc, đó cũng là khi những đứa trẻ mất đi khả năng phát hiện ra những khác biệt chi tiết của vật thể và bắt đầu bị đánh lừa bởi những ảo ảnh thị giác.
"Điều này có vẻ trái ngược với trực giác", giáo sư Masami Yamaguchi, tác giả nghiên cứu mới tại Đại học Chuo cho biết. Nhưng rõ ràng cái giá mà những đứa trẻ đổi được là lớn hơn.
"Hằng số tri giác" mới là thứ chúng ta cần để lớn lên và điều chỉnh được nhận thức của mình trong môi trường sống phức tạp - chứ không phải việc tìm ra con ốc sên nào giống nhau hơn hay hai ô vuông trong một bức ảnh thực ra có cùng một màu.