Hơn một nửa chặng đường của năm 2018 đã trôi qua, có thể thấy xu thế hiện nay là cuộc chạy đua không viền (bezel-less) như iPhone X giữa các nhà sản xuất smartphone. Để làm tai thỏ giống iPhone X không khó, nhưng làm sao "gọt cằm" cho cạnh dưới mỏng và đều như các cạnh bên thì chưa có một sản phẩm nào làm được?
Mới đây nhất, sản phẩm Oppo Find X, flagship đến từ Trung Quốc đã sử dụng màn hình OLED nhưng cạnh dưới vẫn bị dày hơn nhiều so iPhone X.
Từ những chiếc flagship có "tai thỏ" như LG G7 ThinQ, Huawei P20 Pro, One Plus 6 cho đến những smartphone được quảng cáo là "siêu phẩm không viền màn hình" mới ra mắt là Vivo Nex và Oppo Find X, tất cả chúng đều có một điểm chung là có phần "cằm" rất lớn, trong khi iPhone X thì phần "cằm" không hề tồn tại.
Đây có thể nói là kiểu thiết kế rất "phản khoa học". Nếu mục đích của "tai thỏ" là để tăng diện tích màn hình khả dụng của thiết bị, tại sao còn giữ phần "cằm" dày như vậy? Nếu đã sao chép "tai thỏ" rồi, sao các nhà sản xuất Android này không xóa bỏ phần cạnh dưới màn hình đi?
Tại sao Oppo hay Vivo không loại bỏ nốt phần "cằm" để cho cân đối? Vì các hãng muốn thế, vì Android phải thế, hay vì lý do nào khác?
Trước hết, để trả lời cho câu hỏi này chúng ta cần biết cạnh dưới của smartphone chứa gì?
Hầu hết các smartphone ở thời điểm hiện tại đều có chung một lựa chọn thiết kế cho phần cạnh dưới, bao gồm loa ngoài, mic thoại, cổng tai nghe 3.5mm (nhiều hãng quyết định bỏ cổng này và tích hợp luôn vào cổng sạc để giảm độ dày thân máy), cổng kết nối (USB-C, Micro USB), mạch điện cho màn hình và phần quan trọng nhất là cổng kết nối dữ liệu từ máy vào màn hình.
Màn hình chỉ là phần hiển thị, mọi smartphone đều phải có chip để xử lý hình ảnh cũng như cổng để kết nối vào bo mạch của máy. Nó luôn chiếm một phần không gian nhất định, và các nhà sản xuất smartphone thường đặt nó quay xuống cạnh dưới.
Tại sao iPhone X giấu được các linh kiện dưới màn hình?
iPhone X là chiếc điện thoại duy nhất trên thị trường có 4 viền máy mỏng như nhau vì Apple đã đặt hàng Samsung làm riêng tấm nền màn hình OLED có thể uốn cong để mang phần kết nối vào giữa máy thay vì ở dưới máy như các tấm nền khác.
Cạnh dưới của tấm nền iPhone X đã được bẻ cong ngược ra phía sau (phần dải sáng màu). Ảnh: BRG.
Giải pháp của Apple đã không còn là bí mật nhưng tại sao các hãng sản xuất Android không làm theo? Các sản phẩm Android tầm trung và giá rẻ không thể làm được như vậy là dễ hiểu bởi màn hình OLED rất đắt đỏ, nhưng còn các flagship Android thì sao?
Samsung là nhà sản xuất tấm nền OLED lớn nhất thế giới, và smartphone của họ cũng đã dùng màn hình OLED từ lâu (AMOLED cũng là một loại OLED), vậy tại sao cho đến nay chúng ta vẫn chưa thấy chiếc điện thoại không viền hoàn toàn nào từ gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc?
So sánh phần màn hình khả dụng giữa iPhone X và Samsung Galaxy S9. Nguồn ảnh: Tinh Tế
Nhà sản xuất Trung Quốc Oppo cũng chưa thành công trong nỗ lực trong việc "gọt cằm". Nếu như người anh em Vivo Nex của Oppo có "cằm" đã mỏng hơn so với điện thoại Android thường thấy thì đến Oppo Find X, chiếc cằm còn mỏng hơn. Cả hai đều sử dụng màn hình OLED. Vậy mà, nó vẫn dày hơn iPhone X đáng kể.
Câu trả lời là khá rõ ràng: để làm được như iPhone X, không chỉ là về chi phí mà còn về năng lực sản xuất. Giải pháp của Apple thoạt nhìn thì có vẻ đơn giản, cộng với trên lý thuyết màn hình OLED có thể uốn cong, nhưng không phải nhà sản xuất nào cũng bắt chước được. Bởi đó là kết quả của cả một quá trình đầu tư nghiên cứu.
Từ năm 2013, Apple đã mời chuyên gia kỳ cựu về OLED Jueng Jil Lee của LG Display về làm việc, đồng thời không ngừng tìm kiếm nhân tài phát triển công nghệ màn hình.
Apple cũng đang nghiên cứu giải pháp để có iPhone LCD thiết kế toàn màn hình giống như iPhone X.
Để làm được việc này, Apple phải thiết kế con chip LED nhỏ đi, kích cỡ LED 0.3t thay vì 0.4t đã và đang được dùng trên các tấm màn hình LCD giúp giảm kích thước cạnh dưới xuống 2 tới 2,5 mm. Tất nhiên, tích hợp chip LED 0.3t vào tấm màn hình LCD khó khăn hơn bởi yêu cầu độ chính xác và ổn định cao hơn so với chip LED 0.4t.
Ngoài ra, còn một yếu tố rất quan trọng khác ảnh hưởng đến khả năng loại bỏ phần "cằm" của các hãng Android: Giá cả.
Hàng năm trời phát triển của Apple tất nhiên không phải "miễn phí". Tất cả đều được tính vào giá sản phẩm, vì vậy iPhone X không ngạc nhiên khi có giá 1.000 USD. Trong khi đó, các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc thừa hiểu rằng thị trường không thể chấp nhận sản phẩm của họ giá 1.000 USD.
Ảnh render Bphone 3 với màn hình tràn viền, tràn đáy
Tuy nhiên, mới đây nhất, hình ảnh thiết kế Bphone 3 của hãng smartphone "Apple Việt Nam" nộp lên Cục Sở hữu trí tuệ cho thấy máy sẽ loại bỏ được phần cằm, mỏng đều như iPhone X.
Chưa rõ giải pháp của Bkav như thế nào nhưng nếu Bphone 3 thực sự như vậy thì đây sẽ là một đột phá công nghệ mà nhà sản xuất smartphone Việt Nam đạt được và là smartphone Android đầu tiên tràn viền không cằm như iPhone X.
Bphone 3 được dự kiến ra mắt và đầu tháng 10 tới đây. Những thông tin rò rỉ cho thấy, Bphone qua ba thế hệ vẫn kiên trì triết lý thiết kế phẳng, chất liệu khung nhôm, hai mặt kính cao cấp nhưng ở Bphone 3 có nhiều điểm khác biệt: bo khung cứng cáp hơn nhưng vẫn mềm mại, cảm biến vân tay được đưa ra mặt sau lưng và màn hình tràn viền giúp cho tỷ lệ màn hình mở rộng hơn trong khi kích thước máy không nhiều thay đổi.