Tại sao các cầu thủ đẳng cấp thế giới vẫn cứ dày mặt ăn vạ, lăn lộn trên sân cỏ?

Dink |

Đây là một trong những chiến thuật bóng đá đã được các kịch sĩ sân cỏ hoàn thiện hóa đến mức cận hoàn hảo.

World Cup năm nào cũng vậy, bên cạnh những bàn thắng, những màn ăn mừng và những giọt nước mắt là những tranh cãi. Niềm vui có thể đến với những nhóm cổ động viên nhất định, nhưng cứ có kịch hay thì ai cũng thích thú xem. Điển hình nhất, ta có những pha ăn vạ của vô số các cầu thủ mà có vẻ là càng nổi tiếng thì họ ăn vạ càng khéo.

Tại sao các cầu thủ đẳng cấp thế giới vẫn cứ dày mặt ăn vạ, lăn lộn trên sân cỏ? - Ảnh 1.

Trong tuần đầu tiên của World Cup 2018, Lucas Hernandez của đội tuyển Pháp thừa nhận mình đã ngã giở vờ trong chiến thắng 2-1 trước đội tuyển Úc, anh làm vậy với mong muốn trọng tài rút thẻ đỏ với trung vệ Mathew Leckie của Úc.

Hậu vệ Gerard Piqué "buộc tội" đội trưởng của Bồ Đào Nha, Cristiano Ronaldo đã ngã giả vờ để được hưởng penalty. Piqué nói rằng Ronaldo luôn có thói quen "tự ném mình xuống đất".

Tiền đạo Luis Suárez của Uruguay trong trận đấu với Bồ Đào Nha đã có vô số pha bóng tiểu xảo làm người xem không khỏi bực mình: những pha ngã của anh kịch đến mức đến cả trọng tài cũng "đọc ra vị", thấy anh này lăn lộn cũng kệ. Suárez sau khi thấy trọng tài không phản ứng gì, lập tức bật dậy tiếp tục thi đấu. Còn Neymar thì vô vàn ví dụ.

Tại sao các cầu thủ đẳng cấp thế giới vẫn cứ dày mặt ăn vạ, lăn lộn trên sân cỏ? - Ảnh 2.

Những sự việc mang tính chất "cơm bữa" này chẳng còn xa lạ với những người xem bóng, nhưng hình ảnh xấu xí này vẫn làm đau lòng người hâm mộ. Cho tới khi những pha ngã này vẫn còn đem lại lợi ích, nó vẫn cứ sẽ diễn ra.

"Tôi coi nó như là một kĩ năng vậy", Alexi Lalas, một cựu tuyển thủ bóng đá nổi tiếng của Mỹ nói. "Có những pha ngã vờ hay mà có những pha ngã rất tệ, tôi không coi chúng là một lời lăng mạ tới môn thể thao vua hay những ai hứng chịu hậu quả của cú ngã ấy".

Nhìn thì gây ức chế thật đó, nhưng những cú ngã kia đều được hậu thuẫn bởi những suy nghĩ logic đến lạnh lùng. Những cầu thủ chuyên nghiệp đã biến ngã giả vờ thành một chiến thuật đầy chất nghệ thuật, mang lại những kết quả cực kì có lợi trong một trận đấu lớn, dù họ biết là đang có hàng triệu ánh mắt dõi theo từng cái nhăn nhó giả vờ trên khuôn mặt họ.

May mắn là mỗi lần họ ngã, ta lại có số liệu để mà tổng hợp và nghiên cứu. Kết quả cho thấy cầu thủ ngã giả vờ khi họ có được những kết quả khả quan nhất có thể xảy ra.

Đây là lý do tại sao các cầu thủ lại giả vờ ngã

Lý do hiển nhiên nhất: là để cầu thủ đối phương bị trọng tài nhẹ thì nhắc nhở, mà nặng thì rút thẻ phạt. Khi tiếng còi thổi phạt vang lên, trận đấu sẽ bị dừng lại, đội tuyển bị phạm lỗi sẽ được một quả đá phạt.

Nếu như lỗi mà xảy ra trong vòng 16 mét 50 thì càng tuyệt vời: chẳng ai chê cơ hội để có được bàn thắng trên chấm penalty. Chiến thuật tốt nhất để có được những điều trên là ngã giả vờ.

Các nhà nghiên cứu xem xét kĩ vấn đề này thấy rằng việc lừa lọc để hưởng lợi … đầy rẫy trong thế giới tự nhiên. Lừa đảo luôn là cách lấy ưu thế tốt nhất mà tốn ít sức lực nhất, chẳng ngạc nhiên khi kĩ năng này tìm được đường vào với sân cỏ.

Tuy nhiên, khác với tự nhiên, trong thể thao thì những cú lừa như thế này sẽ khiến cầu thủ đối mặt với nguy cơ bị phạt ngược lại hay thậm tệ hơn, bị fan chê ghét. Họ chịu một sức ép không nhỏ khi thực hiện những tiểu xảo này. Bạn đừng hiểu nhầm, đây không phải là lời thanh minh cho những hành vi xấu xí kia, đây là sự thật.

Trong một nghiên cứu đăng tải hồi năm 2011 trên tạp chí khoa học PLOS One, các nhà sinh học Úc nói rằng yếu tố chủ chốt để một cú ngã giả vờ mang về một quả phạt chính là khoảng cách giữa một cầu thủ và trọng tài - người nhìn thấy cái "tín hiệu: ngã giả vờ được phát đi.

Một pha ăn mừng rất hay của các cầu thủ.

Cụ thể, họ tính ra rằng những người giả vờ ngã gần trọng tài sẽ có gấp 3 lần tỉ lệ được hưởng một quả đá phạt so với những người ngã ở xa vị trí trọng tài. Tuy nhiên khoảng cách này cũng có những mặt hại: trọng tài kinh nghiệm có thể nhìn ra những tiểu xảo này, họ sẽ quyết định hoặc làm lơ hoặc là sẽ phạt thẻ vàng chính cầu thủ giả vờ ngã.

Các nhà nghiên cứu xem kĩ 60 trận bóng từ 10 giải khác nhau, phân loại ra những kiểu ngã mà các cầu thủ thực hiện, phân tích xe họ bị vấp, bị phạm lỗi hay đã giả vờ ăn vạ. Họ làm vậy chỉ cho một khán giả duy nhất: đó là vị trọng tài.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng tỉ lệ ngã giả vờ tăng lên 2 lần khi tỉ số đang hòa. Tất cả những cú ngã đều có tính toán chứ không phải là ngẫu nhiên: hoặc có thể ngã ở chỗ đá phạt dễ thành bàn, hoặc là kéo dài thời gian trận đấu…

Tại sao các cầu thủ đẳng cấp thế giới vẫn cứ dày mặt ăn vạ, lăn lộn trên sân cỏ? - Ảnh 3.

Số lượng ngã giả vờ mỗi trận, số lượng bàn thắng ghi được khi Thắng - Winning, khi Thua - Losing và khi đang Hòa - Drawing.

Vị trí ngã ở đâu cũng đóng vai trò quan trọng. Rõ ràng là tỉ lệ ngã giả vờ càng tăng cao khi càng tới gần khung thành của đối phương.

Các nhà khoa học cũng có kết luận này: "Những cú ngã giả vờ càng mang lại nhiều lợi ích khi nó càng được dùng nhiều". Khi càng hưởng được nhiều lợi, các cú ngã giả vờ sẽ càng diễn ra với tần suất cao hơn.

Tại sao các cầu thủ đẳng cấp thế giới vẫn cứ dày mặt ăn vạ, lăn lộn trên sân cỏ? - Ảnh 4.

Vị trí của các cú ngã giả vờ: càng gần khung thành đối phương thì ngã càng nhiều.

Đây là ví dụ dễ thấy nhất:

Trong trận đấu tranh xuất vào tứ kết ở World Cup 2014 giữa Hà Lan và Mexico, tỉ số lúc ấy là 1-1. Tiền vệ Arjen Robben đã ngã trong vòng cấm, mang lại cho Hà Lan một quả phạt đền. Nhìn kĩ, ta có thể thấy hậu vệ Rafel Márquez đã phạm lỗi.

Nhưng đây đã là pha giả vờ thứ năm của Robben trong trận đấu này. Chính anh cũng đã thừa nhận mình có ngã giả vờ vài lần tại buổi phỏng vấn kết thúc hai hiệp đấu. Tuy nhiên, anh vẫn khẳng định pha ngã dẫn tới quả phạt penalty là chính đáng.

Đây là phần thưởng cho những "cố gắng" của Robben: Klaas-Jan Huntelaar đã sút thành công quả 11 mét, đưa Hà Lan vào vòng kế tiếp.

Thế nhưng những cầu thủ bóng đã không phải là những "kịch sĩ" duy nhất

Đây không phải là đặc sản của bóng đá mà còn là vấn nạn chung của mọi môn thể thao. Ta có:

Các cầu thủ bóng rổ NBA.

Các cầu thủ bóng bầu dục.

Các tuyển thủ môn khúc gôn cầu trên băng.

Không thể phủ nhận đây là một trong những chiến thuật trong thể thao và cụ thể, quay lại với chủ đề ta đang bàn tán, là bóng đá. Đằng sau những cú ngã giả vờ không phải lúc nào cũng là những ý định phi thể thao. Thực tế, theo như thông số ESPN đã ghi nhận thì Neymar là cầu thủ bị phạm lỗi nhiều nhất tại một trận đấu World Cup trong vòng 20 năm trở lại đây.

Tại sao các cầu thủ đẳng cấp thế giới vẫn cứ dày mặt ăn vạ, lăn lộn trên sân cỏ? - Ảnh 5.

"Cứu em với anh Tài ơi".

Một trận đấy bóng đá có rất nhiều tiểu tiết nhỏ, trọng tài chính không thể theo dõi được mọi tiểu xảo mà các cầu thủ thực hiện (thế mới sinh ra công nghệ VAR, thứ công nghệ gây vô vàn tranh cãi).

Một cú chích mũi giày kín, một pha gài chân khéo léo, một cú lên gối tưởng chừng như chẳng may, một cú văng tay hóa ra lại là cố tình chơi cùi chỏ… sẽ gây ra sự ức chế cho không ít người. Khi phải đối mặt với những cầu thủ có những tiểu xảo ngã giả vờ giỏi, những cầu thủ có tiểu xảo đánh người sẽ đôi phần e ngại.

Vậy có cách nào ngăn việc ngã giả vờ không?

Đơn giản thì dừng việc thưởng cho hành vi mang tính chiến thuật này và hãy bắt đầu xử phạt nặng hơn. Nhưng ta phải nhìn vào yếu tố quyết định cho những pha này, đó là trọng tài.

Chẳng có người cầm cân nảy mực nào muốn trở thành người bỏ qua một tình huống chấn thương thực sự hoặc không phạt một tình huống phá bóng ác ý. Hiển nhiên là họ muốn đi theo tư duy "thà phạt nhầm còn hơn bỏ sót".

Đã có những nhà khoa học đề xuất sử dụng thuật toán machine vision để phát hiện ra các pha ngã giả vờ, nhưng môn bóng đá này đâu có rạch ròi như vậy. Công nghệ VAR đã và đang gây tranh cãi , mà đến cách công nghệ xác định bàn thắng cũng còn bị người ta đem ra soi xét cơ mà.

Tại sao các cầu thủ đẳng cấp thế giới vẫn cứ dày mặt ăn vạ, lăn lộn trên sân cỏ? - Ảnh 6.

Cũng đã có những đề xuất giảm kích cỡ khu vực 16 mét 50 xuống, để biến những pha penalty thành những quả đá phạt thông thường thôi. Vài người đưa ra ý kiến rằng đặt chấm đá phạt 11 mét ra xa hơn chút để tăng độ khó cho những quả penalty.

Thậm chí, có thể để người xem - những fan nhiệt thành của bóng đá đưa ra quyết định. Nhưng rõ ràng là chẳng bao giờ chuyện này xảy ra nổi, đến cả nghiên cứu cũng chỉ ra điều hiển nhiên là một vị trọng tài được huấn luyện bài bản giỏi phát hiện ngã giả vờ hơn là người xem qua màn hình.

Hiện tại thì ta cứ phải sống chung với lũ thôi. Chẳng có gì là hoàn hảo cả.

Tham khảo Vox

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại