Các bệnh nhân COVID-19 phải nằm chung giường tại bệnh viện Lok Nayak Jai Prakash, thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Các bệnh viện có đang khan hiếm ôxy?
Tình trạng khan hiếm khẩn cấp hiện nay không phải do Ấn Độ đã cạn kiệt ôxy. Vấn đề chính là ôxy không được đưa đến bệnh viện kịp thời. Sự chậm trễ này là do các cơ sở sản xuất ôxy được đặt ở rất xa, mạng lưới phân phối lại rộng lớn và một phần là do “kế hoạch tồi tệ” của chính phủ.
Trong suốt tuần qua, tại một số bệnh viện tại thủ đô New Delhi, những nơi không có năng lực đáp ứng nhu cầu ôxy lớn, đã phải kêu gọi tìm kiếm nguồn cung ôxy khẩn cấp. Tuy nhiên, cùng thời điểm đó, tình hình dịch bệnh tại các bang lân cận New Delhi như Uttar Pradesh, Haryana cũng diễn biến rất xấu, số lượng bệnh nhân nhập viện quá tải khiến các nhà máy sản xuất phải ưu tiên đáp ứng nhu cầu địa phương. Do đó, các bệnh viện tại thủ đô phải đặt hàng từ các nhà máy xa hơn tại các khu công nghiệp ở phía đông của Ấn Độ.
Lý do việc giao ôxy bị trì hoãn?
Các nhà máy sản xuất ôxy công nghiệp phục vụ cho thủ đô của Ấn Độ lại nằm ở 7 bang khác nhau. Một số nhà máy còn cách New Delhi đến hơn 1.000km.
Xe vận chuyển ôxy bên ngoài một nhà máy ôxy ở Ghaziabad, ngoại ô New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Do đặc tính dễ cháy nổ của loại vật liệu này, tất cả các lô hàng ôxy hóa lỏng đều phải vận chuyển trong các bồn chứa đặc chủng, phải lên kế hoạch vận chuyển chi tiết để đảm bảo việc giao hàng đúng thời hạn, một nguồn tin gấu tên cho biết.
Trong những ngày qua, khi tình trạng tranh giành ôxy y tế giữa các bang tại Ấn Độ ngày càng trở nên tồi tệ, giới chức một số địa phương đã làm gián đoạn việc vận chuyển ôxy để đáp ứng nhu cầu tại địa phương của mình trước.
Do đó, Delhi chỉ nhận được 177 tấn ôxy tinh khiết vào ngày 21/4, thay vì 378 tấn như được phân bổ. Tuy nhiên, một số nguồn tin địa phương lại cho rằng các bệnh viện tại New Delhi đã đặt hàng mà không tính cả thời gian vận chuyển ôxy qua nhiều bang bằng đường bộ.
“Tình trạng này sẽ không xảy ra nếu các bang lên kế hoạch và đặt hàng sớm hơn cách đây từ 2 đến 3 tuần”, nguồn tin cho biết.
Phía chính quyền Delhi cũng không có phản hồi về việc lên kế hoạch mua ôxy.
Liệu Ấn Độ có đủ năng lực sản xuất ôxy?
Nhân viên y tế kiểm tra bình ôxy tại một cơ sở cách ly tạm thời ở New Delhi. Ảnh: Bloomberg
Năng lực sản xuất hàng ngày của Ấn Độ có thể lên đến ít nhất 7.100 tấn ôxy, bao gồm cả mục đích công nghiệp. Số lượng này đủ để đáp ứng nhu cầu hiện tại.
Tuần này, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định phân bổ 6.822 tấn ôxy lỏng mỗi ngày cho 20 bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19. Số lượng này lớn hơn tổng nhu cầu của các địa phương với 6.785 tấn, Văn phòng Thủ tướng Narendra Modi cho biết.
Hôm 12/4, lượng ôxy theo yêu cầu của ngành y tế chỉ khoảng 3.842 tấn, chỉ bằng hơn một nửa lượng ôxy phân bổ, khi các ca mắc vẫn chưa tăng mạnh.
Theo Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ, năng lực đáp ứng ôxy của Ấn Độ đã tăng thêm 3.300 tấn chỉ sau vài ngày nhờ sự chuyển hướng sản xuất của nhà máy thép và đơn vị công nghiệp sang lĩnh vực y tế.
Ấn Độ sẽ làm gì để giải quyết khủng hoảng ôxy?
Người thân an táng một nạn nhân thiệt mạng vì COVID-19 ở một nghĩa trang tại New Delhi. Ảnh: Reuters.
Chính phủ đã huy động các tàu chở hàng của Ấn Độ vận chuyển các bồn chứa ôxy từ nhà máy tới các địa phương đang có nhu cầu cấp thiết nhất.
Hợp tác với tập đoàn khí đốt công nghiệp Linde India (LIND.NS) và nhiều công ty khác, Ấn Độ cũng đang sử dụng máy bay chở hàng của Không quân để chuyển các bồn chứa rỗng đến các nhà máy sản xuất. Sau đó, các bồn chứa này lại được bơm đầy và đưa trở lại bằng đường bộ.
Bên cạnh đó, các lực lượng vũ trang Ấn Độ đang nhập khẩu 23 máy sản xuất oxy lưu động của Đức để sẵn sàng cho tình huống xấu hơn. Nhiều ngành công nghiệp khác cũng cho biết đang hỗ trợ ôxy tinh khiết cho các bệnh viện. Tập đoàn đa ngành Tata của Ấn Độ đã nhập khẩu 24 container chuyên dụng để vận chuyển ôxy lỏng.
Một nhân viên tháo dỡ bình oxy từ xe xuống để đưa vào một nhà máy bơm oxy. Ảnh: Reuters
Chính phủ nước này cũng ban hành lệnh chuyển đổi các bồn chứa khí argon và nitrogen để phục vụ vận chuyển ôxy y tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán Ấn Độ sẽ phải đối mặt với xu hướng gia tăng các ca mắc hàng ngày trong vài tuần nữa. Do đó, nước này sẽ phải tăng cường sản xuất và phân phối các loại vật tư y tế đặc biệt này trong những ngày tới.