Nguy cơ tai nạn thường trực khi nhiều phương tiện bất chấp biển cấm, vạch kẻ đường để vượt nhau trên cung đường cong.
Hơn một năm qua một đoạn đường kéo dài chưa đầy 5km đã xảy ra nhiều vụ tai nạn cướp đi hàng chục mạng người liên tiếp xảy ra trên cung đường “đen” này.
Trong tháng 2/2015, đoạn quốc lộ qua địa bàn xã Hàm Minh xảy ra hai vụ tai nạn nghiêm trọng làm 13 người chết, 9 người bị thương.
Từ đầu năm 2016 đến nay đoạn đường qua huyện này cũng xảy ra hai vụ tai nạn làm 14 người chết.
Trong buổi chiều 22/5, một chiếc xe đông lạnh mang biển số tỉnh Cà Mau khi chạy qua khúc cua tại xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam cũng không làm chủ được tốc độ đã tông vào hàng rào bảo vệ đường rồi lật nhào xuống ta luy.
Vụ tai nạn sáng 22/5 làm 12 người chết thảm, 40 người bị thương.
Theo người dân, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn thảm khốc là do mặt đường hẹp, các phương tiện thường xuyên lấn làn.
Đặc biệt, về đêm xe khách chạy với tốc độ quá cao nên đến khúc cua không làm chủ được tay lái dẫn đến tai nạn.
Cải tạo nhưng không mở rộng
Nhắc đến cung đường này, ông Phạm Văn Nam, Giám đốc Sở GTVT - Phó trưởng Ban ATGT tỉnh Bình Thuận cho rằng, nếu không lắp đặt dải phân cách cứng giữa hai làn đường thì tình trạng đấu đầu giữa các phương tiện còn xảy ra.
Ông Nam cho biết, tuyến quốc lộ 1A qua huyện Hàm Thuận Nam được cải tạo mặt đường nhưng không được mở rộng. Toàn bộ mặt đường chỉ rộng 13m, có 4 làn xe, trong đó 2 làn cho xe ô tô và 2 làn cho xe thô sơ.
Mỗi chiều chỉ có một làn xe ô tô nên các phương tiện lưu thông rất khó khăn. Đặc biệt, chưa được lắp dải phân cách cứng giữa đường nên đây cũng là nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Đoạn đường xảy ra vụ đối đầu 2 xe khách vào tháng 2/2015 làm 10 người chết, 9 người bị thương.
Khúc cua nguy hiểm tại xã Hàm Cường, Hàm Thuận Nam làm chiếc xe đông lạnh lật nhào xuống vực chiều 22/5.
“Tuyến quốc lộ 1A qua Hàm Thuận Nam có dự án cải tạo, sửa chữa mặt đường, thiết kế hệ thống cọc tiêu, biển báo, sơn vạch kẻ đường, gờ giảm tốc... để đảm bảo an toàn giao thông.
Tuy nhiên, lưu lượng giao thông lớn, nhu cầu đi lại ngày càng tăng nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn”, ông Nam nói.
Trong cuộc họp với UBND tỉnh Bình Thuận ngày 22/5, UBATGT Quốc gia xác định biện pháp triệt để nhất hạn chế tai nạn là phải đặt dải phân cách, mở rộng mặt đường. Bộ GTVT cũng chỉ đạo kiểm tra để xử lý trong thời gian sớm nhất.